Đại lý nhận lệnh chứng khoán biến tướng

Theo VnExpress

Gần đến ngày phải đóng cửa theo quy định, nhiều đại lý nhận lệnh không thể nâng cấp thành phòng giao dịch hay chi nhánh, đành thay tên đổi họ để tồn tại.

Hoạt động các đại lý nhận lệnh được xem như cánh tay nối dài của công ty chứng khoán trong việc tiếp cận, mở rộng mạng lưới khách hàng trên khắp cả nước. Tuy nhiên, một số nơi lạm quyền, chứ không chỉ đơn thuần nhận và chuyển lệnh của nhà đầu tư. Cơ quan quản lý đã ra quyết định đóng cửa và cho công ty chứng khoán thời hạn một năm để hoàn tất. 10/4 là hạn cuối cùng.

Hiện một số đại lý nhận lệnh ở các tỉnh thành đã chuyển sang điểm giao dịch trực tuyến, với cơ chế hoạt động như kiểu cộng tác viên tìm kiếm khách hàng. Những khách hàng này vẫn ký hợp đồng mở tài khoản với công ty chứng khoán. Phí giao dịch thu được sẽ chia theo tỷ lệ 50:50, 40:60, tùy theo chính sách mỗi công ty. Vẫn như đại lý nhận lệnh, họ là cánh tay đắc lực của công ty chứng khoán, trực tiếp chăm sóc khách hàng.
Các đại lý nhận lệnh đóng cửa, nhà đầu tư có thể chuyển sang giao dịch trực tuyến. Ảnh minh họa: B.H.

Phó giám đốc phát triển kinh doanh một công ty chứng khoán có trụ sở ở phía Bắc tiết lộ đã lên kế hoạch chuyển thành đại lý mở tài khoản, hướng dẫn nhà đầu tư giao dịch online từ cả năm nay. Theo đó, nhân viên ở đây sẽ hướng dẫn nhà đầu tư mở và vào tài khoản, tự giao dịch mua bán trực tuyến qua Internet bằng chính tài khoản của mình, chứ không do nhân viên công ty chứng khoán đảm trách như trước.

Hiện công ty này còn khoảng 4 đại lý nhận lệnh ở các tỉnh phía Bắc, quản lý chừng 4.000 tài khoản. Vị lãnh đạo cho biết từ trước Tết đã tổ chức gặp gỡ nhà đầu tư, bày cách thức giao dịch online và trước ngày 10/4 sẽ "giảng" lại một lần nữa cho khách hàng.

Tuy nhiên, vị phó giám đốc cũng lo ngại ở các tỉnh, vùng sâu, vùng xa, không phải nhà đầu tư nào cũng sẵn sàng, hào hứng với giao dịch qua Internet do đã quen với kiểu đặt lệnh như trước.

Ngày "khai tử" đã cận kề, trong khi nhiều nơi có kế sách nâng cấp thành phòng giao dịch, chi nhánh hoặc hình thức kinh doanh khác, thì đến nay vẫn còn công ty băn khoăn không biết có nên đóng cửa đại lý nhận lệnh hay không.

Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Tân Việt Hoàng Xuân Quyến cho biết: "Các công ty chứng khoán vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể của Ủy ban Chứng khoán về việc đóng cửa đại lý nhận lệnh". Nếu giải quyết theo hướng nâng cấp thành phòng giao dịch hoặc chi nhánh, công ty chứng khoán sẽ tốn thêm tiền thuê mặt bằng, tuyển thêm nhân viên, xin con dấu.... Chưa kể phải lập thành bộ máy để chi nhánh vận hành theo đúng quy định, khiến chi phí hàng tháng đội lên, trong khi phí giao dịch vẫn "dậm chân tại chỗ". Ông chia sẻ: "Nhiều nơi có số lượng khách hàng không đáng kể nên không cần thiết phải thay đổi thành chi nhánh hay phòng giao dịch".

Chính vì vậy, dù thời hạn ngưng hoạt động đại lý nhận lệnh đang đến gần, nhưng nhiều nơi vẫn phân vân giữa tiến và lùi. "Bỏ thì tiếc, sợ mất hình ảnh công ty, thiệt thòi cho khách hàng, nhưng nâng cấp sẽ tốn nhiều chi phí", lãnh đạo một công ty chứng khoán ở quận 1, TP HCM, tâm sự.

Hầu hết công ty chứng khoán đều cho rằng cái khó hiện nay là vừa phải chấp hành quy định, vừa không thể “bỏ rơi” các đại lý nhận lệnh cũng như khách hàng ở các địa phương.

“Khách hàng của các công ty có hệ thống online mạnh thuận lợi hơn trong quá trình chuyển đổi hình thức đặt lệnh. Tuy nhiên, ngay với những công ty này, việc đóng cửa hoàn toàn các đại lý là rất khó bởi nhiều nhà đầu tư vẫn chưa có thói quen giao dịch qua mạng”, đại diện của một công ty chứng khoán ở Hà Nội nhận định.

Với 12 đại lý nhận lệnh trải khắp các tỉnh, từ Hải Phòng, Nam Định, Vinh, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Nha Trang…, đại diện công ty này cho biết, bộ phận hỗ trợ đang phải hoạt động hết công suất để hoàn thành các thủ tục chuyển đổi trở thành chi nhánh hoặc phòng giao dịch trước ngày 1/4.

Ông Phạm Nguyễn Hoàng, Trưởng phòng Phân tích và Dự báo thị trường, Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán (SRTC), cho biết: “Hoạt động của các đại lý nhận lệnh hiện tiềm ẩn khá nhiểu rủi ro và với mục tiêu ổn định thị trường trong năm nay thì việc đóng cửa đối tượng này là điều khó tránh".

Theo ông, bên cạnh việc chuyển đổi đại lý thành phòng giao dịch hoặc chi nhánh, các công ty có thể tính tới khả năng xây dựng thành trung tâm chăm sóc khách hàng, tương tự như mô hình mà công ty bảo hiểm vẫn làm. "Các trung tâm này có thể nhận hồ sơ mở tài khoản, tư vấn, cung cấp thông tin, thực hiện nghiệp vụ môi giới, marketing và quản lý khách hàng tại địa phương thay cho công ty chứng khoán”, ông Phạm Nguyễn Hoàng nói.

Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Gia Quyền (EPS) Trần Dương Ngọc Thảo cũng cho biết: "Sẽ cùng hợp tác với đại lý trước đây để phát triển thành các trung tâm giới thiệu sản phẩm và dịch vụ của công ty chứng khoán, hỗ trợ hướng dẫn giao dịch trực tuyến cho nhà đầu tư". 2 đại lý nhận lệnh của EPS đã thanh lý vào cuối năm ngoái, nay đang cùng đối tác bàn giao khách hàng.

Ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) cho biết: “Việc đóng cửa các đại lý nhận lệnh của công ty chứng khoán sẽ được thực hiện đúng theo tinh thần của Công văn số 450/UBCK-QLKD. Sau ngày 10/4, các công ty sẽ gửi báo cáo để Ủy ban có cơ sở đánh giá quá trình thực hiện”.

Cũng theo ông Sơn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hy vọng các công ty chứng khoán sẽ thực hiện nghiêm chỉnh quyết định này. Trong quá trình kiểm tra thực hiện, nếu phát hiện vi phạm, SSC sẽ tiến hành đánh giá và xử phạt theo quy định hiện hành.