Đảm bảo an toàn vĩ mô trong Basel III và việc áp dụng tại Việt Nam

TS.Nguyễn Đức Trung - Vụ Dự báo, thống kê – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Tại Việt Nam, hiện tượng tăng trưởng tín dụng “nóng”, trong đó có tăng trưởng tín dụng bất động sản đã để lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế trong giai đoạn 2011-2013; đến giai đoạn 2014-2015, kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn thiếu bền vững, dòng chảy tín dụng vào bất động sản tiếp tục gia tăng. Vì vậy, để hạn chế rủi ro việc áp dụng quy định đảm bảo an toàn vĩ mô trong Basel III tại Việt Nam là hết sức quan trọng đối với nền kinh tế và hệ thống ngân hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Khuyến nghị của Ủy ban Basel đối với an toàn vĩ mô

Vào tháng 6/1999, Ủy ban Basel đã ban hành đề xuất khung đo lường mới (Basel II) với 3 trụ cột chính: (1) Yêu cầu vốn tối thiểu trên cơ sở kế thừa Basel I; (2) việc giám sát quá trình đánh giá nội bộ và sự đủ vốn của các ngân hàng; (3) sử dụng hiệu quả việc công bố thông tin nhằm đảm bảo kỷ luật thị trường như là một sự bổ sung cho các nỗ lực giám sát.

Tại thời điểm đi vào thực hiện, Basel II là khung đánh giá rủi ro ngân hàng thương mại (NHTM) khá toàn diện. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 đã cho thấy Basel II bộc lộ khá nhiều nhược điểm. Đặc biệt, Basel II chưa lường hết những rủi ro của các NHTM khi đối mặt với vấn đề chu kỳ của nền kinh tế. Từ những bất cập trên, ngày 12/9/2010, Ủy ban Basel đã công bố Hiệp ước Basel III về các tiêu chuẩn an toàn mới như một phiên bản bổ sung, hoàn thiện và khắc phục những nhược điểm của Basel II. Theo đó, điểm nhấn của Basel III là những quy định liên quan đến phòng ngừa hiệu ứng tác động theo chu kỳ của nền kinh tế cũng như giảm thiểu sự tác động tiêu cực của rủi ro hệ thống đến hoạt động của NHTM.

Trên thực tế, việc tăng trưởng tín dụng quá mức của hệ thống ngân hàng luôn làm trầm trọng hơn giai đoạn suy thoái như những gì toàn thế giới chứng kiến trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007. Do doanh số các khoản vay liên tục gia tăng, nếu bong bóng giá tài sản bị vỡ hoặc nền kinh tế rơi vào suy thoái, chất lượng các khoản cho vay sẽ nhanh chóng sụt giảm. Thiếu hụt dòng tiền từ thu hồi nợ khiến vấn đề trầm trọng hơn, đẩy nền kinh tế thực chìm sâu hơn với sự sụt giảm giá trị tài sản và tỷ lệ nợ xấu gia tăng. Nhằm hạn chế tình trạng tương tự xảy ra trong tương lai cũng như tăng cường khả năng hấp thụ những cú sốc kinh tế của hệ thống NHTM, Ủy ban Basel đã nghiên cứu và đưa ra những quy định về tấm đệm rủi ro cho ảnh hưởng có tính chu kỳ của nền kinh tế.

Theo đó, Ngân hàng Trung ương (NHTW) sẽ theo dõi tốc độ tăng trưởng tín dụng và các chỉ số khác báo hiệu sự hình thành rủi ro của toàn hệ thống. Dựa trên đánh giá này, NHTW xác định yêu cầu tối thiểu về tấm đệm rủi ro và có thể thay đổi tỷ lệ phụ thuộc vào mức độ rủi ro cao hay thấp. Với quy định này, khi tín dụng gia tăng với tốc độ nhanh, “Tấm đệm phòng rủi ro chu kỳ” có thể làm tăng chi phí tín dụng và có tác dụng giống như một “chiếc phanh” đối với các khoản cho vay của ngân hàng. Ngược lại, trong giai đoạn kinh tế suy thoái, các NHTM có thể mở rộng tín dụng đáp ứng các nhu cầu của thị trường. Với những yêu cầu trên, Basel III đề xuất “tấm đệm phòng rủi ro chu kỳ” trong khoảng từ 0-2,5% tùy thuộc vào từng chu kỳ của kinh tế. Yêu cầu này sẽ được tăng lên khi những yếu tố rủi ro hệ thống có xu hướng tăng và ngược lại, giảm bớt khi những yếu tố rủi ro hệ thống có xu hướng giảm.

