“Cuộc đua M&A” giữa Nhật và Thái tại... Việt Nam

Theo enternews.vn

Nhật Bản vẫn là nước có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam thông qua con đường mua bán và sát nhập (M&A) nhất, nhưng sự nổi lên của các doanh nghiệp Thái Lan đang tạo ra một cuộc đua mới trên thị trường M&A.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Vị thế dẫn đầu của Nhật Bản

Theo số liệu được tập đoàn tư vấn thuế và kiểm toán KPMG tổng hợp, trong năm 2015 và nửa đầu năm 2016, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đã thực hiện thành công 34 thương vụ M&A tại Việt Nam, xếp cao nhất trong bảng xếp hạng các nước đầu tư vào thị trường M&A Việt Nam nếu tính về số lượng thương vụ.

Một trong những thương vụ nổi bật nhất là tập đoàn hàng không Nhật Bản ANA Holdings đã bỏ ra số tiền 109 triệu USD để mua gần 9% cổ phần của Vietnam Airlines. ANA Holdings đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên của hãng hàng không quốc gia Việt Nam.

Thương vụ thứ hai được nhắc đến nhiều là khoản đầu tư 183 triệu USD của tập đoàn JX Nippon Oil & Energy để mua 8% cổ phần của Petrolimex. Thông qua thương vụ M&A này, JX Nippon Oil & Energy đã lần đầu tiên tham gia được vào thị trường phân phối và bán lẻ xăng dầu Việt Nam – thị trường vốn xưa nay là độc quyền của các nhà bán lẻ xăng dầu trong nước.

Trong giai đoạn 2008-2013, Nhật Bản luôn là nơi có nhiều nhà đầu tư đầu tư vào Việt Nam qua con đường M&A nhất. Sự tham gia của các tập đoàn lớn của Nhật Bản vào nhiều lĩnh vực khác trong hai năm trở lại đây đã giúp quốc gia này duy trì vị trí dẫn đầu trên thị trường M&A Việt Nam, trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư từ các quốc gia khác cũng đang nhòm ngó vào Việt Nam.

“Mặc dù các nhà đầu tư Nhật Bản gần đây có phần thận trong hơn trong hoạt động M&A ở nước ngoài, nhưng họ vẫn là những nhà đầu tư M&A lớn nhất về số lượng giao dịch trong những năm gần đây [ở Việt Nam]” ông Lê Hoàng, Giám đốc Tư vấn tài chính và mua bán doanh nghiệp tại KPMG Việt Nam, nhận xét.

Ông Hoàng cũng cho biết một xu hướng mới là trong những năm gần đây các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản cũng bắt đầu tìm kiếm các mục tiêu M&A tại Việt Nam, do nền kinh tế của Nhật Bản đang có xu hướng chững lại, lãi suất thấp, cũng như được sự hỗ trợ về vốn từ các ngân hàng tại nước này.

Sự cạnh tranh của nhà đầu tư Thái

Nhưng nếu xét về tổng giá trị đầu tư, Thái Lan mới xếp ở vị trí đầu tiên trong giai đoạn năm 2015 và nửa đầu 2016, với hơn 2 tỷ USD, gấp gần năm lần tổng giá trị đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản, theo số liệu thống kê của KPMG.

Đây dường như là một sự soán ngôi ngoạn mục của các nhà đầu tư Thái Lan nếu tính về vốn đầu tư. Trong suốt 10 năm (từ 2005-2014), Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu cả về số dự án và tổng giá trị thương vụ đầu tư, với hơn 2,1 tỷ USD so với 618 triệu USD của các nhà đầu tư Thái Lan giai đoạn đó.

Các nhà đầu tư đến từ Thái Lan tập trung vào mảng bán lẻ và tiêu dùng với hai thương vụ lớn đó là Central Group mua lại Big C và Singha trở thành nhà đầu tư chiến lược của Masan.

Trước đó, cuối 2014 đầu 2015, TCC Holdings cũng đã mua lại hệ thống Metro tại Việt nam. Như vậy, hai chuỗi siêu thị lớn tại Việt nam đều đã thuộc về sở hữu của nhà đầu tư Thái Lan.

“Thị trường trong nước đã bão hòa cho tất cả các Cty này và họ mong đợi lợi nhuận cao hơn bằng cách đầu tư vào các nước như Việt Nam”, ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc điều hành cao cấp Recof Corporation – một tập đoàn chuyên tư vấn về M&A tại Tokyo – giải thích vì sao các nhà đầu tư Thái Lan đang mở rộng tại Việt Nam.

Ông Hoàng cũng cho rằng các nhà đầu tư Thái Lan đang tiếp tục nổi bật tại thị trường M&A với các giao dịch lớn, đồng thời đưa ra nhận định xu hướng này sẽ tiếp tục. “Trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều tập đoàn Thái Lan và các Cty với quy mô nhỏ hơn gia nhập thị trường M&A của Việt Nam”.

“Một khi xác định được các doanh nghiệp mục tiêu tiềm năng, các nhà đầu tư Thái Lan dường như rất chủ động, quyết liệt trong phương thức tiếp cận mục tiêu nhằm đánh bật các nhà đầu tư khác. Những quyết định thường được đưa ra nhanh chóng bởi sự tham gia tích cực từ ban lãnh đạo cấp cao ngay từ giai đoạn đầu”, ông Hoàng đưa ra lời giải thích vì sao các nhà đầu tư Thái Lan hay chiến thắng trong các thương vụ M&A ở Việt Nam gần đây.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng không khoanh tay nhìn. Nếu như trước đây các thương vụ M&A của nhà đầu tư Nhật thường nhắm vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và sản xuất công nghiệp, thì nay đã mở rộng sang cả những lĩnh vực bán lẻ và các lĩnh vực có liên quan tới người tiêu dùng.

Cuối năm 2014, tập đoàn bán lẻ AEON đã đồng thời mua cổ phần tại hai nhà bán lẻ là Fivimart và Citimart, dù cho tập đoàn này cũng đang đầu tư riêng những siêu thị của mình ở cả hai miền nam bắc.

Sự hiện diện của AEON Malls tại Việt Nam và các nước ASEAN khác cũng là một lý do tốt để nhiều doanh nghiệp Nhật Bản trong các dịch vụ thực phẩm và ngành hàng tiêu dùng nhanh đầu tư vào khu vực nhằm giữ quan hệ hợp tác kinh doanh với AEON trong quá trình mở rộng kinh doanh.