Đã đến lúc nhà đầu tư cần cẩn trọng "sóng" cổ phiếu dầu khí?
Với mức tăng trưởng rất mạnh trong 1 tháng vừa qua, đã đến lúc nhà đầu tư cần cẩn trọng trước "sóng" dầu khí?
Giá dầu tăng, nhưng "tiệc vui" không dành cho tất cả
Sự tăng trưởng và ổn định của giá dầu trong 6 tháng đầu năm 2018 đã khiến một số doanh nghiệp dầu khí có kết quả kinh doanh tích cực.
Một số giám đốc phân tích đánh giá, các doanh nghiệp như GAS, PLX, BSR đã chịu ảnh hưởng trực tiếp nhờ ảnh hưởng giá dầu.
Ngay tại Hội nghị sơ kết kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018, chia sẻ từ Ban lãnh đạo Tổng Công ty Khí Việt Nam- Công ty CP (mã GAS) cho hay, giá dầu trung bình 6 tháng đầu năm 2018 đạt 71 USD/thùng, cao hơn giá kế hoạch 42% đã tạo điều kiện thuận lợi giúp GAS đạt mức KQKD tốt trong BCTC quý II/2018. Cụ thể, doanh thu thuần GAS tăng 22,8% đạt 20.028 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế (LNST) tăng 71,3% đạt 3.207 tỷ đồng.
Giá dầu tăng và duy trì ở mức ổn định cũng là nguyên nhân khiến Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (mã PLX) ghi nhận đạt 1.275 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 40,8% so với quý II/2017. Giải trình từ PLX cho hay, việc LNST tăng nhờ giá dầu thế giới quý II/2018 xu hướng tăng so với quý I/2018, trong khi quý II/2017 giá dầu giảm so với quý trước đó. Ngoài ra, PLX cũng đánh giá sự biến động trái chiều về giá dầu thế giới trong quý II/2018 so với cùng kỳ và chính sách điều hành quỹ bình ổn giá là một trong các yếu tố cơ bản tác động đến giá vốn hàng bán trong kỳ.
Hai ‘tân binh’ khác trên sàn chứng khoán cũng đạt KQKD tốt là Công ty CP Lọc Hóa Dầu Bình Sơn (mã BSR) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam – Công ty TNHH MTV (mã OIL) đều báo gần đạt kế hoạch năm. Cụ thể, BSR ước doanh thu đạt 66.488 tỷ đồng, hoàn thành 85% kế hoạch năm, ngoài ra công ty cũng cho hay đã vượt kế hoạch lợi nhuận năm; trong khi đó, doanh thu hợp nhất của PVOIL nửa đầu năm 2018 ước đạt 29,5 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 72% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 320 tỷ đồng, hoàn thành 94% kế hoạch năm.
Một số doanh nghiệp dầu khí khác cũng ghi nhận KQKD tốt là Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (mã PVT) với LNST tăng đến 242% đạt 270 tỷ đồng (mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong nhóm dầu khí). Giải trình từ PVT cho hay, sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đến từ việc nhà máy lọc dầu Dung Quất trong 6 tháng đầu năm 2018 không có kế hoạch dừng bảo trì và phát sinh thu nhập từ việc thanh lý 1 tàu dầu thô.
Tương tự, một doanh nghiệp khác là Công ty CP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (mã PVB) ghi nhận lợi nhuận quý II/2018 đạt hơn 9,1 tỷ đồng, tăng trưởng rất mạnh so với cùng kỳ chỉ đạt hơn 440 triệu đồng nhờ việc ký hợp đồng và triển khai các dự án thi công bọc ống.
Tuy vậy, ‘tiệc vui’ không dành cho tất cả, nhiều doanh nghiệp vẫn ghi nhận KQKD giảm so với cùng kỳ, hoặc thậm chí lỗ.
Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã PVS) ghi nhận riêng quý II/2018 lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 23,2 tỷ đồng, giảm đến 93,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức lợi nhuận giảm được lý giải do ít việc và trong dự kiến của nhiều công ty chứng khoán. Có thể thấy, mảng cơ khí dầu khí (M&C) gần như không ghi nhận lợi nhuận trong quý II, do không còn ghi nhận doanh thu từ các dự án có biên lợi nhuận cao ở ngoài khơi.
