Cứu ngành ngân hàng: Cả thế giới học... Thụy Điển?

Ngô Minh Tuấn (Theo FT, CafeF)

Lúc yên ổn Stockholm chẳng phải nơi được các nhà hoạch định chính sách kinh tế chọn làm điểm đến để nâng tầm hiểu biết của mình về hệ thống tài chính. Vậy mà ngày càng có nhiều khách VIP bước lên thềm đá granite đen tại tòa nhà Brunkebergstorg, nơi đặt trụ sở Ngân hàng trung ương Thụy Điển Riksbank để tìm hiểu: Liệu cách Thụy Điển đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính 1992 có giúp mình đối phó với suy thoái toàn cầu hiện nay hay không?

Đặc biệt ở Mỹ, nơi các chính trị gia và nhà bình luận đang rất hứng thú với cái gọi là “hình mẫu Thụy Điển” trong việc khắc phục ngân hàng đổ vỡ. Nó được xem như hình mẫu giải quyết vấn đề nhanh chóng bằng quốc hữu hóa và dồn tài sản độc hại vào các “ngân hàng xấu”. Với các nhà bình luận cánh tả, đây được coi là bước chuyển tới kế hoạch hóa tập trung.

Tổng thống Barack Obama úp mở rằng ông xem cách tiếp cận vấn đề ngân hàng một cách nhanh chóng và theo kiểu Thụy Điển của Nhật Bản trong những năm 1990 đã góp phần gây ra “thập kỷ mất mát” ở nước này.

Ngày 19/3, Giám đốc Cơ quan Quản lý nợ Thụy Điển Bo Lundgren, một trong những người giúp chặn chặn đứng cuộc khủng hoảng ngân hàng, sẽ tới Washington để thuyết trình trước Ủy ban Giám sát chương trình TARP của Quốc hội. Matthew Richardson và Nouriel Roubini, GS Trường kinh doanh Stern, Đại học New York, gần đây tuyên bố: "Giờ chúng ta đều là người Thụy Điển."

Thực tế không đơn giản như vậy. Phỏng vấn một vài nhân vật tham gia thiết kế và áp dụng cứu trợ kiểu Thụy Điển cho thấy có nhiều điểm tương đồng với cuộc khủng hoảng hiện nay, tuy nhiên, có vài điểm khác biệt quan trọng.

“Chẳng có chút Thụy Điển nào trong cái mọi người gọi là mô hình Thụy Điển cả,” Thống đốc Riskbank Stefan Ingves nói. Ông Ingves là Bộ trưởng Tài chính trong những năm đầu 90 và đừng đầu Cơ quan Cứu trợ Ngân hàng, cơ quan Thụy Điển thành lập để giải quyết khủng hoảng. “Những gì chúng tôi làm chỉ là ghép nối các thứ lại, chứ chúng tôi không phát minh ra chúng – chúng tôi sử dụng những kiến thức có thể tìm thấy ở bất kỳ đâu."

Thính giả cũng được đảm bảo rằng họ hành động không quá muộn; Thụy Điển chỉ nhìn nhận nghiêm túc cuộc khủng hoảng của mình sau 2 năm lao đao và các gói cứu trợ ngân hàng riêng rẽ từ 1990 đến 1992.

Ông Ingves nói, cho đến lúc đó, “chúng tôi đã làm những điều không ngờ tới và nhận ra rằng khó làm đúng được ngay từ đâu”. Chỉ đến giữa năm 1992, sau khi quốc hữu hóa Nordbanken, mới có cảm giác rằng (cuộc khủng hoảng ngân hàng) có thể vuột khỏi tầm kiểm soát.

Chính phủ, để trì hoãn thời gian, nghĩ ra chương trình mở áp dụng cho toàn bộ ngân hàng. Tháng 9/1992, chính phủ tuyên bố bảo đảm tiền gửi cho toàn bộ các ngân hàng, kể cả các cổ đông, đi kèm với một cuộc cuộc tái cấu trúc sâu rộng.

Không giống TARP, chính phủ Thụy Điển không ấn định một con số cụ thể. “Nếu con số đó thấp, mọi nghĩ nói nó không đủ, nếu cao, họ lại nói, ‘nghiêm trọng thế ư?”, ngân hàng trung ương nhận xét.

