Đảm bảo hài hòa quan hệ lợi ích trong phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam
Phát triển năng lượng tái tạo là động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững đất nước. Trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo có sự tham gia của nhiều chủ thể với các lợi ích khác nhau. Do đó, việc đảm bảo hài hòa quan hệ lợi ích giữa các chủ thể này có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển năng lượng tái tạo. Ở Việt Nam hiện nay, vấn đề đảm bảo hài hòa các quan hệ lợi ích trong phát triển năng lượng tái tạo vẫn còn tồn tại những thách thức, bất hợp lí. Trong phạm vi bài viết, tác giả làm rõ sự cần thiết của việc đảm bảo hài hòa các quan hệ lợi ích trong phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, những vấn đề đặt ra và đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển năng lượng tái tạo nói riêng và phát triển bền vững đất nước nói chung.
Vai trò của đảm bảo hài hòa quan hệ lợi ích trong phát triển năng lượng tái tạo
Lợi ích kinh tế là động lực cơ bản thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia, bởi lẽ lợi ích kinh tế là cơ sở thúc đẩy sự phát triển các lợi ích khác và quan hệ lợi ích giữa các chủ thể được biểu hiện thông qua lợi ích kinh tế giữa các chủ thể đó. Quan hệ lợi ích là sự thiết lập những tương tác lợi ích của các chủ thể kinh tế với nhau nhằm mục tiêu thu được các lợi ích kinh tế.
Có thể hiểu, quan hệ lợi ích trong phát triển năng lượng tái tạo là sự thiết lập những tương tác giữa các chủ thể kinh tế trong toàn bộ các khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh năng lượng tái tạo nhằm tối ưu hóa lợi ích và đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế giữa các chủ thể. Quan hệ lợi ích trong phát triển năng lượng tái tạo có sự tham gia của nhiều chủ thể với những lợi ích nhất định trong mối quan hệ vừa gắn kết, thống nhất song cũng phát sinh nhiều mâu thuẫn giữa các chủ thể.
Hài hòa các quan hệ lợi ích trong phát triển năng lượng tái tạo là sự thống nhất biện chứng giữa lợi ích kinh tế của các chủ thể, trong đó mặt mâu thuẫn, xung đột lợi ích kinh tế được hạn chế; mặt thống nhất được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, góp phần thực hiện tốt hơn các lợi ích kinh tế, đặc biệt là lợi ích xã hội. Có thể khái quát vai trò cũng như sự cần thiết của việc đảm bảo hài hòa các quan hệ lợi ích trong phát triển năng lượng tái tạo trên các khía cạnh sau:
Một là, giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển năng lượng tạo và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các chủ thể đóng vai trò quan trọng bởi lẽ, khi lợi ích của các chủ thể này được đảm bảo sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng của nền kinh tế, đa dạng hóa và ổn định nguồn cung năng lượng; làm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và năng lượng nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế trong phát triển năng lượng tái tạo còn tạo thêm cơ hội đầu tư, tạo việc làm mới cho lực lượng lao động xã hội trong chuỗi công nghệ: sản xuất thiết bị, phát triển dự án, xây dựng, lắp đặt, vận hành, bảo trì, vận tải, hậu cần, tài chính, pháp lí và dịch vụ tư vấn… Giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế giữa các chủ thể còn giúp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, giúp tận dụng được nguồn đất hoang hóa không thể canh tác nông nghiệp đối với dự án nối lưới; tận dụng được hàng chục triệu mái nhà của hộ dân, cơ quan, công sở, khu – cụm công nghiệp để lắp đặt điện áp mái; gia tăng lợi ích kinh tế cho hộ gia đình, địa phương, doanh nghiệp; giúp hình thành ngành công nghiệp năng lượng tái tạo của đất nước.
Hai là, góp phần nâng cao lợi ích kinh tế cho mỗi chủ thể trong phát triển năng lượng tái tạo. Quan hệ lợi ích trong phát triển năng lượng tái tạo có sự tham gia của nhiều chủ thể với những vai trò khác nhau nhưng mục đích cuối cùng của các chủ thể đó là lợi ích kinh tế. Sự phân chia lợi ích công bằng, hài hòa sẽ là cơ sở thúc đẩy sự phát triển năng lượng tái tạo và nâng cao lợi ích cho mỗi chủ thể. Ngược lại, sự phân chia lợi ích tồn tại mâu thuẫn sẽ phá vỡ mối quan hệ lợi ích giữa các chủ thể, từ đó kìm hãm sự phát triển năng lượng tái tạo.