Rõ ràng, mục đích của “tấm đệm phòng rủi ro chu kỳ” là để duy trì dòng chảy của tín dụng trong nền kinh tế một cách hợp lý và cân đối chu kỳ kinh doanh mà không gây tổn thương cho sự tăng trưởng và đây thực sự là một trong những đột phá quan trọng nhất của Basel III. Tuy nhiên, việc áp dụng Basel III tại nhiều quốc gia, phát kiến trên đã gặp nhiều trở ngại trong thực tế triển khai.

Trong đó, các quốc gia có nền kinh tế dựa vào ngân hàng và thị trường tài chính tương đối kém phát triển sẽ buộc phải lựa chọn giữa an toàn của ngân hàng trong tương lai và suy giảm tăng trưởng trong hiện tại. Theo đó, việc gia tăng yêu cầu với tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu ngay lập tức tác động đến tổng lượng tín dụng cho nền kinh tế và tiếp đến sẽ ảnh hưởng trực tiếp theo hướng tiêu cực với tăng trưởng kinh tế (Slovik, P. & Cournède, P., 2011).

Áp dụng đảm bảo an toàn vĩ mô tại Việt Nam

Tại Việt Nam, hiện tượng tăng trưởng tín dụng “nóng” trong đó tăng trưởng tín dụng bất động sản (BĐS) đột biến đã từng xuất hiện và để lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế trong giai đoạn 2011-2013. Tuy nhiên, giai đoạn 2014-2015, kinh tế Việt Nam đã bước đầu phục hồi nhưng cũng đồng thời đi kèm với nhiều dấu hiệu không bền vững. Hơn thế, cùng với đà phục hồi của nền kinh tế, dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực BĐS cũng cho thấy sự gia tăng nhanh chóng.

Hình 2 cho thấy, khoảng cách giữa tốc độ tăng trưởng của tổng tín dụng và tín dụng BĐS đang ngày càng lớn trong giai đoạn 2014-2015 và cùng chiều với sự phục hồi của nền kinh tế. Như vậy, tại Việt Nam, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng bên cạnh việc góp phần chính yếu cho tăng trưởng kinh tế thực nhưng đồng thời cũng cho thấy sự nhạy cảm của tín dụng BĐS với chu kỳ kinh tế. Do đó, việc áp dụng các khuyến nghị của Basel III về đảm bảo an toàn vĩ mô là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc áp dụng cần cân nhắc đến nhược điểm của quy định “tấm đệm phòng rủi ro chu kỳ” trên cũng như lộ trình, phương thức và liều lượng thực hiện.

Theo Woolner (2014), để tránh những tác động tiêu cực trực tiếp đến khu vực kinh tế thực, khi áp dụng “tấm đệm rủi ro chu kỳ” thông qua việc yêu cầu tăng hệ số CAR (tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu), có thể triển khai giám sát chỉ tiêu tín dụng trên GDP đồng bộ với các chỉ tiêu đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

Căn cứ thực tế Việt Nam, tác giả khuyến nghị sử dụng tỷ lệ tín dụng trên GDP đi kèm với hai chỉ tiêu (1) Hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS; (2) Tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Theo đó, tỷ lệ tín dụng trên GDP được sử dụng như chỉ tiêu cảnh báo vấn đề tăng trưởng tín dụng nóng, trong khi hai chỉ tiêu còn lại có tác dụng tương tự “chiếc phanh” mỗi khi xuất hiện hiện tượng tăng trưởng nóng.

Luận cứ khoa học của việc áp dụng nhóm chỉ tiêu tại Việt Nam

Thứ nhất, sử dụng tỷ lệ tín dụng/GDP được sử dụng như chỉ tiêu cảnh báo vấn đề tăng trưởng tín dụng ”nóng”.

Về lý thuyết, tín dụng được coi là tăng trưởng “nóng” khi tỷ lệ tín dụng trên GDP lớn hơn 100%. Tình trạng này là kết quả của quá trình tăng trưởng tín dụng quá mức ở một số ngành nghề có tính đầu cơ cao như BĐS, chứng khoán… và đem đến sự bất ổn cho toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, khi kinh tế tăng trưởng nhanh, tỷ lệ tín dụng trên GDP ở mức cao hơn 100% là điều chấp nhận được. Vấn đề là mức tăng trưởng tín dụng phải phù hợp với các cân đối vĩ mô trong nền kinh tế như tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ lạm phát, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) cũng như thâm hụt (hoặc thặng dư) cán cân thanh toán quốc tế. Theo đó, cơ sở của việc xác định tăng trưởng tín dụng phù hợp với các biến số kinh tế vĩ mô bắt nguồn từ 4 cân đối vĩ mô lớn của nền kinh tế cụ thể như sau:

Một là, mối quan hệ giữa GDP và M2 qua phương trình GDP = M2 x V (1). Trong đó: GDP là tổng sản phẩm quốc nội theo giá hiện hành (GDP danh nghĩa); M2 là tổng phương tiện thanh toán; V là vòng quay tiền tệ.

