Lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu thô giảm xuống mức âm

Theo Bảo Linh/nhadautu.vn

Tại thời điểm 2h34 sáng ngày 21/4 (theo giờ Việt Nam), thị trường thế giới chứng kiến điều chưa từng có trong lịch sử: Giá dầu thô giảm xuống mức âm.

 Diễn biến chưa từng có tiền lệ trong lịch sử: Giá dầu thô xuống mức âm (Ảnh: Internet)
Diễn biến chưa từng có tiền lệ trong lịch sử: Giá dầu thô xuống mức âm (Ảnh: Internet)

Theo đó, giá dầu WTI giao tháng 5 giao dịch ở mức -35,62 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 6 giảm  giảm 2,25% xuống 25,83 USD/thùng.

Theo trang Bloomberg, khái niệm kinh tế “giá âm” được hiểu là khi thị trường bán buôn một mặt hàng (như dầu mỏ) ở tình trạng cung vượt quá cầu. Có thể thấy, tình trạng này đang xảy ra với thị trường dầu mỏ thế giới, khi cung vượt quá cầu và các kho chứa khắp nơi trên thế giới đã tràn.

Hiện tại, nhu cầu dầu thô trên thế giới vẫn đang thấp do dịch COVID-19 lây lan mạnh mẽ. Hệ quả là, các nước áp dụng lệnh phong toả khiến hoạt động đi lại bị hạn chế.

Mặt khác, giá dầu âm bất chấp OPEC và các nước đồng mình đã đồng ý giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày nhằm đối phó tình trạng nguồn cung dư thừa.

Dù vậy, giới chuyên gia đánh giá bất chấp các nỗ lực của OPEC, lượng cung vẫn cao hơn rất nhiều so với nhu cầu.

Theo tính toán, tình trạng sụt giảm kinh tế và nhu cầu tiêu thụ dầu trên phạm vi toàn cầu đã dẫn tới việc làm dư thừa khoảng 20 triệu thùng dầu/ngày trên thị trường dầu mỏ, khiến các kho chứa dầu bị tràn. Về lý thuyết, điều này buộc các nhà sản xuất dầu mỏ phải chi tiền cho khách hàng để họ mua dầu mỏ của mình, qua đó biến dầu mỏ có giá âm (dưới 0 USD/thùng) đối với nhà sản xuất.

Tại Hoa Kỳ, kho chứa dầu Cushing vào tuần trước tăng 9% lên 61 triệu thùng.  Các chuyên gia dự đoán, kho chứa này cũng sớm được lấp đầy.

Thậm chí, một số nhà đầu tư đã phải thuê tàu neo đậu ở các cảng để chứa dầu thô, ước tính có khoảng 160 triệu thùng dầu nằm ở các tàu chở dầu trên toàn thế giới. 

Thêm vào đó, việc các nên kinh tế lớn trên thế giới suy yếu cũng là yếu tố gây áp lực lên giá dầu thô. Cụ thể, Đức lâm vào cuộc khủng hoảng nặng nề và khó có khả năng phục hồi nhanh chóng trở lại do dịch COVID-19 ở nước này vẫn đang diễn biến phức tạp.

Hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản tháng 3 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.