Đảm bảo an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia

Trần Huyền

Để đảm bảo an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia, Bộ Tài chính đã chủ động, tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu danh mục nợ công, quản lý và kiểm soát hiệu quả chỉ tiêu nợ công trong giới hạn cho phép.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cơ cấu nợ chuyển biến tích cực

Triển khai hiệu quả công tác quản lý, huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ công, nợ Chính phủ, Bộ Tài chính đã thực hiện tốt mục tiêu quản lý nợ công theo đúng Nghị quyết của Quốc hội với chi phí thấp gắn liền với mức độ rủi ro hợp lý cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu trong nước. Công tác trả nợ được Bộ Tài chính tổ chức thực hiện chặt chẽ, đảm bảo đầy đủ, đúng hạn theo cam kết, giữ uy tín của Chính phủ. Thực hiện điều chỉnh cơ cấu và khối lượng vay phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn cũng như điều kiện thị trường.

Để đảm bảo an toàn nợ và an ninh tài chính quốc gia, Bộ Tài chính đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu danh mục nợ công. Theo đó, giảm dần tỷ trọng nợ nước ngoài để giảm thiểu rủi ro tỷ giá; tập trung huy động vốn trong nước với lãi suất hợp lý; phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn; thúc đẩy phát triển của thị trường trái phiếu Chính phủ trong nước thông qua đa dạng hóa các sản phẩm và mở rộng cơ sở nhà đầu tư dài hạn. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay về cho vay lại; siết chặt việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới, qua đó hạn chế rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng cho ngân sách nhà nước.

Nhờ đó, cơ cấu nợ Chính phủ có chuyển biến khả quan, huy động vốn vay trong nước tiếp tục đóng vai trò chủ đạo. Trong cơ cấu nợ Chính phủ, tính đến hết 6 tháng đầu năm 2021, tỷ trọng dư nợ trong nước chiếm khoảng 65,2% và nợ nước ngoài khoảng 34,8%.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân đạt 12,19% năm, giúp kéo dài kỳ hạn còn lại bình quân danh mục trái phiếu Chính phủ lên mức 8,82% năm (tăng 0,4% năm so với thời điểm cuối năm 2020), góp phần tái cơ cấu nợ công theo hướng an toàn, bền vững. Lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân giảm xuống 2,26%/năm so với mức 2,86%/năm của năm 2020, tiết kiệm chi phí vay nợ cho ngân sách nhà nước.

Đảm bảo nợ công trong giới hạn cho phép

Hiện nay, tình hình bệnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường sẽ tác động đến phát triển kinh tế và thu ngân sách, có thể ảnh hướng đến công tác quản lý nợ công. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã xác định các giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện để thực hiện các mục tiêu về quản lý nợ công theo chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội và nhiệm vụ được Chính phủ giao.

Theo đó, Bộ Tài chính tiếp tục chủ động triển khai công tác huy động vốn vay nợ công, nợ của Chính phủ theo kế hoạch vay, trả nợ công năm 2021 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, bám sát diễn biến của dịch bệnh COVID-19 và tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế để chủ động phân tích, đánh giá và cập nhật các chỉ tiêu ngân sách và bội chi, kế hoạch vay trả nợ và các chỉ tiêu an toàn nợ. Trên cơ sở đó, kịp thời báo cáo Quốc hội, Chính phủ đưa ra các biện pháp điều hành chính sách phù hợp, đảm bảo an toàn bền vững nợ.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thị trường, điều hành khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ đáp ứng nhu cầu trả nợ gốc và cân đối ngân sách trung ương năm 2021 trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước đã được Quốc hội phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ theo phương thức đấu thầu nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch của công tác vay nợ Chính phủ; phát hành linh loạt các kỳ hạn trái phiếu Chính phủ từ 5-30 năm để hài hòa dòng tiền trả nợ tương lai, giảm rủi ro thanh khoản của ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp duy trì hoạt động và thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu Chính phủ trong nước, đảm bảo khả năng huy động vốn cho ngân sách nhà nước tại mọi thời điểm. Gắn kết quản lý ngân quỹ nhà nước và quản lý nợ, trường hợp tình hình thu ngân sách nhà nước đạt tốt, căn cứ vào tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, sử dụng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách trung ương vay để giảm khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ, góp phần giảm chi phí vay nợ cho ngân sách nhà nước.

Theo Bộ Tài chính, căn cứ vào phương án vay trả nợ công 5 năm cập nhật theo kế hoạch tài chính 5 năm của quốc gia, trên cơ sở GDP đánh giá lại, dự kiến chỉ tiêu nợ công năm 2021 là 44,2%, nợ Chính phủ là 40%, nợ được Chính phủ bảo lãnh là 4,1%, nợ chính quyền địa phương là 0,8% đảm bảo nằm trong giới hạn theo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII (nợ công không quá 60%GDP, nợ Chính phủ không quá 50%GDP).