Hai là, mối quan hệ giữa tăng trưởng M2 và tăng trưởng tín dụng trong nước qua phương trình: M2 = NFA + DC + OINm (2). Trong đó, NFA là tài sản nước ngoài ròng; DC là tín dụng trong nước; OINm là các tài sản ròng khác.

Ba là, mối quan hệ giữa khu vực tiền tệ với khu vực đối ngoại (NFA) và khu vực kinh tế thực (GDP). Theo đó, từ phương trình (1) và phương trình (2) ta có GDP = (NFA + DC + OINm) x V hay DC = - NFA - OINm (3).

Bốn là, mối quan hệ giữa tín dụng trong nước với khu vực NSNN. Cụ thể ta có phương trình DC = NDCg + DCp (4). Trong đó: NDCg là cho vay Chính phủ ròng; DCp là tín dụng cho vay nền kinh tế.

Như vậy, với hệ 4 phương trình trên (được gọi tổng quát là phương pháp lập trình tài chính), hoàn toàn xác định được mức tăng trưởng tín dụng trong nước phù hợp để kết hợp với nguồn vốn từ khu vực ngân sách, khu vực tư nhân và khu vực đối ngoại để phục vụ mức tăng trưởng kinh tế hợp lý trên nền tảng lạm phát mục tiêu. Từ đó, NHTW sẽ tính toán được chỉ tiêu tín dụng trên GDP chuẩn cho từng thời kỳ để làm căn cứ giám sát. Ví dụ, căn cứ vào các phương trình trên, theo kịch bản kinh tế tăng trưởng GDP đạt 6,4%, lạm phát 2,5%, bội chi ngân sách 5% GDP, tăng trưởng tín dụng trong khoảng 17-18% là đảm bảo lượng vốn cần thiết cho nền kinh tế. Khi đó, tỷ lệ tín dụng trên GDP mục tiêu là 110,87% sẽ đảm bảo cân đối vĩ mô. Nếu tỷ lệ tín dụng/GDP vượt quá mức 110,87% thì NHTW cần thực hiện các điều chỉnh kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn vĩ mô.

Thứ hai, sử dụng “hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS”.

Quy định về “hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS” chỉ áp dụng đối với khoản cho vay kinh doanh BĐS nhằm mục đích sinh lợi, không áp dụng đối với các khoản cho vay cá nhân mua nhà trả góp nhằm sở hữu nhà ở, sửa nhà dưới hình thức cho vay tiêu dùng. Theo đó, quy định này nhằm mục đích yêu cầu các NHTM tính toán nhu cầu vốn tự có để bảo đảm an toàn trong hoạt động. Theo đó, về lý thuyết, việc tăng “Hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS” đồng nghĩa với việc NHTW phát đi tín hiệu với thị trường về việc tăng cường kiểm soát rủi ro cho vay đối với lĩnh vực này.

Thứ ba, sử dụng “tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn”.

Quy định về “tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn” nhằm mục đích hạn chế rủi ro thanh khoản cho các NHTM do chênh lệch kỳ hạn, đồng thời cũng được sử dụng như “chiếc phanh” đối với việc đầu tư cho các dự án trung dài hạn mà chưa tính đầy đủ đến khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Đây là quy định rất quan trọng để bảo đảm hệ thống NHTM an toàn trước những thay đổi tiêu cực bất ngờ của các yếu tố kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước. Việc nới lỏng quy định này chỉ nên thực hiện trong thời gian ngắn với những điều kiện nhất định.

Khuyến nghị về chính sách

Xem xét trên bốn cân đối vĩ mô lớn, kinh tế Việt Nam trong năm 2016 đối mặt với một số rằng buộc cho tăng trưởng bền vững. Theo đó, triển vọng không tích cực của kinh tế thế giới, giá hàng hóa cơ bản và giá dầu tiếp tục ở mức thấp sẽ tác động mạnh tới hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Hệ quả là nguồn thu NSNN chịu áp lực không chỉ từ sự sụt giảm từ thu xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô mà cả từ nguồn thu nội địa khi hoạt động sản xuất chững lại do cầu thế giới suy yếu tác động tới thu nội địa.