Ba là, thúc đẩy ngành công nghiệp năng lượng tái tạo gia tăng lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển năng lượng tái tạo là một xu thế tất yếu, là giải pháp không chỉ góp phần quan trọng trong ứng phó ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu mà còn mang lại các lợi ích cho các bên liên quan. Giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế trong phát triển năng lượng tái tạo góp phần thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo thay thế kịp thời cho các nguồn tài nguyên truyền thống, giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và nhu cầu năng lượng. Đồng thời, giải quyết hài hòa lợi ích còn giúp giảm chi ngân sách cho việc khắc phục thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây nên. Xét trên phương diện này, rõ ràng giải quyết hài hòa lợi ích trong phát triển năng lượng tái tạo đảm bảo thực hiện được cả mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường thông qua việc giảm thiểu tác động đến môi trường. Đồng thời, số ngân sách dư ra cho việc khắc phục hậu quả môi trường sẽ được đầu tư sang các lĩnh vực khác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước…
Đặc điểm và thực trạng quan hệ lợi ích trong phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam
Có thể khái quát đặc điểm và thực trạng của các quan hệ lợi ích trong phát triển năng lượng tái tạo ở nước ta trên các khía cạnh sau:
Thứ nhất, quan hệ lợi ích trong phát triển năng lượng tái tạo ở nước ta có sự tham gia của nhiều chủ thể với những đặc điểm và vai trò khác nhau. Trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo với sự tham gia của nhiều chủ thể với nhiều mối quan hệ lợi ích nhưng nổi bật là ba mối quan hệ chính: Quan hệ lợi ích giữa chủ thể Nhà nước và chủ thể trực tiếp sản xuất kinh doanh năng lượng tái tạo; quan hệ lợi ích giữa chủ thể trực tiếp sản xuất kinh doanh năng lượng tái tạo với chủ thể cung ứng yếu tố đầu vào; quan hệ lợi ích giữa chủ thể trực tiếp sản xuất kinh doanh năng lượng tái tạo và chủ thể truyền tải, phân phối năng lượng tái tạo. Mỗi chủ thể tham gia vào phát triển năng lượng tái tạo đều có vai trò gắn với những lợi ích khác nhau, trong đó:
(i) Nhà nước: Là chủ thể có vai trò quan trọng đối với việc thực hiện quan hệ lợi ích trong phát triển năng lượng tái tạo trên các phương diện: Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đủ năng lượng chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng và tổ chức thực hiện Nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển năng lượng tái tạo; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện văn bản pháp quy về năng lượng tái tạo; khai thác và quản lí hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về năng lượng tái tạo; quy định tổ chức bộ máy quản lí Nhà nước, phối hợp các cơ quan quản lí Nhà nước về phát triển năng lượng tái tạo... Về mặt cơ chế, hiện nay Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng tái tạo như cơ chế đầu tư, cơ chế về tài chính, huy động vốn, cơ chế đảm bảo vận hành hệ thống điện và thị trường điện.
Lợi ích Nhà nước thu về được thể hiện thông qua đóng góp của ngành năng lượng tái tạo vào ngân sách và tăng trưởng của nền kinh tế, sự phát triển bền vững đất nước. Cụ thể: việc phát triển năng lượng tái tạo góp phần tạo thêm giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam. Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng gấp 2,4 lần, từ 116 tỷ USD năm 2010 lên 268,4 tỷ USD vào năm 2020. Năm 2022, GDP ước tính tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011–2022 do nền kinh tế đã khôi phục trở lại. Đầu tư vào năng lượng tái tạo cũng hứa hẹn tạo ra hơn 465.000 việc làm mới trong tương lai. Điều này cũng tạo cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp địa phương và người dân trong cả nước. Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á về phát triển năng lượng tái tạo, là một trong năm quốc gia có số việc làm lớn nhất trong lĩnh vực quang điện mặt trời với tổng sổ khoảng 126.300 việc làm vào năm 2020; trong đó, 99.700 việc làm trong lĩnh vực năng lượng mặt trời trên mái nhà; tập trung ở các hợp phần sản xuất, lắp đặt trong chuỗi giá trị với khoảng 25.000 việc làm, còn lại làm việc trong hợp phần vận hành và bảo trì.
