Đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững


UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố tăng cường thực hiện các nhiệm vụ giải pháp đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nông dân thu hoạch lúa. Ảnh TL: Mỹ Nhân
Nông dân thu hoạch lúa. Ảnh TL: Mỹ Nhân

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp rà soát định hướng quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, đảm bảo diện tích đất chuyên trồng lúa; phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát các vùng có 2 đê bao chắc chắn, đẩy nhanh diện tích xuống giống lúa thu đông 2023 theo kế hoạch đề ra.

Thúc đẩy việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật 3 giảm 3 tăng; 1 phải 5 giảm, SRP, IPM, IPHM, hữu cơ, tuần hoàn... vào sản xuất để giảm giá thành, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng, bảo vệ môi trường.

Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển nông sản an toàn, nông sản hữu cơ gắn chứng nhận mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; đảm bảo nguồn cung đầu vào, vật tư nông nghiệp để phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm ổn định.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, gạo hàng hóa xuất khẩu; việc thu mua lúa, gạo hàng hóa nhằm đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; duy trì mức dự trữ lưu thông theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, góp phần bình ổn giá lúa, gạo tại thị trường trong nước và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Cập nhật thông tin từ Bộ Công thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam theo dõi sát tình hình thị trường, thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu, các quy định mới về các hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm gạo nhằm kịp thời thông tin đến các thương nhân xuất khẩu gạo để chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Mặt khác, chủ trì theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn có phương án về nguồn hàng lúa, gạo để bảo đảm cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 với giá bình ổn. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại ngoài nước nhằm củng cố thị trường xuất khẩu gạo truyền thống và phát triển các thị trường mới, tiềm năng, các thị trường mà Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA)

Đối với UBND các huyện, thành phố nhanh chóng chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ xuống giống lúa thu đông 2023 còn lại trên các ô bao ăn chắc.

Cùng với đó, triển khai kế hoạch sản xuất cây trồng năm 2024. Đối với các vùng đủ điều kiện, đê bao chống lũ triệt để tập trung triển khai xuống giống lúa đông xuân 2023 - 2024 vào tháng 10 và tháng 11 để có sản lượng lúa thu hoạch sớm phục vụ xuất khẩu...

Theo Y Du/Báo Đồng Tháp