Sử dụng mô hình mô hình hiệu chỉnh sai số véc tơ (VECM) với các biến và chuỗi số liệu như mô tả tại Bảng 1 đồng thời dựa trên các giả định về kinh tế vĩ mô tiêu cực như trên, GDP Việt Nam 2016 được dự báo ở mức 6,2% đến 6,4% (thấp hơn mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Quốc hội đề ra cho 2016). Do đó, tăng trưởng tín dụng năm 2016 cũng cần có những cân nhắc đảm bảo phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, nếu thực hiện những quy định trực tiếp liên quan đến điều chỉnh tăng trưởng tín dụng hoặc gia tăng yêu cầu về vốn tự có như khuyến nghị của Basel III về “tấm đệm phòng rủi ro chu kỳ” thì có thể gây tác động tiêu cực đến tăng trưởng GDP khi mà kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi. Để tránh những ảnh hưởng cho nền kinh tế, cơ quan quản lý Nhà nước nên thực hiện điều chỉnh 2 chỉ tiêu còn lại của bộ chỉ tiêu trên.

Thứ nhất, tăng “hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS”. Việc tăng “hệ số rủi ro liên quan đến kinh doanh BĐS” giúp điều chỉnh hành vi cho vay của các NHTM đối với lĩnh vực BĐS, lĩnh vực dễ gây nên hiện tượng “bong bóng” tài sản. Đồng thời, điều này giúp điều chỉnh dòng chảy tín dụng đến khu vực sản xuất thực, từ đó tín dụng ngân hàng sẽ hỗ trợ hiệu quả hơn cho tăng trưởng GDP bền vững. Hơn thế, việc gia tăng hệ số trên sẽ chỉ ảnh hưởng đến NHTM có vốn tự có nhỏ hoặc không có khả năng tăng vốn tự có mà không ảnh hưởng đến các NHTM có vốn tự có lớn hoặc có khả năng tăng vốn tự có (theo thống kê của NHNN Việt Nam thì đến cuối năm 2015 có 103/118 tổ chức tín dụng (TCTD) có tỷ lệ an toàn vốn trên 10% so với quy định hiện nay là 9% tại Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 (Thông tư 36)).

Bên cạnh đó, kinh doanh BĐS là việc bỏ vốn đầu tư tạo lập, mua, nhận chuyển nhượng, thuê, thuê mua BĐS để bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua nhằm mục đích sinh lợi. Do đó, việc thay đổi hệ số rủi ro trên không ảnh hưởng đến các chương trình, chính sách cho vay mua nhà ở mà Chính phủ đang triển khai qua hệ thống ngân hàng cũng như các khoản cho vay cá nhân mua nhà trả góp, sửa nhà… của các ngân hàng, và không ảnh hưởng đến mục tiêu an sinh – xã hội.

Thứ hai, giảm “tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn” với lộ trình phù hợp. Trong giai đoạn 2014-2015, tín dụng trung dài hạn của hệ thống NHTM đã tăng mạnh (sau khi điều chỉnh tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn tăng từ 30% lên 60% tại Thông tư số 36/2014/TT-NHNN). Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế vĩ mô Việt Nam phải đối mặt với những bất ổn từ bên ngoài như đã nêu, việc giảm cho vay trung dài hạn sẽ giúp các NHTM hạn chế rủi ro thanh khoản và hấp thụ tốt hơn các cú sốc từ bên ngoài. Bên cạnh đó, quy định giảm tỷ lệ trên cần có lộ trình thực hiện phù hợp để tránh những khó khăn trong việc thi hành của các NHTM.

Tóm lại, thay vì áp dụng các quy định mang tính ảnh hưởng trực tiếp như “tấm đệm phòng rủi ro chu kỳ” của Basel III, nền kinh tế Việt Nam hiện nay sẽ thích nghi tốt hơn khi triển khai đồng bộ nhóm 3 chỉ tiêu tỷ lệ tín dụng trên GDP, Hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS và tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Điều này cũng phù hợp với khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về việc phối hợp hiệu quả chính sách tiền tệ (trong đó có vấn đề giới hạn tăng trưởng tín dụng) và các chính sách an toàn tài chính vĩ mô đối với các nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi (Dell’ Arriccia, G. & các cộng sự, 2012).

Tài liệu tham khảo:

1. Basel Committee on Banking Supervision (2010), Countercyclical capital buffer proposal, Bank for International Settlements;

2. Dell’ Arriccia, G. & các cộng sự (2012), Policies for Macro financial stability: How to deal with credit booms, IMF staff discussion Note 12/06;

3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2014): Thông tư số 36/2014/TT-NHNN, ngày 20/11/2014 quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NHNH;

4. Slovik, P. & Cournède, B. (2011): Macroeconomic Impact of Basel III, OECD Economics Department Working Papers.