Cơ quan cứu trợ Ngân hàng được trao quyền trợ giúp bất kỳ ngân hàng nào có yêu cầu, với điều kiện nghiêm ngặt. Bất kỳ ngân hàng nào đề nghị trợ giúp đề phải nộp bản giám định sổ sách – và, nếu cần, sẽ được bơm thêm vốn chính phủ.

Ngược với lời đồn đại xung quanh mô hình Thụy Điển, chính quyền chỉ quốc hữu hóa 2 ngân hàng: Nordbanken vốn đã thuộc sở hữu Nhà nước, và Götabanken. Hợp tác xã và ngân hàng tiết kiệm được sáp nhập và các ngân hàng tư nhân cuối cùng chọn giải pháp huy động vốn tư nhân.

"Không bao giờ có chuyện chính phủ hay Cơ quan cứu trợ Ngân Hàng định tiếp quản càng nhiều ngân hàng càng tốt,” ngài Ingvest nói. “Vấn đề là phải nhận biết được tình hình. Để làm được điều đó chúng ta cần một quy trình đánh giá liệu một ngân hàng thực sự tốt, có chút vấn đề hay đang nguy hiểm."

Arne Berggren, quan chức Bộ tài chính phụ trách tái cơ cầu ngân hàng, nói thẳng về cách mình thực hiện. Rõ ràng là ngay từ đầu, chính phủ hành động như một nhà đầu tư, đổi vốn lấy cổ phần. “Chúng tôi không phải một nhà đầu tư vớ vẩn – chúng tôi rất dữ tợn.” ông nói. Chính quyền giành quyển kiểm soát. “Nếu anh nắm cổ phiếu, anh phải tham gia quản lý kinh doanh, nếu không việc quản trị chỉ tập trung vào việc tránh gây thiệt hại cho những cổ đông tư nhân còn lại."

Dag Detter, người giám sát tất cả các công ty nhà nước của Thụy Điển vào giữa thập niên 1990 nói, quan trọng nhất là những công ty như thế phải hoạt động với mục đích thương mại, cách ly khỏi sự can thiệp chính trị và hoạt động minh bạch để giữ được niềm tin của thị trường. “Nếu bất kỳ nguyên tắc nào bị bỏ qua, người nộp thuế sẽ phải gánh chịu cùng các tài sản sở hữu nhà nước."

Khi chính phủ đã nắm quyền tại 2 ngân hàng, họ cách ly tài sản xấu trong một “ngân hàng xấu” riêng. Trung tâm của quyết định này là việc quản lý tài sản tốt và xấu cần những kỹ năng khác nhau căn bản. “Ngân hàng muốn giữ khách. Đó là yếu tố quyết định thành công,” ông Ingves nói. “Nếu bạn vận hành một “ngân hàng xấu”, thành công là loại bỏ được khách hàng – và điều đó có nghĩa bạn phải ở trong một trạng thái tâm lý hoàn toàn khác khi làm việc này."

Ngân hàng tư nhân cũng được khuyến khích tách nợ xấu sang các thực thể riêng. Tuy vậy, ngược với những tranh luận gần đây tại Mỹ, chính quyền không bao giờ cân nhắc việc loại bỏ tài sản xấu khỏi ngân hàng. “Chúng tôi từ chối mua tài sản từ ngân hàng tư nhân vì không thỏa thuận được giá và cũng không bao giờ trợ cấp cho ngân hàng do tư nhân nắm giữ,” ông Ingves nói.

Thế nghĩa là Mỹ, Anh và các nước khác đã không hiểu được vấn đề khi đổ hàng đống tiền bảo đảm cho tài sản xấu và sổ sách của các ngân hàng vẫn một phần nằm trong tay tư nhân?

Ông Ingvets đã nói quá lịch sự, nhưng việc ông nghĩ ai phải trả tiền thì đã quá rõ: “Các bạn muốn xác định thua lỗ của khu vực công và các cổ đông cũ thế nào, đó là một đánh giá về giá trị, và cả chính trị nữa,” ông nói.

Nhưng, có nhiều lý do để cho rằng, để thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, kinh nghiệm của Thụy Điển vẫn còn thiếu sót.

Thứ nhất, hệ thống ngân hàng Thụy Điển tương đối nhỏ. Khi Stockholm tuyên bố bảo đảm, tổng tài sản nợ của các ngân hàng nhỏ hơn GDP. Kết quả là, lời bảo đảm đáng tin so với ngày nay, khi hệ thống ngân hàng của các nước nhỏ như Ireland cũng lớn hơn nền kinh tế nhiều lần. “Không ai nghi ngờ chính phủ Thụy Điển,” Gabriel Urwitz, CEO Götabanken trước khi nó bị quốc hữu hóa nói. “Họ nói họ bảo đảm, và toàn thế giới đều chấp nhận."

Khác biệt nữa là các ngân hàng Thụy Điển năm 1992 đơn giản hơn các định chế tài chính lớn và phức tạp của ngày nay. Tài sản xấu chủ yếu là vay từ tài sản thương mại, sẽ vỡ nợ khi lãi suất tăng và đất nước rơi vào suy thoái. Kết quả là danh mục đầu tư của ngân hàng sẽ còn các khách sạn và block văn phòng như London Ark chứ không phải chứng khoán bảo đảm bằng các khoản cho vay cầm cố, chứng khoán phái sinh và các công cụ nợ phức tạp khác. Kể cả vậy, chính phủ cũng mất đến 6 tháng để thanh tra sổ sách các ngân hàng.

Thứ ba, gói cứu trợ được soạn thảo với sự đồng thuận chính trị. Khi Bộ Tài chính phác thảo kế hoạch bảo đảm tháng 9/1992, nó không có quyền lực pháp lý để làm vậy và chỉ được phê chuẩn vài tháng sau đó. Sự ủng hộ từ Đảng Dân chủ Xã hội đối lập cho phép luật có hiệu lực từ khi còn là dự thảo. Ở Mỹ thì khác, Quốc hội trong tay Đảng Cộng hòa cuối tháng 9 đã làm thị trường hoảng loạn khi ban đầu họ phủ quyết TARP.

Bộ phận quan trọng nhất của gói cứu trợ ngân hàng Thụy Điển là việc phá giá đồng krona, việc chính phủ đã chống đối kịch liệt. Tháng 11/1992, chính quyền thả nổi đồng bản tệ. Hành động này, trùng với thời kỳ tăng trưởng tại châu Âu, giúp Thụy Điển kích cầu xuất khẩu. Bất kỳ với lý do gì, GDP cũng đã tăng trở lại từ quý II năm 1993.

Ngay cả những kiến trúc sư của gói cứu trợ cũng không chắc ảnh hưởng những hành động của mình đến đâu. “Mục tiêu của chúng tôi là giảm thiếu chi phí kinh tế và rút ngắn cuộc khủng hoảng,” ông Berggren nói. “Có lẽ chúng tôi đã thành công, chắc chúng tôi chẳng bao giờ biết được."

Nếu kinh nghiệm của Thụy Điển có chỉ dẫn gì cho các nhà hoạch định chính sách hiện nay, những bước đi sau đó của nước này cũng mang lại bài học là không nên làm gì. Đã giải quyết được khủng hoảng nhưng chính phủ không thực thi những cải cách dài hạn để tránh tình huống tương tự trong tương lai. “Cơ cấu giám sát chúng tôi thực thi đầu những năm 90 có khuyết tật lâu dài,” ông Ingves nói. “Các chính trị gia nghĩ ‘sẽ chẳng xảy ra lần nữa đâu’,” Staffan Viotti, cố vấn của ông Ingves và GS tại trường kinh tế Stockholm nói.

Trong cuộc bùng nổ tín dụng gần đây, các ngân hàng Thụy Điển châm ngòi cho một sự tăng trưởng bộc phát nữa, mở rộng cho vay ra toàn vùng Bắc Âu và đặc biệt là các nước Baltic.

Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, chính phủ Thụy Điển lại phải can thiệp một lần nữa, tuyên bố bảo đảm cho tới 205 tỉ USD tài khoản ngân hàng và thành lập quỹ đầu tư ngân hàng trị giá 1,8 tỉ USD, Ba trong số bốn ngân hàng lớn nhất Thụy Điển, bao gồm Nordea – một phần của Nordbanken cũ – đã phải huy động vốn mới. Để ứng phó với cuộc khủng hoảng mới, quá trình lập pháp lại bị rút ngắn.

Bởi vậy, trên đường từ Riksbank về sân bay, có lẽ các nhà hoạch định chính sách và khách tham quan sẽ nghĩ rằng, bài học quan trọng nhất là người Thụy Điển đã không học được từ chính mình.