Đà tăng giá dầu liệu có sớm dừng lại?

Theo Trần Võ/nhadautu.vn

Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong gần 3 năm sau khi các cuộc đàm phán giữa OPEC và các đồng minh bị hoãn vô thời hạn, theo đó nhóm này đã không đạt được thỏa thuận về chính sách sản xuất.

Ảnh: Getty Images.
Ảnh: Getty Images.

Dầu thô WTI giao sau, tăng 1,56%, tương đương 1,17 USD, lên 76,33 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Dầu thô Brent chuẩn quốc tế tăng 1,2%, tương đương 93 cent, lên 77,10 USD/thùng.

Các cuộc thảo luận đã bắt đầu vào tuần trước giữa OPEC và các đồng minh, được gọi là OPEC +, khi liên minh năng lượng tìm cách thiết lập chính sách sản lượng trong thời gian còn lại của năm. Nhóm này hôm thứ Sáu đã bỏ phiếu về một đề xuất sẽ khôi phục sản lượng 400.000 thùng mỗi ngày cho thị trường từ tháng 8 đến tháng 12. Bên cạnh đó, các thành viên cũng đề xuất kéo dài việc cắt giảm sản lượng chung đến cuối năm 2022.

Tuy nhiên, UAE đã từ chối những đề xuất này và các cuộc đàm phán đã phải kéo dài từ thứ Năm đến thứ Sáu khi nhóm cố gắng đạt được sự đồng thuận. Ban đầu, các cuộc thảo luận được thiết lập để tiếp tục vào thứ Hai nhưng cuối cùng đã bị hoãn vô thời hạn.

Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết trong một tuyên bố: "Ngày diễn ra cuộc họp tiếp theo sẽ được quyết định trong thời gian thích hợp".

OPEC + đã thực hiện các biện pháp lịch sử vào tháng 4/2020, qua đó loại bỏ gần 10 triệu thùng dầu/ngày trong nỗ lực hỗ trợ giá khi nhu cầu đối với các sản phẩm dầu mỏ giảm mạnh. Kể từ đó, nhóm đã từ từ tăng sản lượng trở lại thị trường, đồng thời tổ chức các phiên họp hàng tháng để thảo luận về chính sách đầu ra.

"Đối với chúng tôi, đó không phải là một thỏa thuận tốt", Bộ trưởng Năng lượng và Cơ sở hạ tầng UAE Suhail Al Mazrouei tuyên bố. Ông nói thêm rằng quốc gia này sẽ ủng hộ việc tăng nguồn cung trong ngắn hạn, nhưng muốn có các điều khoản tốt hơn nếu chính sách cắt giảm sản lượng chung được gia hạn đến năm 2022.

Các nhà phân tích tại TD Securities viết trong một lưu ý cho khách hàng: "Sự bế tắc này sẽ dẫn đến thâm hụt tạm thời và lớn hơn đáng kể so với dự đoán, điều này sẽ thúc đẩy giá thậm chí còn cao hơn trong thời điểm hiện tại".

Trong khi đó, theo nhà phân tích năng lượng Vandana Hari, các nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vào sự phục hồi của dầu toàn cầu do kinh tế Mỹ khởi sắc - nhưng những kỳ vọng đó có thể là "quá lạc quan".

Vandana Hari, người sáng lập và giám đốc điều hành của Vanda Insights cho biết: "Sự phục hồi kinh tế và việc Mỹ dỡ bỏ tất cả các hạn chế, bắt đầu từ tháng 4 và tháng 5, đã khiến thị trường ngạc nhiên".

Hiện tại, nhiều bang ở Mỹ đã dỡ bỏ các hạn chế ngăn ngừa dịch bệnh và cảm giác bình thường đã phần nào quay trở lại trong nước. Vị chuyên gia này cho biết thị trường dầu dường như đang sử dụng Mỹ làm hình mẫu cho những gì sắp diễn ra ở phần còn lại của thế giới. Dù vậy, "mọi thứ dường như vẫn quá lạc quan".

Các quốc gia giàu hơn đang dẫn đầu về việc tiêm chủng và mở cửa trở lại, nhưng các trường hợp nhiễm COVID-19 vẫn đang hoành hành ở nhiều quốc gia nghèo hơn, những quốc gia khó có thể đi theo con đường của Mỹ.

Bà cho rằng vẫn còn nhiều yếu tố khiến giá dầu khó có thể duy trì đà tăng trong dài hạn: "Vẫn còn rất nhiều điều chưa chắc chắn liên quan đến virus, các biến thể và cách các quốc gia quản lý. Thế giới vẫn chưa đạt được miễn dịch cộng đồng vào nửa cuối năm 2021".