(ii) Chủ thể cung ứng các yếu tố đầu vào cho phát triển năng lượng tái tạo: Bao gồm các doanh nghiệp cung ứng máy móc, thiết bị cho các dự án năng lượng tái tạo; ngân hàng, tổ chức tài chính; chuyên gia, nhà tư vấn; người dân ở vùng bị thu hồi đất cho các dự án năng lượng tái tạo…Các chủ thể này có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả phát triển năng lượng tái tạo thông qua việc cung cấp đầy đủ các yếu tố đầu vào, góp phần mang lại lợi ích cho các chủ thể sản xuất kinh doanh năng lượng tái tạo. Đồng thời, khi thực hiện vai trò của mình, các chủ thể cung ứng yếu tố đầu vào cũng thu được lợi ích chính là sự chênh lệch giữa giá bán các sản phẩm (máy móc, thiết bị, vốn vay…) cho các dự án năng lượng tái tạo và chi phí. Ở nước ta hiện nay, hầu hết các nhà cung ứng các yếu tố đầu vào, đặc biệt là máy móc, thiết bị, vốn đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo đều đến từ nước ngoài. Niềm tin và cách thức phối hợp thực hiện dự án giữa nhà đầu tư, bên cho vay nước ngoài và các chủ đầu tư và các cơ quan liên quan tại Việt Nam vẫn còn khoảng cách, chưa bền vững.
(iii) Chủ thể trực tiếp sản xuất kinh doanh năng lượng tái tạo: Bao gồm doanh nghiệp, hộ gia đình, các nhà đầu tư vào các dự án năng lượng điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối… Đây là chủ thể quan trọng nhất đối với việc phát triển năng lượng tái tạo vì họ trực tiếp tham gia sản xuất để tạo ra các sản phẩm năng lượng tái tạo cung ứng cho thị trường năng lượng. Lợi ích các chủ thể này thu được chính là lợi nhuận sau khi trừ đi chi phí đầu tư. Tuy nhiên, đây lại là chủ thể có vị thế rủi ro nhất trong số các chủ thể tham gia phát triển năng lượng tái tạo, họ vấp phải rất nhiều rào cản từ các bên liên quan. Vì vậy, đảm bảo lợi ích kinh tế cho chủ thể sản xuất kinh doanh năng lượng tái tạo có ý nghĩa quan trọng quyết định tới sự phát triển ổn định, bền vững của lĩnh vực này. Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của các nhà đầu tư năng lượng mặt trời, năng lượng gió đã dẫn tới những khó khăn nhất định trong vận hành hệ thống điện, gây thiệt hại lợi ích cho các bên.
(iv) Chủ thể truyền tải và phân phối năng lượng tái tạo: Đây là khâu có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, trong đó chủ thể truyền tải, phân phối sản phẩm năng lượng tái tạo nói chung và sản phẩm điện nói riêng chủ yếu là Tập đoàn Điện lực (thông qua việc hòa lưới các dự án năng lượng tái tạo vào lưới điện quốc gia và cung cấp điện đến người tiêu dùng (hộ gia đình, các doanh nghiệp mua điện trực tiếp từ các công ty tư nhân sản xuất năng lượng tái tạo). Việc liên kết chặt chẽ giữa chủ thể sản xuất kinh doanh và chủ thể truyền tải, phân phối sẽ đảm bảo cho chủ thể truyền tải, phân phối thực hiện việc phân phối điện đến người tiêu dùng và đảm bảo lợi ích của mình là lợi nhuận. Còn đối với người tiêu dùng sản phẩm năng lượng tái tạo là doanh nghiệp, lợi ích mà các doanh nghiệp này thu được chính là hiệu quả về mặt chi phí trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, đồng thời giúp các doanh nghiệp này nâng cao vị thể, đáp ứng các cam kết bền vững toàn cầu về sử dụng năng lượng sạch.
