Đảm bảo an toàn thông tin mạng tạo nền tảng chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam
Trong những năm qua, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần đảm bảo quyền lợi cho đối tượng thụ hưởng chính sách BHXH, bảo hiểm y tế. Thời gian tới, ngành BHXH Việt Nam sẽ tập trung bảo đảm an toàn thông tin mạng, tạo nền tảng quan trọng để triển khai các hoạt động chuyển đổi số của Ngành.
Ngày 19/3, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2024.
Kịp thời ngăn chặn nguy cơ tấn công, chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, những năm qua, BHXH Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong công cuộc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển hệ thống.
Nhờ đó, toàn bộ các hệ thống phần mềm quản lý, phần mềm nghiệp vụ và các giao dịch với tổ chức, cá nhân đều được thực hiện trên môi trường mạng.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm từng bước hoàn thiện và được đưa vào khai thác, chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương, cũng như việc triển khai các nhiệm vụ được giao trong Đề án 06 của Chính phủ.
Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn cho toàn bộ hệ thống thông tin của ngành BHXH Việt Nam là một thách thức rất lớn trước những nguy cơ tấn công mạng, với kỹ thuật ngày càng tiên tiến, tinh vi của tội phạm công nghệ cao như hiện nay.
Để ứng phó với những thách thức trên, cũng như nhận thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn thông tin mạng, Người đứng đầu ngành BHXH Việt Nam cho biết, thời gian qua, bên cạnh chỉ đạo nghiên cứu, triển khai các nội dung của Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị; các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an toàn, an ninh mạng, Ban Cán sự đảng BHXH Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 398-NQ/BCSĐ về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng ngành BHXH Việt Nam.
Hiện nay, ngành BHXH Việt Nam đã được đầu tư và trang bị nhiều giải pháp, thiết bị an toàn thông tin nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công, bảo vệ hệ thống, chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực an toàn thông tin, vấn đề rủi ro, tác động đến hệ thống và tài sản thông tin, dữ liệu lại được khai thác từ chính những điểm yếu bên trong hệ thống, đặc biệt lại xuất phát từ chính nhận thức chưa đầy đủ, thiếu kỹ năng về an toàn thông tin của đội ngũ kỹ thuật và người sử dụng hệ thống trong chính các cơ quan, đơn vị.
Nhằm nâng cao năng lực, kiến thức và kỹ năng cho công chức, viên chức và người lao động, BHXH Việt Nam đã phối hợp tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu cho cán bộ chuyên trách an toàn thông tin; tổ chức các hoạt động diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin; bồi dưỡng, tập huấn cho toàn bộ công chức, viên chức và người lao động về đảm bảo an toàn thông tin, nâng cao cảnh giác trước những hành vi lừa đảo, phòng ngừa các nguy cơ tấn công qua mạng.
Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng
Tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh đã quán triệt Nghị quyết số 398-NQ/BCSĐ 15/3/2024 của Ban Cán sự đảng BHXH Việt Nam về tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng ngành BHXH Việt Nam.
Nghị quyết nêu rõ: An toàn thông tin mạng là nhiệm vụ quan trọng và đột phá để tạo lập niềm tin số, xây dựng môi trường mạng trung thực, văn minh, lành mạnh và phòng, chống vi phạm pháp luật trên không gian mạng, bảo vệ sự phát triển của ngành BHXH Việt Nam nhằm thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.
Để phát huy vai trò tích cực, chủ động, tập trung trí tuệ và sức mạnh tổng hợp của toàn ngành BHXH trong đảm bảo an toàn thông tin mạng, Nghị quyết đặt mục tiêu, tiếp tục tổ chức nghiên cứu, quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng; Chú trọng xây dựng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về an ninh mạng.
Bên cạnh mục tiêu trên, Nghị quyết cũng đặt mục tiêu: Rà soát, xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, văn bản quản lý và các quy định về an ninh mạng để triển khai thực hiện thống nhất trong toàn ngành BHXH Việt Nam; Xây dựng ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đề nghị các đơn vị thuộc và trực thuộc tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho Trung tâm công nghệ thông tin, Lãnh đạo BHXH Việt Nam đề nghị, đơn vị này cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 398-NQ/BCSĐ thành kế hoạch chi tiết để tham mưu, đề xuất tổ chức thực hiện.
Đồng thời, kiện toàn, đẩy mạnh hoạt động của Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng của BHXH các tỉnh, thành phố, để đội ngũ cán bộ này làm lực lượng nòng cốt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng tại các đơn vị.
Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp kỹ thuật an toàn thông tin mạng; thường xuyên giám sát và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm chính sách an toàn thông tin mạng; khoanh vùng, cô lập, khống chế các sự cố để giảm thiểu thiệt hại về tài sản thông tin, dữ liệu.
Trung tâm Truyền thông và BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa, vai trò của bảo đảm an toàn thông tin mạng. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố tổ chức học tập, quán triệt triển khai các nội dung Nghị quyết.
“Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành, công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng của ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước tiến vượt bậc, tạo nền tảng quan trọng để triển khai các hoạt động chuyển đổi số”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhận định.