Đại biểu ủng hộ chủ trương miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp
Thảo luận tại hội trường chiều 8/11 về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, đa số các đại biểu nhất trí với chủ trương miễn giảm thuế được đề xuất trong dự thảo.
Sớm thu hồi diện tích đất nông nghiệp sử dụng sai mục đích
Đại biểu (ĐB) Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) cho rằng việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) sẽ khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, khuyến khích tích tụ ruộng đất, ứng dụng cơ giới hoá vào phát triển nông nghiệp. Thực tế, tác động về mặt ngân sách của việc miễn giảm thuế là không lớn nhưng lại thể hiện sự quan tâm rất tích cực để khuyến khích người nông dân sử dụng đất đai hiệu quả hơn. Đây cũng là quan điểm của ĐB Thạch Văn Cường (Trà Vinh) và nhiều ĐB khác.
Bên cạnh đó, một số ĐB cũng đề xuất các ý kiến liên quan đến chính sách thuế SDĐNN. ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị chỉ miễn thuế cho hộ gia đình, tổ chức được giao trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp, còn hộ gia đình, tổ chức có đất nhưng không dùng cho sản xuất nông nghiệp mà cho thuê thì đề nghị phải đánh thuế cao hơn. ĐB Đặng Hoàng Tuấn (Long An) đề nghị kéo dài thời gian miễn giảm thuế lâu hơn, có thể là đến năm 2030 thay vì đến năm 2020 như dự thảo Nghị quyết.
Liên quan đến việc dự thảo đề nghị trong thời gian Nhà nước chưa thu hồi đất thì tiếp tục thu 100% số thuế SDĐNN đối với diện tích đất nông nghiệp giao cho tổ chức nhưng không trực tiếp sử dụng để sản xuất nông nghiệp mà giao lại cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu, ĐB Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh tình trạng vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai ở nhiều nông, lâm trường thời gian qua hết sức phức tạp, do đó cần cân nhắc việc quy định tiếp tục thu 100% thuế với trường hợp này vì có thể gây bất lợi với ý thức tuân thủ pháp luật, có thể khiến cho việc thu hồi đất đai thêm khó khăn. ĐB cũng đề nghị Chính phủ kiên quyết thu hồi các diện tích đất sử dụng sai mục đích này.
Các trường hợp miễn thuế chỉ cần lập hồ sơ một lần cho nhiều năm
Giải trình về các ý kiến của ĐB, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết việc bổ sung miễn thuế với toàn bộ diện tích vượt hạn mức của các hộ gia đình, cá nhân đang phải nộp thuế theo Nghị quyết 55 là để thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, giảm khó khăn cho người nông dân, khuyến khích phát triển nông nghiệp, đảm bảo công bằng với tổ chức được giao đất.
Về việc tiếp tục thu 100% số thuế SDĐNN với diện tích đất mà tổ chức được giao nhưng không trực tiếp sử dụng, Bộ trưởng cho biết theo quy định của Luật Thuế SDĐNN, tổ chức sử dụng đất và sản xuất nông nghiệp đều phải nộp thuế. Do đó, đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế được nhà nước giao hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trước khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thì vẫn thuộc đối tượng chịu thuế SDĐNN.
Mặt khác, theo quy định, việc ưu đãi về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chỉ áp dụng đối với đối tượng được nhà nước giao đất và cho thuê đất. Do đó, để bảo đảm tính thống nhất về ưu đãi và đảm bảo sử dụng đất có hiệu quả thì việc thu thuế SDĐNN 100% đối với trường hợp theo dự thảo Nghị quyết là phù hợp. Đây cũng chính là nội dung kế thừa Nghị quyết 55 của Quốc hội.
Về thời hạn miễn thuế, Bộ trưởng lý giải việc Chính phủ lựa chọn đến năm 2020 là bởi đây cũng là thời hạn thực hiện các mục tiêu về phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Nghị quyết 26, Ban chấp hành Trung ương khoá 10. Khi sắp kết thúc thời hạn miễn thuế, Chính phủ sẽ tổng kết đánh giá, trình Quốc hội về chính sách này để phù hợp đồng bộ với các chính sách khác về nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết các trường hợp đang phải nộp thuế nay chuyển sang miễn thuế toàn bộ sẽ chỉ cần lập hồ sơ miễn thuế 1 lần cho nhiều năm, cơ quan thuế sẽ ban hành quyết định miễn thuế 1 lần cho toàn bộ thời gian được miễn thuế. Quy định trên sẽ góp phần giảm bớt chi phí quản lý hành chính, đồng thời giúp Nhà nước dễ kiểm soát và quản lý việc SDĐNN tới từng xã, nắm được sự biến động và tình hình quản lý đất nông nghiệp ở từng địa phương.