Đảm bảo sẵn sàng nguồn lực đáp ứng kịp thời nhu cầu phục hồi và phát triển kinh tế
Đó là một trong những nội dung đã được Bộ Tài chính khẩn trương chỉ đạo các đơn vị triển khai nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Gói chính sách tài khóa hỗ trợ khoảng 291 nghìn tỷ đồng
Để góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đề ra 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Minh Tân – Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính), Chương trình này đòi hỏi rất lớn cả về quy mô và thời gian thực hiện. Giá trị của các gói chính sách tài khóa khoảng 291 nghìn tỷ đồng, bao gồm: 240 nghìn tỷ đồng là chi trực tiếp từ ngân sách (64 nghìn tỷ đồng miễn, giảm thuế và khoảng 176 nghìn tỷ đồng là đầu tư công); khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 để hỗ trợ cho công nhân thuê nhà ở; tiếp tục thực hiện việc giãn, hoãn thuế để ưu đãi cho doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế trong năm 2022 tương đương mức hỗ trợ khoảng 6 nghìn tỷ đồng; tăng bảo lãnh trái phiếu chính phủ cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay các đối tượng chính sách khoảng 38,4 nghìn tỷ đồng.
Về nguồn lực để triển khai Chương trình, ông Nguyễn Minh Tân cho biết, tổng thể gói hỗ trợ sẽ đến từ nguồn tăng bội chi ngân sách nhà nước và nguồn tăng thu tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương năm 2021. Nguồn thứ ba thực chất là giao thoa giữa chính sách tín dụng và chính sách tài khóa, tức là tăng bảo lãnh cho ngân hàng chính sách xã hội và ngân sách nhà nước sẽ cấp bù lãi suất cũng như chi phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện.
Đưa các chính sách nhanh chóng đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả
Để các chính sách nhanh chóng đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả, ngay từ trong quá trình xây dựng các nội dung chính sách trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Bộ Tài chính đã nghiên cứu triển khai thực hiện ngay những nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Bộ. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP, Bộ Tài chính đã khẩn trương phân công tổ chức thực hiện cho các đơn vị trong Bộ, gắn nhiệm vụ và thời gian hoàn thành một cách cụ thể cho các đơn vị.
Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước thông tin, có đến 18 nhiệm vụ Bộ Tài chính chủ trì và 13 nhiệm vụ Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, cơ quan khác thực hiện, trong đó có những nhiệm vụ phải hoàn thành ngay trong quý I/2022 và có nhiệm vụ kéo dài suốt trong quá trình thực hiện Chương trình.
Trong đó, trong quý I/2022, Bộ Tài chính phải hướng dẫn chính sách miễn giảm thuế; gia hạn thời gian miễn thuế, kéo dài thời hạn nộp thuế; thực hiện chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên để mua máy tính; hướng dẫn cấp bù lãi suất cho ngân hàng chính sách xã hội; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước ban hành khung hướng dẫn hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp.
Đến nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15; cho phép doanh nghiệp trích trừ vào chi phí chịu thuế thu nhập đối với khoản đóng góp tài trợ cho phòng, chống COVID-19. Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và các đơn vị có liên quan hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy tính phục vụ học tập trực tuyến, cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội.
Hiện Bộ Tài chính đang khẩn trương tính toán nhu cầu, nguồn lực để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc tăng bảo lãnh chính phủ cho Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành trái phiếu trong nước để thực hiện cho vay các đối tượng chính sách.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị trong Bộ, đặc biệt là Vụ Ngân sách Nhà nước, Kho bạc Nhà nước lên phương án để đảm bảo sẵn sàng nguồn lực đáp ứng kịp thời nhu cầu chi cho Chương trình cũng như các nhu cầu chi tiêu khác của ngân sách nhà nước, đảm bảo không để ảnh hưởng đến tính thanh khoản của Kho bạc Nhà nước trong mọi tình huống. Cùng với đó là tiếp tục tận dụng dư địa trong tăng thu; tích cực tiết kiệm chi, kiểm soát chặt chẽ chi thường xuyên, nhất là khoản chi có tính chất đầu tư xây dựng cơ bản, cắt giảm khoản chi không thực sự cần thiết. Trên cơ sở đó sử dụng nguồn lực cho Chương trình này.
Cùng với tích cực triển khai các nhiệm vụ trên, Bộ Tài chính cũng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, rà soát các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước để có nguồn lực đảm bảo tối đa nhu cầu của Chương trình, phù hợp tiến độ thực hiện. Với các giải pháp đồng bộ được quyết liệt triển khai, chính sách tài khóa trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ sẽ nhanh chóng đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả.