Ưu tiên phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2023, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023, trong đó nêu rõ một số mục tiêu cụ thể phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện.
Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 nêu rõ, Quy hoạch điện VIII quy hoạch phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên lãnh thổ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, để phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, Chính phủ đã đặt ra một số mục tiêu cụ thể.
Về bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, khoảng 6,5 - 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 – 2050; Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN; Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).
Về chuyển đổi năng lượng công bằng, Quyết định số 500/QĐ-TTg nêu rõ, phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%; Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204 - 254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27 - 31 triệu tấn vào năm 2050.
Về phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo, dự kiến đến năm 2030, hình thành 02 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng bao gồm: Sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; Công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan; Xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có các điều kiện thuận lợi; Phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW.