Hà Nội:
Dân phố cổ di dời sẽ được bố trí ở tầng 1 để kinh doanh
(Tài chính) Người dân phố cổ di dời sang khu đô thị Việt Hưng sẽ được bố trí nhà ở phần lớn ở tầng 1 để thuận lợi cho việc kinh doanh.
Một vấn đề “nóng” nhất được nhiều người dân thắc mắc gửi câu hỏi đó là phần lớn người dân sinh sống ở phố cổ đều làm nghề kinh doanh buôn bán, có người bán tại nhà, có người buôn bán tại các vỉa hè. Bởi vậy, khi di dời sang khu đô thị nhiều người lo lắng không biết sẽ tiếp tục việc kinh doanh như thế nào.
Cũng theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, đối tượng được ưu tiên kinh doanh đầu tiên là người dân hiện đang kinh doanh ở phố cổ. Thứ hai là các đối tượng kinh doanh ở trong ngõ hoặc có lớp nhà phía trong đang kinh doanh. Đối tượng thứ 3 là những hộ dân cần đảm bảo an ninh xã hội, đặc biệt là các hộ nghèo. Và một bộ phận người dân có nhu cầu chính đáng được các cơ quan có thẩm quyền xem xét. Các lợi ích kinh tế sẽ thỏa đáng cho người dân và sẽ có hỗ trợ cho người dân trong phố cổ.
Bên cạnh đó, một vấn đề khác được đặt ra trong buổi tọa đàm đó là nhiều người dân phố cổ đặt ra câu hỏi tại sao không giãn dân, di dời ở các khu dân cư như bãi Phúc Tân, Phúc Xá mà lại giãn dân phố cổ.
Trả lời câu hỏi này, đại diện Sở quy hoạch kiến trúc cho biết, khu phố cổ có tầm quan trọng và có giá trị đặc biệt. Dân số tập trung tại khu vực này tập trung quá đông nên việc sinh sống gặp nhiều khó khăn.
Đối với khu bãi Phúc Xá nằm trong diện quy hoạch khác, việc giãn dân phố cổ là một chính sách hợp lý khi khu phố cổ được công nhận là di tích Quốc gia. Việc di dân phố cổ phù hợp với việc bảo tồn và phát triển của khu phố có giá trị đặc biệt.
Kế hoạch giãn dân phố cổ được UBND thành phố Hà Nội xây dựng từ nhiều năm trước. Theo đó, Hà Nội lên kế hoạch di dời hơn 6.500 hộ dân với khoảng 26.000 người. Giai đoạn 1 của dự án được thành phố phê duyệt, với mục tiêu di chuyển hơn 1.500 hộ dân sang khu độ thị Việt Hưng (Long Biên). Đối tượng di dời trong giai đoạn 1 gồm các hộ sống trong các di tích, trường học, công sở, nhà đông hộ và nhà cổ có giá trị đặc biệt cần bảo tồn.
Mục tiêu của đề án nhằm giảm mật độ dân cư ở khu vực phố cổ từ 823 người/ha xuống còn 500 người/ha (mật độ khống chế trong quy hoạch đến năm 2020), tương ứng với việc thời gian tới quận Hoàn Kiếm phải di chuyển hơn 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 người. Với những nhà đã thực hiện giãn dân, phải bảo đảm chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 25m2 sàn/người (là chuẩn diện tích nhà ở bình quân vào năm 2020).