Cuối năm hoạt động buôn lậu diễn biến phức tạp và có chiều hướng tăng

Theo Trần Thế/congthuong.vn

Các cơ quan chức năng đánh giá, càng về cuối năm tình hình buôn lậu tại khu vực miền Nam diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Hàng nhập lậu chiếm số lượng lớn là thuốc lá, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, bánh kẹo, hàng điện tử, điện lạnh cũ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sau nhiều ngày theo dõi, ngày 29/11, Đội QLTT số 27 - Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh kiểm tra kho hàng trên đường Hồ Học Lãm, quận 8, TP. Hồ Chí Minh, phát hiện trong kho đang chứa trữ gần 300 bộ máy lạnh (300 dàn nóng và 300 dàn lạnh), lô hàng vi phạm trị giá khoảng 700 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ mua bán, xuất xứ nguồn gốc. Điều tra ban đầu cho thấy, cơ sở này hoạt động gần 3 tháng nay, số hàng trên được đưa từ Campuchia về TP. Hồ Chí Minh bằng đường bộ, sau đó sẽ gia công và đưa hàng hoá đi các nơi tiêu thụ.

Máy lạnh cũ nhập lậu bị Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh bắt giữ ngày 29/11
Máy lạnh cũ nhập lậu bị Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh bắt giữ ngày 29/11
 

Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh gần đây, cơ quan chức năng đã bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, kinh doanh mặt hàng điện tử, điện lạnh cũ, loại hàng hoá cấm nhập khẩu. Loại hàng cấm này đa số có nguồn gốc từ Campuchia, đa phần là mặt hàng máy lạnh đã qua sử dụng có nguồn gốc từ Nhật Bản, giá nhập khẩu rất rẻ. Sau khi tuồn qua biên giới, hàng lậu nhập theo đường bộ đưa đi các nơi tiêu thụ, trong đó chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh.

Tại miền Nam, tỉnh Long An, An Giang và Tây Ninh hiện nay là những địa bàn nóng về hàng nhập lậu, trong đó có mặt hàng điện tử, điện lạnh cũ, nhiều nhất là địa bàn tỉnh Long An. Mới đây, tại khu vực thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và các cơ quan chức năng đã bắt quả tang hai xe tải chở hàng cấm từ Campuchia về Việt Nam. Hàng hoá vi phạm gồm máy lạnh ( 220 dàn nóng và 222 dàn lạnh) đã qua sử dụng; 185 kiện quần áo, giầy dép cũ. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn chứng từ.

Số hàng vi phạm trên tài xế khai nhận chở thuê từ biên giới Long An đưa về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ. Cũng tại Long An, cơ quan chức năng cũng đã bắt giữ một vụ buôn lậu quy mô lớn, hàng hoá vi phạm lên đến 12 tấn, gồm máy lạnh, máy giặt, tủ lạnh, chỉ may công nghiệp, đồ gia dụng đã qua sử dụng.

Ông Phạm Đức Chinh - Quyền Cục trưởng Cục QLTT kiêm Phó Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An - cho biết, vào dịp cuối năm, tình hình buôn lậu hàng hóa qua biên giới ở Long An diễn ra phức tạp hơn và có chiều hướng gia tăng. Hàng hoá buôn lậu qua biên giới nhiều nhất là thuốc lá, hàng tiêu dùng, hàng điện lạnh đã qua sử dụng. Tại biên giới khu vực Long An, điểm nóng hàng nhập lậu thuộc tuyến quốc lộ 62, tuyến N2; địa bàn huyện Đức Huệ, thị xã Kiến Tường. “Vào thời điểm này, tại khu vực biên giới, các đối tượng thường hoạt động vào ban đêm, giờ cao điểm, các ngày nghỉ và hành động rất manh động, chống trả quyết liệt khi bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ”, ông Chinh thông tin.

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, đối với mặt hàng điện tử, điện lạnh cũ, sau khi tuồn qua biên giới Tây Nam, chúng được đưa về chủ yếu là địa bàn TP.Hồ Chí Minh tập kết tại các kho hàng khu vực ngoại thành, sau đó “làm mới” loại hàng cấm này và đưa đi các tỉnh thành khác tiêu thụ. Trong dịp cuối năm này, nhiều mặt hàng nhập lậu đổ về TP. Hồ Chí Minh với cường độ gia tăng. Không chỉ có hàng điện tử, điện lạnh cũ, các mặt hàng mỹ phẩm, quần áo, giày dép, đồng hồ, túi xách, thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chức năng, bánh kẹo, rượu bia nhập lậu cũng đang gia tăng về số lượng.

Ông Đinh Ngọc Thắng - Cục trường Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh - cho biết, tính đến ngày 28/11, số thu ngân sách nhà nước của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh là 109.100 tỷ đồng, đạt 100,3% so với dự toán Pháp lệnh được giao (108.800 tỷ đồng), vượt chỉ tiêu thu ngân sách 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Thắng, cùng với thu ngân sách vượt chỉ tiêu, ngành hải quan thành phố cũng đã đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại. Theo đó, đã phát hiện, bắt giữ 1.319 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan, trị giá hang hoá vi phạm là 1.537 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện và bắt giữ hàng nghìn vụ buôn lậu, kinh doanh hàng hoá nhập lậu. Chỉ tính riêng 280 đợt kiểm tra tại 20 trung tâm thương mại và chợ truyền thống, Cục QLTT TP.Hồ Chí Minh đã tịch thu tới 9.459 sản phẩm, trị giá hàng hoá vi phạm gần 1,2 tỷ đồng, phạt trên 1,9 tỷ đồng. Hàng hoá vi phạm chủ yếu là hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu được nhập lậu từ nhiều nguồn và đưa vào kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Bách - Quyền Cục trưởng Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh - cho biết, trong dịp cuối năm này, hàng hoá nhập lậu chiếm số lượng lớn liên quan đến nhu cầu mua sắm Tết cao như thuốc lá, bánh kẹo, mứt, rượu bia, quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm. Trên thị trường, hàng hoá nhập lậu không chỉ được bày bán ở vỉa hè, trên mạng, cửa hàng, chợ truyền thống mà có cả ở những trung tâm thương mại sang trọng với nhiều hình thức tinh vi.