Đảm bảo hàng dự trữ quốc gia sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ xuất cấp
Ngày 30/12/2019, Tổng cục Dự trữ Nhà nước tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2019, phương hướng, giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2020. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu tới dự và chỉ đạo hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện Cục kinh tế tổng hợp (Văn phòng Chính phủ); Vụ Kinh tế dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Cục tham mưu kinh tế (Bộ Công an). Tham dự hội nghị còn có đại điện các cơ quan thuộc Bộ Tài chính; đại điện các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia; Tập thể lãnh đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước, đại điện các cục dự trữ nhà nước khu vực, chi cục dự trữ nhà nước cùng tập thể cán bộ công chức cơ quan Tổng cục.
Hoàn thành tốt công tác dự trữ nhà nước
Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2019, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước Lê Văn Thời cho biết, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong đó, Tổng cục đã tích cực phối hợp với các bộ ngành xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật trong lĩnh vực dự trữ đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng.
Năm 2019, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã hoàn thành 100% kế hoạch nhập 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc; hoàn thành công tác đấu thầu, ký hợp đồng nhập vật tư, thiết bị. Từ đầu năm 2019 đến ngày 26/12/2019, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia theo thẩm quyền đã có các quyết định xuất cấp hàng dự trữ quốc gia cho các địa phương để cứu đói, hỗ trợ Tết Nguyên đán và phòng chống thiên tai, dịch bệnh; tổng giá trị hàng đã xuất cấp khoảng 1.519 tỷ đồng.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã chú trọng phối hợp tích cực, hướng dẫn các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia thực hiện quản lý chặt chẽ chất lượng hàng dự trữ quốc gia. Hàng dự trữ quốc gia đã được các bộ, ngành quan tâm ưu tiên, bố trí kho dự trữ hợp lý, tại cả 3 miền, tại các vùng trọng điểm, qua đó đáp ứng nhu cầu xuất cấp khi có tình huống đột xuất, cấp bách. Chất lượng hàng hóa bảo quản được nâng cao; đã triển khai thực hiện việc áp dụng công nghệ mới trong bảo quản...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho rằng, đất nước ta đã đi qua năm 2019 với việc hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra, Bộ Tài chính cũng là một năm hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu đặc biệt là thu ngân sách vượt khá cao, các chỉ số cải cách hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ hoàn thành tích cực.
Thứ trưởng khẳng định, thành tựu chung của ngành Tài chính có sự đóng góp của Tổng cục Dự trữ Nhà nước. Thay mặt lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu chúc mừng và chia vui với những thành tích ngành Dự trữ đã đạt được trong năm qua.
Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu đề nghị Tổng cục Dự trữ cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020. Theo đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước cần tiếp tục cập nhật và hoàn thành có chất lượng các mục tiêu tại Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, cũng như quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia đến năm 2030.
Tổng cục cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đặc biệt là lĩnh vực tiêu chuẩn để theo kịp những tiến bộ khoa học hiện đại; chủ động công tác nhập - xuất đảm bảo dự toán; Bảo quản an toàn và điều phối xuất - nhập theo hướng điều tiết thị trường; Rà lại các quy trình, chủ động hối hợp với các địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Chủ động triển khai nhiệm vụ quản lý bảo quản hàng dự trữ quốc gia, hướng dẫn và giải quyết kịp thời về giá, vốn, chi phí cho các bộ, ngành để đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ quốc gia; chủ động rà soát, phân bổ, điều phối xuất đổi hàng dự trữ quốc gia...
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước Đỗ Việt Đức thay mặt toàn thể cán bộ, công chức cơ quan Tổng cục tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Trần Văn Hiếu. Tổng cục trưởng Đỗ Việt Đức cho biết, trong năm 2020, Tổng cục Dự trữ Nhà nước tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về dự trữ quốc gia; tích cực phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Ngành; hoàn thiện các quy chuẩn dự trữ quốc gia; tiếp tục cải cách hành chính, lề lối làm việc, đặc biệt là công tác xuất, nhập hàng dự trữ; duy trì chất lượng hàng hóa dự trữ...