Thứ hai, quan hệ lợi ích trong phát triển năng lượng tái tạo ở nước ta vừa thống nhất vừa chứa đựng mâu thuẫn, tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới những xung đột về lợi ích kinh tế giữa các chủ thể liên quan. Sự thống nhất về quan hệ lợi ích thể hiện ở việc mỗi chủ thể là một bộ phận cấu thành, góp phần thúc đẩy sự phát triển năng lượng tái tạo. Khi lợi ích của chủ thể này được thực hiện thì lợi ích của chủ thể khác cũng trực tiếp hoặc gián tiếp được thực hiện. Chẳng hạn, chủ thể hoạt động sản xuất kinh doanh năng lượng tái tạo càng có hiệu quả, lợi ích của doanh nghiệp càng được đảm bảo thì lợi ích của xã hội, của chủ thể cung ứng yếu tố đầu vào và của người tiêu dùng cũng được thực hiện. Đồng thời, người lao động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng đảm bảo được việc làm, thu nhập ổn định và được nâng cao… Chủ thể sản xuất kinh doanh năng lượng tái tạo càng thu được nhiều lợi nhuận hợp pháp thì nền kinh tế, đất nước càng phát triển.
Giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế trong phát triển năng lượng tái tạo góp phần thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo thay thế kịp thời cho các nguồn tài nguyên truyền thống, giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và nhu cầu năng lượng. Đồng thời, giải quyết hài hòa lợi ích còn giúp giảm chi ngân sách cho việc khắc phục thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây nên. Xét trên phương diện này, rõ ràng giải quyết hài hòa lợi ích trong phát triển năng lượng tái tạo đảm bảo thực hiện được cả mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường thông qua việc giảm thiểu tác động đến môi trường.
Bên cạnh sự thống nhất về lợi ích, quan hệ lợi ích giữa các chủ thể trong phát triển năng lượng tái tạo ở nước ta cũng chứa đựng nhiều mâu thuẫn và nguy cơ xung đột lợi ích trong quá trình phát triển. Chẳng hạn, các dự án đầu tư năng lượng tái tạo có thể vấp phải sự phản đối của người dân ở những vùng bị thu hồi đất. Việc thu hồi đất để thực hiện các dự án năng lượng tái tạo có thể gặp phải khó khăn khi thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, khi các dự án năng lượng tái tạo triển khai trên mặt đất sẽ làm cho diện tích đất đai cho các hoạt động kinh tế khác giảm đi, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân vùng bị thu hồi đất. Ngoài ra, còn có những mâu thuẫn diễn ra giữa các chủ thể sản xuất kinh doanh năng lượng tái tạo với nhau hay mâu thuẫn với lĩnh vực năng lượng truyền thống. Điều này gây ảnh hưởng đến việc thực hiện lợi ích xã hội. Mâu thuẫn về lợi ích kinh tế trở thành rào cản cản trở hiệu quả của việc đầu tư vào dự án năng lượng tái tạo.
Thứ ba, quan hệ lợi ích giữa các chủ thể trong phát triển năng lượng tái tạo với mức độ liên kết và hợp tác còn chưa thực sự hài hòa, bền vững. Điều này thể hiện ở việc liên kết giữa các chủ thể ở từng mắt xích còn thiếu và yếu, đồng thời sự hợp tác để gắn kết với nhau trong chuỗi giá trị còn lỏng lẻo và mang tính tự phát trong liên kết dẫn đến quá trình sản xuất và tiêu dùng thiếu ổn định và chậm phát triển.
Mặt khác, sự liên kết và hợp tác kém hiệu quả trong hợp tác còn xuất phát từ chỗ mỗi chủ thể chỉ chạy theo lợi ích của mình mà không quan tâm đến lợi ích của cả hệ thống trong chuỗi giá trị từ đó xuất hiện tình trạng chỉ liên kết khi cảm thấy cần thiết, không có tính ổn định trong liên kết làm cho các chủ thể bị động trong liên kết. Việc liên kết để đảm bảo các yếu tố đầu vào cho quá trình sản xuất kinh doanh năng lượng tái tạo cũng như trong tiêu thụ đầu ra các sản phẩm năng lượng tái tạo giữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng còn thiếu bền vững. Sự thiếu bền vững trong quan hệ lợi ích dẫn đến việc lợi ích giữa các bên không hài hòa hay mặc dù có sự gia tăng quy mô phát triển năng lượng tái tạo nhưng chưa hình thành chuỗi giá trị và lợi ích thu được chưa tương xứng với tiềm năng.
