Thanh tra ngành Tài chính:
Đảm bảo quản lý nhà nước đến đâu có hoạt động thanh tra đến đó
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Tài chính, ông Trần Đăng Vinh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ cho rằng, hệ thống cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính có quy mô lớn hơn, đầy đủ hơn sẽ tăng cường thanh tra trên các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, thể hiện được tinh thần chung là quản lý nhà nước đến đâu thì đều có hoạt động thanh tra đến đó.
Phóng viên: Xin ông, tóm lược một số điểm mới nổi bật trong Luật Thanh tra năm 2022 và các Nghị định hướng dẫn Luật mới được ban hành liên quan đến ngành Tài chính?
Ông Trần Đăng Vinh: Trước hết, Luật Thanh tra 2022 (gồm 8 Chương và 118 Điều, tăng 01 Chương và 40 Điều so với Luật Thanh tra 2010) có nhiều điểm mới liên quan đến tổ chức và hoạt động thanh tra, như: Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành; UBND tỉnh có quyền thành lập Thanh tra sở; quy định rõ thời gian ban hành kết luận thanh tra; luật hóa các tiêu chuẩn bổ nhiệm các ngạch thanh tra viên; bỏ quy định cộng tác viên thanh tra; quy định mới về các trường hợp miễn nhiệm Thanh tra viên; bổ sung các điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước; tăng cường sự phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra; sửa đổi nội dung giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra; không còn chế định thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra.
Trên cơ sở quy định của Luật Thanh tra, Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra và Nghị định số 03/2024/NĐ-CP ngày 11/01/2024 quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Trong đó, Nghị định số 03/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều, khoản và biện pháp thi hành Luật Thanh tra, quy định về Thanh tra Tổng cục, Cục được thành lập tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội; Thanh tra sở tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp; việc thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; hoạt động thanh tra và việc thực hiện kết luận thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; tổ chức, hoạt động thanh tra trong cơ quan cơ yếu Chính phủ; chế độ bồi dưỡng đối với người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.
Nghị định số 03/2024/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2024 và bãi bỏ 20 nghị định của Chính phủ và 01 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có Nghị định số 82/2012/NĐ-CP ngày 09/10/2012 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Tài chính.
Đối với Bộ Tài chính, Nghị định số 03/2024/NĐ-CP quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Theo đó, có 3 cơ quan thanh tra tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính là Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Thanh tra Kho bạc Nhà nước; Thanh tra Tổng cục Dự trữ Nhà nước; có 07 cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành là Cục Quản lý công sản, Cục Quản lý giá, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế; có 4 cục thuộc Tổng cục và tương đương thuộc Bộ Tài chính là cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành gồm: Cục Dự trữ Nhà nước, Cục Hải quan, Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước tỉnh; có 01 cơ quan Chi cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành là Chi cục Thuế.
Phóng viên: Những quy định mới này có những tác động gì đối với Thanh tra Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra của ngành Tài chính, thưa ông?
Ông Trần Đăng Vinh: So với trước đây thì hệ thống cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính có quy mô lớn hơn, đầy đủ hơn, nhằm tăng cường công tác thanh tra trên các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, thể hiện được tinh thần chung là quản lý nhà nước đến đâu thì đều có hoạt động thanh tra đến đó.
Với hệ thống cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành được thành lập theo Nghị định số 03/2024/NĐ-CP thì Bộ Tài chính sẽ thực hiện tốt hơn vai trò quản lý nhà nước về các lĩnh vực được giao, nhất là trong các lĩnh vực mới được thành lập cơ quan thanh tra và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Tuy nhiên, do có quy mô rộng lớn về tổ chức và hoạt động thanh tra nên không tránh khỏi sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra; một số cơ quan thanh tra mới được thành lập theo quy định của pháp luật ban đầu đang còn thiếu hành lang pháp lý, như quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, quy trình và chưa có kinh nghiệm trong hoạt động thanh tra dẫn đến sự lúng túng trong triển khai thực hiện, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp tổng thể để tháo gỡ, hỗ trợ.
Phóng viên: Theo ông, ngành Tài chính cần tập trung triển khai những giải pháp nào để thực hiện hiệu quả các quy định mới này?
Ông Trần Đăng Vinh: Trước hết, Thanh tra Bộ Tài chính cần quan tâm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu Bộ trưởng Bộ Tài chính quán triệt và có kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện pháp luật về thanh tra, nhất là xây dựng, ban hành đầy đủ các quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính.
Đồng thời, cần nghiên cứu xây dựng, ban hành các quy trình, trình tự, thủ tục đối với từng hoạt động thanh tra chuyên ngành nhằm tạo đầy đủ hành lang pháp lý đồng bộ cho tổ chức và hoạt động của cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, nhất là 3 cơ quan thanh tra mới được thành lập (Thanh tra Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Thanh tra Kho bạc Nhà nước, Thanh tra Tổng cục Dự trữ Nhà nước) và 4 cơ quan vừa mới được giao chức năng thanh tra chuyên ngành (Cục Quản lý công sản; Cục Quản lý giá; Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí; Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán).
Quá trình tổ chức thực hiện, từ việc xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra cụ thể, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, kịp thời phát hiện, xử lý những chồng chéo, bất cập, thiếu sót trong hoạt động thanh tra.
Thanh tra Bộ Tài chính cần phải tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, xử lý những vướng mắc trong hoạt động thanh tra của các cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, kinh nghiệm đảm đương nhiệm vụ thanh tra; phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Bộ Tài chính để tham mưu Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, quyết định việc bổ nhiệm thanh tra viên. Đồng thời, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, phương tiện, kỹ thuật bảo đảm cho hoạt động thanh tra.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong ngành Tài chính có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm tra để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!