Nghị định số 08/2023/NĐ-CP: Giải pháp "hồi sức cấp cứu" kịp thời cho doanh nghiệp do đứt gãy dòng tiền
Nghị định số 08/2023/NĐ-CP được cho là một giải pháp hồi sức cấp cứu để doanh nghiệp phát hành trái phiếu chống chọi được với những khó khăn do đứt gãy dòng tiền. Để làm rõ hơn về nhận định này, Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco, Trọng tài viên, giảng viên Đại học Luật Hà Nội đã có những chia sẻ với Tạp chí Tài chính.
Phóng viên: Sự ra đời của Nghị định số 08/2023/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ tác động tích cực tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới. Quan điểm của ông như thế nào về nhận định này, thưa ông?
Luật sư Hà Huy Phong: Ngày 31/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Gần 2 năm sau đó, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022. Và mới đây nhất, ngày 5/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi 2 nghị định nêu trên. Điều này phần nào cho thấy sức nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian qua, được phản ánh khá sinh động qua sự ra đời cũng như sửa đổi, bổ sung kịp thời của các văn bản nêu trên.
Với Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, cá nhân tôi cho rằng, đó là một giải pháp hồi sức cấp cứu để doanh nghiệp phát hành chống chọi được với những khó khăn do đứt gãy dòng tiền trong bối cảnh cả nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang đối mặt với không ít thách thức. Tuy nhiên, để thiết lập lại trật tự hoặc nâng cao tầm vóc phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, điều quan trọng hơn, chúng ta cần xây dựng, minh định chính sách rõ ràng và hữu hiệu về thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trước khi luật hoá trong một văn bản cụ thể.
Phóng viên: Nhiều ý kiến đánh giá cao về quy định cho phép các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong trường hợp gặp khó khăn khi thanh toán gốc và lãi trái phiếu có thể sử dụng các tài sản hợp pháp của mình để đàm phán với các nhà đầu tư thanh toán bằng tài sản. Theo ông, quy định này sẽ tác động tới các doanh nghiệp ra sao trong bối cảnh hiện nay?
Luật sư Hà Huy Phong: Thực chất thì nội dung về thanh toán tiền gốc và lãi trái phiếu bằng hoán đổi tài sản là một quyền của các chủ thể đã được pháp luật công nhận từ lâu trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Các bên được quyền tự do thoả thuận trong hợp đồng về việc thanh toán bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản. Tuy nhiên, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP quy định cụ thể hơn về vấn đề này để tạo đà tâm lý cho doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có những diễn biến phức tạp, khó khăn.
Tôi cho rằng, sẽ có những doanh nghiệp phát hành có khả năng tận dụng cơ hội này để giải quyết bài toán khó khăn về quỹ tiền mặt trong trước mắt. Nhưng cũng sẽ có nhiều doanh nghiệp phát hành không thể tận dụng cơ hội này, bởi yếu tố tâm lý và niềm tin từ phía nhà đầu tư, cũng như tính thiếu minh bạch về tài sản bất động sản của doanh nghiệp hiện nay.
Có thể nói rằng, hầu hết các tài sản là bất động sản được phép giao dịch trên thị trường đã được doanh nghiệp chế chấp hoặc chuyển nhượng, hoặc hứa bán cho tổ chức, cá nhân khác trên thị trường, nên việc sử dụng tài sản đó để thanh toán bù trừ cho nghĩa vụ trả gốc và lãi trái phiếu là rất khó xảy ra. Đồng thời, chúng ta cũng cẩn thận và đề phòng với việc “cố tình làm liều” của một số doanh nghiệp trong tình thế cùng đường khi sử dụng bất động sản đang thế chấp hoặc đã hứa bán cho bên thứ ba để thanh toán cho trái chủ, dẫn tới nguy cơ tranh chấp về sau.
Phóng viên: Vậy ông có khuyến nghị gì tới nhà đầu tư trong thời gian tới để đảm bảo an toàn cho tài sản của mình?
Luật sư Hà Huy Phong: Thực chất, thì trong thời kì nào cũng vậy, tính khả thi của cơ hội đầu tư luôn được đặt vào chất lượng của hàng hoá và uy tín của người bán. Nhà đầu tư nên kiểm tra kỹ thông tin về doanh nghiệp phát hành và thông tin về dự án, thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành trước khi quyết định mua trái phiếu. Tuyệt đối không nên tin tưởng và mua trái phiếu qua những đơn vị thứ ba như ngân hàng hoặc các tổ chức môi giới không được cấp phép để tránh bị sa vào những bẫy rủi ro như thời gian vừa qua.
Phóng viên: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!