Thứ tư, quan hệ lợi ích giữa các chủ thể trong phát triển năng lượng tái tạo gắn với những thách thức và rào cản lớn. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, quan hệ lợi ích giữa các chủ thể trong phát triển năng lượng tái tạo còn gặp phải những thách thức lớn như: (1) cơ chế mua bán điện vẫn độc quyền, mức giá mua điện có thời hạn dẫn đến chủ thể sản xuất kinh doanh năng lượng tái tạo gặp khó khăn trong việc tính toán hiệu quả, lợi nhuận đầu tư khi lập dự án; (2) sự thiếu hụt các chủ thể cung ứng đầu vào, khó khăn trong tiếp cận vốn vay trong khi các chủ thể sản xuất kinh doanh năng lượng tái tạo cần vốn đầu tư lớn; (3) thách thức về sự quản lí của Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (thiếu một cơ quan đầu mối tập trung với chức năng điều hành đủ mạnh để phát triển năng lượng tái tạo); (4) thách thức về quy trình đấu nối, hạ tầng lưới điện không theo kịp sự phát triển của ác dự án điện gió, điện mặt trời dẫn đến không giải tỏa hết công suất ở một số thời điểm nhất định, ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư và gây lãng phí nguồn điện, gây ra tổn thất lợi ích cho xã hội; (5) thách thức về sự thiếu hụt đội ngũ chuyên gia, cơ sở nghiên cứu, phát triển công nghệ năng lượng tái tạo dẫn đến khó khăn trong việc đầu tư. Do thiếu các yếu tố đầu vào này dẫn đến chi phí sản xuất tăng đáng kể vì phải nhập khẩu từ các nước khác. Do đó chi phí sản xuất tăng lên, ảnh hưởng đến giá bán đầu ra và lợi nhuận của nhà đầu tư…
Giải pháp đảm bảo hài hòa quan hệ lợi íchtrong phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam
Bảng 1: Một số cơ chế khuyến khích phát triển điện tái tạo hiện hành |
|||
Năng lượng tái tạo |
Loại hình công nghệ |
Cơ chế khuyến khích và hiệu lực |
Giá bán (chưa gồm VAT) |
Điện mặt trời (cho các dự án vận hành đến 31/12/2020) |
Điện mặt trời nổi |
FIT cho 20 năm |
7,69 Uscents/kWh |
Điện mặt trời mặt đất |
FIT cho 20 năm |
7,09 Uscents/kWh |
|
Điện mặt trời mái nhà |
FIT cho 20 năm |
8,38 Uscents/kWh |
|
Điện gió (cho các dự án vận hành trước tháng 11/2021) |
Dự án trên đất liền |
FIT cho 20 năm |
8,5 Uscents/kWh |
Dự án ngoài khơi |
FIT cho 20 năm |
9,8 Uscents/kWh |
|
Sinh khối |
Đồng phát nhiệt – điện |
FIT cho 20 năm |
7,03 Uscents/kWh |
Không phải đồng phát nhiệt – điện |
FIT cho 20 năm |
8,47 Uscents/kWh |
Nguồn: Viện Năng lượng, Bộ Công Thương, Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021–2030 tầm nhìn đến năm 2045
Để góp phần đảm bảo hài hòa quan hệ lợi ích trong phát triển năng lượng tái tạo, các giải pháp cần tập trung theo hướng làm tăng sự thống nhất, giảm bớt mâu thuẫn về lợi ích giữa các chủ thể, trong đó cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, nâng cao nhận thức của các chủ thể về quan hệ lợi ích trong phát triển năng lượng tái tạo. Nhận thức của các chủ thể trong phát triển năng lượng tái tạo có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển bền vững và hiệu quả, góp phần tạo ra sự đồng thuận về lợi ích. Vì vậy cần tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các chủ thể về vị trí, vai trò và lợi ích trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Tạo sự gắn kết, thống nhất từ về lợi ích từ Trung ương đến địa phương, các chủ thể sản xuất kinh doanh năng lượng tái tạo và người dân.
