Đàm phán Mỹ - Cuba về bồi thường thiệt hại kinh tế
Trong hai ngày cuối tuần qua tại Thủ đô Washington, Mỹ và Cuba đã tổ chức cuộc họp thông tin lần hai liên quan đến thỏa thuận bồi thường về thiệt hại kinh tế. Đây là vấn đề gai góc nhất trong tiến trình bình thường hoàn toàn quan hệ song phương sau hơn nửa thế kỷ thù địch.
Mỗi bên một con số
Hai phái đoàn gồm các chuyên gia đa ngành của Cuba và đại diện từ Bộ Ngoại giao, Tư pháp và Tài chính Mỹ đã thảo luận về các yêu cầu bồi thường của Mỹ đối với tài sản của các công ty Mỹ bị La Habana quốc hữu hóa sau Cách mạng 1959 cùng những đòi hỏi đền bù từ phía La Habana cho những thiệt hại do cuộc bao vây cấm vận kinh tế, tài chính, thương mại mà Washington tiến hành suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Theo tính toán của Cuba, khoản bồi thường nước này yêu cầu bao gồm 181 tỷ USD bồi thường về thiệt hại con người và 121 tỷ USD thiệt hại kinh tế. Trong khi đó, Mỹ cũng đưa ra con số đòi bồi thường lên tới gần 8 tỷ USD dưới nhiều khoản mục khác nhau, trong đó có thiệt hại do Cuba tiến hành quốc hữu hóa đối với một số công ty tư nhân Mỹ, cộng với lãi suất…
Cụ thể, việc rà soát sẽ bắt đầu với 5.913 đơn đòi bồi thường của các doanh nghiệp và công dân Mỹ có tài sản bị tịch thu theo Sắc lệnh 851 của Chính phủ cách mạng Cuba ban hành từ năm 1960. Các đơn đòi bồi thường này đã được Ủy ban Khiếu nại ngoài nước thuộc Bộ Tư pháp Mỹ chứng nhận với tổng giá trị tài sản là 1,8 tỷ USD theo thời giá khi đó.
Trong số các doanh nghiệp bị thiệt hại, có cả các tên tuổi lớn như United Fruit, Starwood Hotels, Coca-Cola hay 36 nhà máy đường thuộc chủ sở hữu Mỹ. Các tài sản này có tổng giá trị quy đổi theo thời giá hiện tại là 8 tỷ USD, trong đó đã cộng thêm mức lãi suất 6%/năm.
Bồi thường thiệt hại là một trong những vấn đề gai góc nhất trong các cuộc đàm phán song phương kể từ khi hai quốc gia cựu thù thời Chiến tranh Lạnh tuyên bố bình thường hóa quan hệ.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ tham gia đàm phán lần này tỏ ra lạc quan, cho dù đều khẳng định con đường đi tới thỏa thuận về vấn đề bồi thường không phải là dễ. Hai bên thống nhất tiến hành đàm phán vòng ba tại Cuba, song thời gian cụ thể sẽ được thỏa thuận và thông báo sau.
Khó gỡ nút thắt
Giải quyết vấn đề bồi thường là một trong những nút thắt lớn nhất mà hai bên cần phải tháo gỡ trong quá trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Mức độ phức tạp của nó có thể thấy rõ qua việc, dù Bộ Ngoại giao Mỹ liên tục tuyên bố đây là một “vấn đề ưu tiên trong tiến trình đàm phán với Cuba” do những “cam kết mạnh mẽ (của Washington) trong việc bảo vệ mọi yêu cầu bồi thường đã đăng ký, cũng như những yêu cầu khác của các công dân Mỹ trước Nhà nước Cuba”, nhưng tới nay sau 18 tháng kể từ ngày nguyên thủ hai nước tuyên bố tái thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên mới chỉ tổ chức được 2 cuộc họp mang tính chất bày tỏ quan điểm.
Tương tự, khi thông báo trước báo giới về cuộc họp vòng 2 lần này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng từ chối cung cấp thông tin chi tiết và không bình luận về khả năng đạt được một thỏa thuận sơ bộ nào đó trước khi Tổng thống Barack Obama mãn nhiệm. Tuy nhiên, cuộc gặp lần này tại Washington được đánh giá là có nhiều tiến bộ hơn so với cuộc gặp lần thứ nhất tại La Habana.
Thời gian không còn nhiều nếu hai bên muốn tiến tới một cột mốc nào đó trước năm 2017. Ông John Kavulich, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế và thương mại Cuba - Mỹ, một tổ chức độc lập của Mỹ, nhận định “hiện đã không còn thời gian mà đã tới lúc các bên trình bày cô đọng và nói rõ những mong muốn thực tế, những cam kết và khả năng chấp nhận yêu cầu của đối phương để các luật sư có thể bắt tay vào soạn thảo một thỏa thuận”.
Tuy vậy, nhiều nhà bình luận cho rằng, sức ép thời gian nói trên vẫn chưa đủ lớn để khiến các bên có thể thay đổi nhiều yếu tố mang tính nguyên tắc trong cuộc đàm phán này, nhất là khi La Habana không hề tỏ ra vội vã.
Trong báo cáo thường niên mới nhất về tác động của bao vây cấm vận trước Liên Hợp Quốc, phái đoàn Cuba cho biết tổng thiệt hại mà chính sách trừng phạt trên của Mỹ gây ra cho nước này trong hơn nửa thế kỷ qua đã lên tới mức 833,755 tỷ USD, dựa theo giá trị bản vị vàng. Tất nhiên, sẽ rất khó tin việc “chú Sam” chấp nhận, dù chỉ một phần nào đó trong những con số khổng lồ này.
Trong khi đó, cho tới nay, về mặt chính thức, La Habana chưa bao giờ thoái thác việc đền bù cho quyết định quốc hữu hóa nói trên và từng kêu gọi các bên liên quan đàm phán trực tiếp với Chính quyền Cuba.
Tuy nhiên, xét tới bối cảnh khi Cuba đưa ra quyết định này (để đáp trả quyết định áp đặt hạn ngạch nhập khẩu đường của Mỹ đối với Cuba) cũng như những khác biệt trong lập luận và tính toán, có rất ít khả năng La Habana chấp nhận con số mà Washington đưa ra.
Rõ ràng, khác biệt vẫn còn rất lớn. Vì vậy, không có nhiều khả năng hai bên đạt được một thỏa thuận có tính đột phá trong vòng 6 tháng tới. Kết quả lớn nhất là việc ghi nhận con số và thống nhất một số nguyên tắc chung. Đối với Cuba và Mỹ, hai nước cựu thù thời Chiến tranh Lạnh trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, ít nhất đây cũng đã là tín hiệu tích cực.