Đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu
(Tài chính) Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Nghị định được ban hành được giới chuyên môn đánh giá là sự hoàn thiện cơ chế, góp phần tạo cơ chế cạnh tranh hiệu quả tối ưu của các dự án và tạo lập môi trường đầu tư PPP tại Việt Nam.
Theo đó, Nghị định 30/2015/NĐ-CP của Chính phủ sẽ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của Luật Đấu thầu, bao gồm: Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) theo quy định của Chính phủ về đầu tư PPP; dự án đầu tư sử dụng các khu đất, quỹ đất có giá trị thương mại cao, cần lựa chọn nhà đầu tư thuộc danh mục dự án được phê duyệt theo quy định tại Nghị định này để xây dựng công trình thuộc đô thị, khu đô thị mới; nhà ở thương mại; công trình thương mại và dịch vụ; tổ hợp đa năng mà không thuộc các dự án PPP.
Nghị định này đã xây dựng những yếu tố đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu. Theo đó, tại Điều 2 đã quy định: Nhà đầu tư tham dự thầu được đánh giá là độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với nhà thầu tư vấn lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi (riêng đối với dự án PPP nhóm C độc lập với nhà thầu tư vấn lập, thẩm định đề xuất dự án); nhà thầu tư vấn lập, thẩm định hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, thẩm định kết quả sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà đầu tư; cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên mời thầu quy định tại khoản 4 Điều 6 của Luật Đấu thầu khi đáp ứng các điều kiện sau đây: Không cùng thuộc một cơ quan hoặc tổ chức trực tiếp quản lý đối với đơn vị sự nghiệp; nhà đầu tư tham dự thầu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên mời thầu không có cổ phần hoặc vốn góp trên 30% của nhau...
Nhà đầu tư được phép tham dự thầu đối với dự án do mình lập báo cáo nghiên cứu khả thi (đối với dự án PPP nhóm C do mình lập đề xuất dự án) và phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ đối với nhà thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi (lập đề xuất dự án đối với dự án PPP nhóm C).
Về những ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP, được thực hiện với những trường hợp nhà đầu tư có báo cáo nghiên cứu khả thi, đề xuất dự án (đối với dự án nhóm C) được phê duyệt, nhà đầu tư đó được hưởng ưu đãi trong quá trình đánh giá về tài chính thương mại. Cụ thể, đối với những trường hợp áp dụng phương pháp giá dịch vụ, nhà đầu tư không thuộc đối tượng ưu đãi phải cộng thêm một khoản tiền bằng 5% giá dịch vụ vào giá dịch vụ của nhà đầu tư đó để so sánh, xếp hạng.
Trường hợp áp dụng phương pháp góp vốn của Nhà nước, nhà đầu tư không thuộc đối tượng ưu đãi phải cộng thêm một khoản tiền bằng 5% phần đề xuất vốn góp của Nhà nước vào phần vốn góp của Nhà nước mà nhà đầu tư đó đề xuất để so sánh, xếp hạng. Trong trường hợp áp dụng phương pháp lợi ích xã hội, lợi ích Nhà nước thì nhà đầu tư thuộc đối tượng ưu đãi được cộng thêm một khoản tiền bằng 5% phần nộp ngân sách nhà nước vào phần nộp ngân sách nhà nước mà nhà đầu tư đó đề xuất đề so sánh, xếp hạng.
Quy định lưu trữ thông tin trong đấu thầu được áp dụng với toàn bộ hồ sơ liên quan đến quá trình lựa chọn nhà đầu tư được lưu giữ tổi thiếu 03 năm sau khi kết thúc hợp đồng dự án. Trừ hồ sơ quy định tại các trường hợp sau: Hồ sơ đề xuất về tài chính, thương mại của các nhà đầu tư không vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật được trả lại nguyên trạng cho nhà đâu tư cùng thời gian với việc hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu của nhà đầu tư không được lựa chọn...
Đối với việc hủy thầu, hồ sơ liên quan được lưu giữ trong khoảng thời gian 12 tháng, kể từ khi ban hành quyết định hủy thầu. Hồ sơ quyết toán hợp động dự án và các tài liệu liên quan đến nhà đầu tư trúng thầu được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Tại Hội thảo giới thiệu 2 Nghị định mới về PPP được tổ chức vào ngày 25/3, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho rằng: Sau nhiều năm triển khai, nhưng đến nay hình thức PPP ở nước ta vẫn chưa hình thành được một khung chính sách hoàn chỉnh, do vậy đã gây ảnh hưởng đến việc thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. Nếu như việc ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư đã đánh dấu một bước đổi mới về thể chế trong hoạt động thu hút đầu tư tư nhân vào kết cấu hạ tầng và dịch vụ công, thì Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư là sự hoàn thiện cơ chế. Theo đó, Nghị định 30/2015/NĐ-CP ra đời sẽ bổ sung cơ chế cạnh tranh hướng tới hiệu quả tối ưu của các dự án trong lĩnh vực và tạo lập môi trường đầu tư PPP tại Việt Nam.
Ngoài ra, Nghị định số 30/2015/NĐ-CP đã quy định việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và các yêu cầu khác trong hồ sơ mời thầu, căn cứ vào hồ sơ dự thầu đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư để bảo đảm lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực và kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính – thương mại để thực hiện dự án.
Việc đánh giá được thực hiện trên bản chụp, nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm về tính thống nhất giữa bản gốc và bản chụp. Trường hợp có sự sai khác giữa bản gốc và bản chụp nhưng không làm thay đổi thứ tự xếp hạng nhà đầu tư thì căn cứ vào bản gốc để đánh giá. Trường hợp có sự sai khác giữa bản gốc và bản chụp dẫn đến kết quả đánh giá trên bản gốc khác kết quả đánh giá trên bản chụp, làm thay đổi thứ tự xếp hạng nhà đầu tư thì hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư đó bị loại.
Đối với nguyên tắc xét duyệt trúng thầu đối với đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP, thì nhà đầu tư được đề nghị lựa chọn khi đáp ứng đủ các điều kiện như: có hồ sơ dự thầu hợp lệ; đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm; đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật; có giá dịch vụ thấp nhất, không vượt mức giá dịch vụ xác định tại báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, phù hợp với quy định của pháp luật về giá, phí và lệ phí đối với phương pháp giá dịch vụ.