Cuộc đua chạm đích thanh toán không tiếp xúc

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Tổng lượng giao dịch không tiếp xúc tại Việt Nam đang tăng đến 44% mỗi tháng, khiến hàng loạt doanh nghiệp đua nhau vào cuộc giành thị phần.

 Dự báo chỉ vài năm nữa, tất cả các ngân hàng sẽ phát hành loại thẻ công nghệ không tiếp xúc. Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn
Dự báo chỉ vài năm nữa, tất cả các ngân hàng sẽ phát hành loại thẻ công nghệ không tiếp xúc. Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn

Những kiểu thanh toán bằng hình thức vẩy thẻ, quẹt điện thoại, bằng mã QR…, người dùng không cần chạm tay đang thu hút sự chú ý tại Việt Nam.

Chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, số lượng người tiêu dùng chuyển từ phương thức thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán không tiếp xúc ngày càng tăng nhờ sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian.

Người tiêu dùng đã sẵn sàng

Mới đây, Visa đã công bố những con số rất ấn tượng về sự tăng trưởng của công nghệ thanh toán không tiếp xúc tại thị trường Việt Nam.

Theo nghiên cứu của Visa, trong giai đoạn 1/7/2017 – 31/5/2018, tốc độ tăng trưởng số lượng giao dịch không tiếp xúc tại Việt Nam đạt 44% mỗi tháng, tốc độ giao dịch qua thẻ Visa không tiếp xúc tăng đều 43% mỗi tháng so với cùng kỳ.

Cùng với đó, khảo sát về thái độ thanh toán người tiêu dùng nhận được kết quả khả quan: có hơn một nửa người Việt đã biết đến công nghệ thanh toán không tiếp xúc, 30% trong số họ từng sử dụng và hơn 2/3 sẵn sàng thử hình thức này thay thế tiền mặt trong tương lai.

Thanh toán không tiếp xúc là phương thức thanh toán bằng thẻ thế hệ mới. Người dùng đăng ký thông tin thẻ của mình với ứng dụng trên điện thoại; khi cần trả tiền, họ chỉ cần đặt điện thoại cạnh máy POS mà không cần chạm vào máy là có thể trả tiền.

Phương thức thanh toán này tạo ra nhiều tiện lợi cho người tiêu dùng, chẳng hạn với những đơn hàng dưới 1 triệu đồng, người dùng không cần ký tên vào đơn hàng, tiết kiệm thời gian và tiện lợi, đặc biệt là độ bảo mật và an toàn rất cao.

Trước đó, trong hai cuộc nghiên cứu giữa Visa phối hợp với YouGov và Toluna, dữ liệu thu được cho thấy người tiêu dùng có thái độ cởi mở với các phương thức thanh toán mới. Hầu hết người dùng smartphone đã sẵn sàng cho phương thức thanh toán này. Đặc biệt, số lượng người cao tuổi mong muốn được sử dụng công nghệ mới này cũng rất cao.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, ngành hàng thời trang và làm đẹp có số lượng người sử dụng phương thức không tiếp xúc cao nhất.

“Người tiêu dùng, các đơn vị bán lẻ và cả các tổ chức tài chính tại Việt Nam đang nắm bắt rất tốt các khái niệm phi tiền mặt. Hiện nay, chúng tôi đang ghi nhận những tín hiệu cực kỳ tích cực trong việc đón nhận công nghệ thanh toán không tiếp xúc tại Việt Nam. Cụ thể, người Việt đang dần hiểu rõ hơn về những lợi ích, tính bảo mật và sự tiện lợi mà công nghệ này mang lại trong các giao dịch hàng ngày”, ông Sean Preston, Giám đốc Visa tại Việt Nam, Campuchia và Lào nhận xét.

Theo nhận định của các chuyên gia công nghệ, thanh toán không chạm sẽ bùng nổ trong thời gian tới khi dân số trẻ, thích ứng nhanh với công nghệ và đặc biệt quá nửa dân số Việt Nam đã sử dụng smartphone.

Đồng loạt vào cuộc

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp dịch vụ đã đưa công nghệ không tiếp xúc vào trong hoạt động thanh toán, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể do chi phí thực hiện tương đối thấp, nhờ đó sẽ cải thiện doanh số và chất lượng dịch vụ cũng như phát huy năng suất quầy thanh toán cho các đơn vị bán hàng.

Tại nhiều siêu thị, nhà hàng, khu du lịch, khu vui chơi giải trí đã chấp nhận thanh toán bằng cách thức này. Chẳng hạn, người dùng hiện có thể áp dụng một phương thức thanh toán không chạm thông qua Samsung Pay, QRPay, VNPAYQR… tại các nhà hàng, siêu thị và các đơn vị bán lẻ như KFC, Saigon Coop, BigC và Nguyễn Kim, hay các cửa hàng thời trang như IVY, Canifa…

Nắm được cơ hội này, thời gian qua, không chỉ có các ngân hàng mà nhiều đơn vị thanh toán trung gian đã mạnh dạn đầu tư, đưa ứng dụng công nghệ mới cho khách hàng.

Chẳng hạn như Sacombank, VietinBank, Vietcombank, BIDV, Shinhan Vietnam Bank và ABBank đang cung cấp cho khách hàng phương thức thanh toán thông qua Samsung Pay – kiểu thanh toán tại máy POS không cần chạm.

“Thanh toán không tiếp xúc còn rất mới tại Việt Nam, với một ngân hàng đã triển khai và một ngân hàng đang chuẩn bị. Hiện có khoảng 1.000 điểm có thể chấp nhận thẻ dùng công nghệ không tiếp xúc. Tuy nhiên, tôi dự đoán chỉ vài năm nữa, tất cả ngân hàng sẽ đều phát hành loại thẻ này”, ông Sean Preson dự báo.

Theo các chuyên gia, đây là những tín hiệu tốt để thực hiện thành công mục tiêu không dùng tiền mặt.

Mặt khác, những con số ấn tượng này cũng là tín hiệu tích cực của nền kinh tế trước làn sóng công nghệ 4.0, không chỉ doanh nghiệp và cả người tiêu dùng đã có những thay đổi và chuyển hướng thích nghi với sự thay đổi chung của cả thế giới, thông qua việc điện tử hóa các phương thức thanh toán.