Đại dịch COVID-19, "kỳ đà cản mũi" các thương vụ M&A trên toàn cầu?
Lần đầu tiên kể từ tháng 9 năm 2004, không có một thương vụ M&A nào trị giá hơn 1 tỷ USD được công bố trên toàn thế giới vào tuần trước, theo nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv.
Các thương vụ M&A đang gặp phải nhiều trở ngại khi các quốc gia trên thế giới đã đóng cửa các khu vực kinh tế lớn của họ, mặc dù đây là một động thái cần thiết trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19.
Hoạt động mua bán sáp nhập trên toàn thế giới từ đầu năm 2020 cho đến nay đã giảm 33% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị của các thương vụ hiện ở mức 762,6 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2013, theo dữ liệu của Refinitiv. Trong khi đó, số lượng giao dịch cũng giảm 20% so với hàng năm.
"Chúng tôi dự đoán rằng số lượng các thỏa thuận được ký kết trong quý này sẽ tiếp tục sụt giảm do các bên mất nhiều thời gian hơn để làm việc trước những tác động của đại dịch COVID-19", ông Robert Wright đến từ công ty luật Baker McKenzie, nhóm M&A châu Á-Thái Bình Dương, cho biết.
Hiện tại, nhiều công ty đã rút lui khỏi các giao dịch trong bối cảnh điều kiện giao dịch thay đổi và mức độ rủi ro gia tăng. Công ty Alimentation Couche-Tard Inc tại Canada hôm thứ Hai cho biết họ sẽ tạm hoãn việc mua lại công ty khai thác xăng dầu Caltex Australia Ltd với giá trị 5,6 tỷ USD, khi nhu cầu nhiên liệu lao dốc và thị trường năng lượng rơi vào khủng hoảng.
Trong khi đó, nhiều chính phủ trên thế giới cũng đã tăng cường các quy tắc cho đầu tư nước ngoài để bảo vệ tài sản quốc gia.
Trong tuần trước, Ấn Độ đã đưa ra phán quyết rằng các khoản đầu tư của một thực thể từ một quốc gia có chung đường biên giới trên đất liền với họ sẽ cần sự chấp thuận của chính phủ. Đây được coi là một động thái cứng rắn nhằm kiềm chế các thương vụ M&A với mục đích trục lợi từ khủng hoảng COVID-19.
Không chỉ vậy, ngay cả Australia và Đức cũng tăng cường kiểm tra và giám sát chặt chẽ các nhà đầu tư nước ngoài với mục đích tương tự.
Trên toàn cầu, các thương vụ 'khủng' phần lớn đều bị đình trệ khi các bên chờ đợi để đánh giá tác động thực sự của đại dịch. Ngoài ra, các nhà giao dịch cũng đang tìm kiếm các doanh nghiệp cần giải cứu, các công ty tái cấu trúc và có khả năng quốc hữu hóa khi chính phủ và ngân hàng trung ương cố gắng củng cố nền kinh tế.
Khoảng 56% trong số hơn 2.900 giám đốc điều hành được khảo sát trên toàn cầu bởi EY đều đã lên kế hoạch mua lại trong 12 tháng sắp tới. Theo báo cáo của EY, các CEO cho biết họ cần phải nhìn xa hơn cuộc khủng hoảng hiện tại để đảm bảo tăng trưởng dài hạn cho doanh nghiệp.
"Nếu có bất kỳ sự suy thoái kéo dài nào do cuộc khủng hoảng hiện tại, các giám đốc điều hành có thể mạnh dạn hơn với tham vọng của họ và tìm cách mua những tài sản đó nhằm giúp họ tăng trưởng nhanh hơn", theo báo cáo của EY.