Cuộc đua tăng vốn chưa có điểm dừng
Tăng vốn là nhu cầu thường trực của các ngân hàng khi vốn chủ sở hữu đa phần còn mỏng. Vì vậy, cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng vẫn chưa dừng lại và sẽ còn diễn ra mạnh mẽ trong những năm tới.
Các chuyên gia cho rằng, rủi ro có thể đến bất cứ lúc nào, vì vậy tăng vốn sẽ tăng bộ đệm thanh khoản giúp ngân hàng ứng phó tốt hơn với rủi ro dịch bệnh hiện nay. Cùng với đó, tăng vốn để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo tiêu chuẩn Basel II.
Đa dạng hình thức tăng vốn
Có thể thấy, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đẩy mạnh tăng vốn bằng nhiều hình thức như: phát hành cổ phiếu, sử dụng kênh huy động trái phiếu, trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Mới đây, hàng loạt ngân hàng nhận được cái “gật đầu” của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tăng vốn điều lệ. Điển hình như SHB được chấp thuận việc tăng vốn điều lệ thêm hơn 7.413 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ nguồn lợi nhuận sau thuế sau trích lập năm 2020 gần 2.022 tỷ đồng và chào bán cho cổ đông hiện hữu 5.391 tỷ đồng. Nếu cả hai đợt phát hành đều thành công, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng vọt lên gần 26.700 tỷ đồng, tức hơn 40% so với hiện tại.
Tương tự, VPBank được tăng vốn điều lệ thêm tối đa gần 19.758 tỷ đồng, lên gần 45.058 tỷ đồng, tăng 80% so với hiện tại. Theo đó, VPBank sẽ phát hành 1,53 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 62,15% và hơn 440 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 17,85%. Nguồn vốn phát hành được lấy từ hơn 19.757 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối, quỹ đầu tư phát triển và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng thương mại cũng chủ động huy động vốn điều lệ qua kênh trái phiếu khi trong 2 tháng qua, các nhà băng thu về hàng nghìn tỷ đồng từ trái phiếu. Điển hình, trong tháng 8 BIDV phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 8 năm.
Tương tự, ngày 16/8/2021, VIB cũng phát hành thành công 100 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 7 năm sau khi đã huy động thành công 150 tỷ đồng trái phiếu vào ngày 12/8....
Ngoài phát hành trái phiếu, các ngân hàng cũng chọn hình thức chia hàng tỷ đồng cổ tức để tăng vốn điều lệ. Hàng loạt ngân hàng lớn đều chọn cách này như Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, VPBank... với tỷ lệ khá cao lên đến 35%.
Cuộc đua tăng vốn chưa dừng lại
Theo quy định, chậm nhất đến ngày 1/1/2023 là các ngân hàng phải thực hiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II được quy định tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN. Vì vậy, tăng vốn không chỉ để đáp ứng yêu cầu về an toàn vốn, mà còn giúp các ngân hàng gia tăng năng lực tài chính, cũng như có thêm nguồn vốn trung dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh khi mà tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn sẽ được siết chặt lại theo lộ trình.
Theo đánh giá của các chuyên gia, cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng vẫn chưa dừng lại và sẽ còn diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022. Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, hệ số CAR của nhiều ngân hàng đang ở mức an toàn, nhưng tăng vốn sẽ tăng bộ đệm thanh khoản giúp ngân hàng ứng phó tốt hơn với rủi ro dịch bệnh hiện nay. Vì vậy, việc tăng vốn cho ngân hàng là điều cần thiết, nhất là với những ngân hàng có vốn nhà nước.
Thực tế cho thấy, với vốn điều lệ như hiện nay, hệ số an toàn vốn của các ngân hàng nhà nước khá thấp so với các ngân hàng thương mại cổ phần và các ngân hàng trong khu vực. Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, vấn đề quan tâm lớn hiện nay là tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước.
Theo bà Hồng, “nếu không được bổ sung vốn điều lệ, nhóm này sẽ hạn chế khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, thu hẹp thị phần, khó hiện thực hóa chỉ tiêu có ít nhất 1 - 2 ngân hàng thương mại nằm trong Top 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản ở khu vực châu Á theo chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng 2030 đã được Chính phủ phê duyệt”.
Vì vậy, nếu như các năm trước, vấn đề tăng vốn là câu chuyện nan giải tại các ngân hàng quốc doanh, thì năm 2021 các nhà băng này đã tự tin đưa ra kế hoạch tăng vốn khi nút thắt pháp lý đã được nới lỏng.
Chẳng hạn, tại ĐHĐCĐ tháng 3 vừa qua, BIDV đã trình cổ đông thông qua phương án tăng 20,3% vốn điều lệ lên 48.524 tỷ đồng theo phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm.
VietinBank cũng lên kế hoạch chia cổ tức 12%, trong đó cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% và phần còn lại 7% bằng cổ phiếu.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, cổ đông của Vietcombank đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 50.000 tỷ đồng, bao gồm 2 cấu phần. Trong đó, cấu phần thứ nhất, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 1,024 tỷ cổ phiếu (tương đương 27,6%) để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019. Sau phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank tăng thêm 10.236 tỷ đồng lên hơn 47.325 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án đầu tư bổ sung hơn 7.657 tỷ đồng vốn nhà nước thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.