Hai là, hoàn thiện cơ chế, chính sách và phát huy vai trò quản lí của Nhà nước nhằm giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích trong phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Tiếp tục xây dựng mục tiêu, chiến lược và kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo theo những kịch bản tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, được cụ thể hóa bằng việc xây dựng những Quy hoạch định hướng phát triển ngành điện, đặt mục tiêu năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung năng lượng quốc gia. Việc xây dựng Quy hoạch phát triển ngành điện cần kiểm soát, cân đối trong phạm vi quy mô, công suất và cơ cấu công suất nguồn điện theo từng loại năng lượng tái tạo, cũng như sự cân bằng của hệ thống lưới điện, đảm bảo truyền tải an toàn, liên tục. Xây dựng các cơ chế đảm bảo vận hành hệ thống điện và thị trường điện trong hệ thống tích hợp cao nguồn năng lượng tái tạo biến đổi.
Ba là, xây dựng chính sách giá năng lượng tái tạo phù hợp với chính sách phát triển kinh tế xã hội và chính sách năng lượng quốc gia, đảm bảo minh bạch, mang lại hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội, khả thi về tài chính, hài hoà giữa thị trường trong nước và thế giới, đặc biệt mức giá đưa ra phải được đông đảo người dân ủng hộ; cân nhắc việc xây dựng chính sách trợ giá FIT phù hợp với từng loại năng lượng tái tạo và chỉ nên áp dụng trong giai đoạn đầu của dự án; nghiên cứu đẩy mạnh cơ chế thị trường (đấu thầu, đấu giá) để tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.
Bốn là, xây dựng và hoàn thiện chính sách thu hút vốn đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. Tăng cường nguồn vốn của Chính phủ cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển hệ thống truyền tải có khả năng tích hợp quy mô lớn nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với mục tiêu và tốc độ phát triển năng lượng tái tạo. Có cơ chế khuyến khích để thu hút vốn từ mọi nguồn lực của xã hội nhất là doanh nghiệp tư nhân, tăng quy mô đầu tư, tiến tới hình thành thị trường năng lượng tái tạo thông qua việc hình thành cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ dựa trên cơ chế đấu thầu, đấu giá phù hợp có liên kết với thị trường khu vực và thế giới, xóa bỏ độc quyền ngành điện. Tận dụng nguồn tài trợ quốc tế, ưu tiên nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ quỹ phát triển ODA, các nguồn vốn vay song phương khác của nước ngoài cho việc xây dựng, thăm dò, khai thác các nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió.
Tóm lại, khi lợi ích giữa các chủ thể được hài hòa và thống nhất với nhau sẽ mang lại ý nghĩa quan trọng góp phần thúc đẩy ngành năng lượng tái tạo phát triển, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khủng hoảng năng lượng như hiện nay. Đảm bảo hài hòa quan hệ lợi ích trong phát triển năng lượng tái tạo sẽ động lực mạnh mẽ thôi thúc các chủ thể phát huy khả năng của mình, trong đó động lực trực tiếp và quyết định nhất chính là lợi ích kinh tế. Một khi được lợi ích kinh tế thu về được thỏa đáng thì chủ thể sản xuất kinh doanh năng lượng tái tạo sẽ yên tâm đầu tư cho sản xuất, các chủ thể liên quan sẽ ngày càng gắn kết, lợi nhuận doanh nghiệp ngày càng tăng, quy mô được mở rộng, khai thác mọi tiềm năng của đất nước và phát huy hiệu quả những lợi thế nhằm phát triển bền vững.
Tài liệu tham khảo:
- Viện Năng lượng (2022), Bộ Công Thương, Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021–2030 tầm nhìn đến năm 2045;
- Đào Duy Huân (2007), Lợi ích kinh tế: Động lực thu hút mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội ở VN hiện nay, Phát triển kinh tế (TP HCM), số 200,11–16;
- Trần Thị Bích Huệ (2018), Mâu thuẫn về lợi ích giữa các nhóm xã hội trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội;
- Hoàng Văn Khải; Trần Văn Thắng (2019), Giải quyết hài hòa quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Lý luận chính trị, số 12, t27 – 33;
- Hoàng Thị Xuân, 2022. Phát triển năng lượng tái tạo vì sự phát triển kinh tế bền vững ở một số quốc gia châu Á và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội.