Đã có 756 doanh nghiệp bất động sản giải thể
7 tháng năm 2023, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam chứng kiến 756 doanh nghiệp BĐS giải thể, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này cho thấy, thị trường BĐS đang gặp rất nhiều khó khăn, cần sớm có giải pháp tháo gỡ những "nút thắt" của thị trường.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 7 tháng năm 2023, cả nước có 89.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 834.300 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 588.900 lao động, tăng 0,2% về số doanh nghiệp, giảm 17,1% về vốn đăng ký và giảm 5,2% về số lao động so với cùng kỳ năm 2022.
Trong số các doanh nghiệp thành lập mới và giải thể trong 7 tháng qua, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh BĐS thành lập mới giảm 2.622 doanh nghiệp, giảm 56,2% so với cùng kỳ năm 2022. Lĩnh vực này cũng có 756 doanh nghiệp giải thể, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng cao nhất trong các ngành.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng doanh nghiệp BĐS giải thể tăng cao là do ảnh hưởng của hậu COVID-19, chu kỳ tăng trưởng của thị trường và khó tiếp cận vốn của doanh nghiệp...
Để gỡ “nút thắt” cho thị trường BĐS, mới đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời, tuy nhiên, cần thời gian để thị trường “ngấm” chính sách. Cùng với đó, các cấp có thẩm quyền đang khẩn trương hoàn thiện các cơ chế, chính sách để tháo gỡ những điểm nghẽn của thị trường hiện nay.
Nhận định về thị trường BĐS trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, thị trường BĐS sẽ giao dịch sôi động trở lại từ cuối năm 2024. Tuy nhiên, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố của thị trường.