Ngoài ra, Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (mã PVD) trong quý II/2018 tiếp tục ghi nhận lỗ 67,2 tỷ đồng, mức lỗ tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là doanh nghiệp dầu khí duy nhất vừa lỗ trong quý II/2018, vừa ghi nhận mức lỗ càng gia tăng trong kỳ.
Bất chấp KQKD phập phù, cổ phiếu nhóm dầu khí vẫn tăng
Thống kê từ Công ty CP Chứng khoán Bản Việt cho thấy, 1 tháng vừa qua ghi nhận nhóm cổ phiếu dầu khí tăng trưởng đến 16,94%, điều đáng nói là nhiều doanh nghiệp tăng trưởng về mặt giá cổ phiếu, nhưng kết quả kinh doanh lại chưa thực sự khởi sắc.
Điển hình nhất có thể kể đến là PVD và PVS trong tháng qua lại có mức tăng trưởng mạnh nhất lần lượt đạt 33,74% và 33,97%.
PVC quý II/2018 lãi giảm 96,7% còn chưa đến 1 tỷ đồng, nhưng thị giá cổ phiếu cũng đã tăng đến 24,14% đạt 7.200 đồng/cổ phiếu, hay PXS lỗ ròng 26,8 tỷ đồng, nhưng cổ phiếu trong 1 tháng vẫn tăng 24,75%, đạt 6.150 đồng/cổ phiếu.
Lẽ thường, khi giá cổ phiếu nhóm này tăng (bất chấp kết quả kinh doanh không tốt), những ai đầu tư chứng khoán lại ‘vin’ vào việc giá dầu tăng trưởng từ các sự kiện trái chiều trên thế giới, điển hình là thông tin Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt với Iran, theo đó ngày 7/8 áp dụng lệnh trừng phạt tài chính và tháng 11 áp dụng đợt trừng phạt thứ hai nhằm vào hạ tầng Iran và hoạt động xuất khẩu dầu - điều khiến giới đầu tư lo ngại thị trường thiếu nguồn cung vào cuối năm.
Tuy vậy, với việc nền tảng kinh doanh cơ bản của nhiều doanh nghiệp vẫn ở mức chưa khởi sắc, nhiều ý kiến đánh giá dòng tiền ở nhóm này vẫn là dạng đầu cơ.
Sự ‘cẩn trọng’ càng lên cao khi nhận định mới đây của một giám đốc phân tích cảnh báo, nhóm cổ phiếu dầu khí đã tăng trưởng khá mạnh từ vùng giá ‘hấp dẫn’ cách đây khoảng 1 tháng. Với việc đà tăng điểm của nhóm này đang chậm lại, đi cùng với đó là nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục có một số phiên giao dịch tích cực, một số ý kiến nhận định nhóm cổ phiếu này, nếu điều chỉnh, cũng để mua vào lâu dài với nền giá rẻ.
Điều này cho thấy, dù cần cẩn trọng ‘sóng’ dầu khí, nhưng nhiều ý kiến đánh giá doanh nghiệp ‘vàng đen’ với nền tảng kinh doanh chắc chắn (dù có thể hiện tại chưa khởi sắc) vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Ông Lê Anh Minh - Giám đốc Phân tích VPBS, trong một lần trả lời phóng viên Nhadautu cho hay, đà tăng trưởng hiện tại và dài hạn của các cổ phiếu dầu khí có thể đến từ việc các mỏ Sao Vàng, Đại Nguyệt và nhiều mỏ khác liên tục được PVN ký kết.
Ngoài ra, ông cũng nhận định, dòng tiền đầu cơ xuất hiện ở nhóm này cũng không sai, nhưng khi giá dầu thế giới liên tục duy trì mức cao và ổn định, không thể phủ nhận dòng tiền chảy vào nhóm cổ phiếu này chỉ đơn thuần nằm ở tính chất đầu cơ.