Tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh tài chính, an toàn nợ công
Ngày 13/7, trong Chương trình phiên họp thứ 58 - phiên họp cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã cho ý kiến về dự kiến: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Tại phiên họp, theo báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội, về cơ bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ thống nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm tới.
Cụ thể, tổng thu ngân sách giai đoạn 2021-2025 khoảng 8,3 triệu tỷ đồng, gấp khoảng 1,2 lần giai đoạn 2016-2020, tương ứng với mức tăng của giai đoạn trước. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân khoảng 16%, trong đó từ thuế phí khoảng 13,4%. Tổng chi giai đoạn 2021-2025 là 10,26 triệu tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển 2,87 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28%; chi thường xuyên khoảng 6,4 triệu tỷ đồng, phấn đấu vào khoảng 60%...
Về tỷ lệ bội chi, bình quân là 3,7% GDP, trần nợ công không quá 60%, nợ Chính phủ không quá 50% GDP. Nợ nước ngoài quốc gia khoảng 45%. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách bình quân không quá 25%.
Về kế hoạch đầu tư công trung hạn, dự kiến tổng mức vốn này của giai đoạn 2021-2025 là 2,87 triệu tỷ đồng. Trong đó, dự kiến bố trí 100.000 tỷ đồng để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (50.000 tỷ đồng); Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (30.000 tỷ đồng); Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững (20.000 tỷ đồng).
Đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, Chính phủ dự kiến bố trí khoảng 183,253 nghìn tỷ đồng từ ngân sách trung ương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia. Trong đó, dành 65,795 nghìn tỷ đồng cho 2 dự án chuyển tiếp và khởi công mới 1 dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, gồm: Giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc - Nam tuyến phía Đông giai đoạn 1 và Dự án hồ chứa nước của Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Khoảng 38.000 tỷ đồng để đầu tư các đoạn tuyến thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Số vốn còn lại khoảng 78,79 nghìn tỷ đồng để đầu tư các dự án đường bộ cao tốc khác.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình và đánh giá cao các báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội. Các báo cáo đã bám sát, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bám sát các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV, cũng như Kết luận Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII mới đây và sát với tình hình thực tế.
Góp ý về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2021-2025, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, bên cạnh những tác động khó lường của dịch Covid-19, báo cáo của Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về nội tại nền kinh tế, bởi vấn đề tăng trưởng chưa thực sự bền vững.
“Chúng ta chưa đánh giá hết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân do dịch bệnh kéo dài 18 tháng qua”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh và đề nghị đánh giá sâu hơn về những điểm yếu, ảnh hưởng đến tài chính, quy mô trong thu, chi giai đoạn vừa qua.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị đưa ra kịch bản, phương án tăng trưởng hằng năm để có cơ sở cho cả 5 năm. Trong đó, cần lưu ý, các kế hoạch phải đánh giá được tình hình dịch Covid-19, hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường, mang lại nguồn thu. Từ kinh nghiệm thực tế tại các địa phương cho thấy, cần tiếp tục cơ cấu lại ngân sách, tăng thu, bồi dưỡng nguồn thu...
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Trung ương đã thảo luận và thống nhất các quan điểm, mục tiêu trong 5 năm tới, nhấn mạnh các yếu tố nhanh, bền vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô vẫn là mục tiêu hàng đầu, bảo đảm an ninh tài chính, an toàn nợ công, không để nợ xấu quay trở lại. Đây là thách thức rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 hiện nay.
Cho ý kiến về giải pháp, định hướng thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, còn nhiều thách thức lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Theo đó, trước hết, phải thể chế hóa kịp thời chủ trương, định hướng Nghị quyết Đại hội XIII "nhất là nhiều điểm mới hoặc có điểm trước đây đã có nhưng đến nay đã có tư duy và cách nhìn mới".
Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ băn khoăn về thực hiện Luật Đầu tư công, nhất là công tác chuẩn bị đầu tư khi hàng trăm dự án, trong đó có dự án trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia mà “chưa biết hình dáng”, cần nhìn thẳng vào vấn đề này để triển khai quyết liệt và hiệu quả hơn nữa...