Đảng bộ cơ quan Bộ Tài chính giai đoạn 1976-1985
Giai đoạn 1976-1985, Đảng bộ cơ quan Bộ Tài chính đã tập trung lãnh đạo các tổ chức cơ sở Đảng và cán bộ, đảng viên bám sát thực tiễn, kịp thời tham mưu xây dựng và trực tiếp xây dựng, ban hành các văn bản quản lý giúp nền kinh tế hai miền thống nhất, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị
Sau khi đất nước thống nhất, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976), Đảng bộ cơ quan Bộ Tài chính đã phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng một hệ thống ngân sách tích cực nhằm đảm bảo tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở cả hai miền. Chính sách động viên qua hình thức thuế và thu quốc doanh đã dần thống nhất từng bước, gắn với công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa (XHCN) và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở cả hai miền.
Nhờ vậy, ngành Tài chính đã thực hiện chỉ đạo nghiêm ngặt của Đảng, Nhà nước, tập trung quản lý chặt chẽ và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hành tiết kiệm, phấn đấu giảm bội chi ngân sách. Công tác quản lý tài chính thống nhất của hai miền Bắc - Nam giai đoạn 1976-1980 đã thể hiện rõ qua hàng loạt chính sách thuế nông nghiệp, công thương nghiệp, chính sách quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, dần tháo gỡ các chênh lệch, điểm nghẽn, xóa bỏ cơ chế đặc thù của nền kinh tế một số khu vực sau giải phóng, tăng nguồn thu vào NSNN.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3/1982) nhất là Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (Khóa V), kiên quyết xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, chuyển mạnh sang cơ chế hạch toán kinh tế và kinh doanh XHCN, trước mắt là xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp về mặt giá cả và tiền lương là yêu cầu cấp bách, là khâu đột phá có tính quyết định để chuyển hẳn sang hạch toán kinh tế và kinh doanh XHCN.
Trên cơ sở đó, Đảng ủy Bộ và các cấp ủy cơ sở đã động viên toàn Đảng bộ nêu cao tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, phát huy tinh thần làm chủ tập thể XHCN của cán bộ, công nhân viên chức, phấn đấu thực hiện thắng lợi các chương trình hành động của cơ quan và đơn vị đề ra. Một số chính sách, chế độ, biện pháp quản lý tài chính đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng chống tập trung quan liêu bao cấp, tăng cường hạch toán, lấy năng suất, chất lượng, hiệu quả làm thước đo, khắc phục tư tưởng ỷ lại, nâng cao tinh thần tự lực tự cường, kết hợp đúng đắn với việc tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế, nhất là các nước XHCN anh em.
Các hình thức tăng cường huy động vốn trong dân thông qua các chính sách thu quốc doanh, thuế, phát hành công trái xây dựng Tổ quốc, thống nhất quản lý xổ số kiến thiết, cải tiến quỹ tiết kiệm XHCN, tích cực thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phát triển các hình thức bảo hiểm nhà nước nhằm cải thiện tình hình tài chính đã góp phần đáng kể vào việc ổn định, phát triển kinh tế và bảo đảm đời sống nhân dân.
Công tác cấp phát và quản lý vốn, nhất là quản lý tài chính đối với địa phương và cơ sở được tăng cường, nhằm khắc phục tình trạng đầu tư yếu kém của thời kỳ trước đây, chấn chỉnh phương hướng đầu tư theo hướng: Bố trí kế hoạch đầu tư đồng bộ hơn để khắc phục tình trạng mất cân đối, phát huy hiệu quả của các công trình mới xây dựng, đầu tư có trọng điểm, tập trung vào những công trình then chốt, những sản phẩm mang tính tích lũy lớn để hoàn thành dứt điểm, chống phân tán dàn đều, không xây dựng mới khi chưa sử dụng hết công suất sẵn có. Việc cấp phát và quản lý vốn xây dựng cơ bản đã từng bước được cải tiến theo hướng chuyển từ cấp phát và thanh toán tuần kỳ, theo giai đoạn quy ước sang thanh toán theo khối lượng công trình hoàn thành đưa vào sử dụng.
Tất cả những chủ trương cải tiến về chính sách động viên, về quản lý thu chi ngân sách trong thời kỳ này đều nhằm quán triệt chế độ tập trung dân chủ của tài chính XHCN, thúc đẩy hạch toán kinh tế, tạo điều kiện cho địa phương và cơ sở có điều kiện về tài chính, chủ động sản xuất kinh doanh, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn, mất cân đối, trì trệ lúc bấy giờ.
Những chủ trương nói trên cũng đã góp phần tháo gỡ dần một số vướng mắc, khó khăn giúp nền kinh tế từ năm 1981 về sau có những chuyển biến tích cực. Thu, chi ngân sách nhà nước tiếp tục tăng, đặc biệt là nguồn thu trong nước, trên cơ sở phát triển kinh tế, điều chỉnh việc bố trí chi tiêu phù hợp với khả năng ngân sách, nhờ vậy, đã giảm được bội chi ngân sách từ 15,9% năm 1981 xuống còn 7,5% năm 1982, 4% năm 1983 và 3,5% năm 1984.
Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh gắn với giáo dục chính trị tư tưởng
Với 28 tổ chức Đảng cơ sở và trên 300 đảng viên hầu hết giữ vị trí trọng yếu tại các cơ quan, đơn vị của Bộ Tài chính, công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh cùng việc giáo dục chính trị tư tưởng giai đoạn 1976 - 1985 của Đảng bộ tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng sau đây:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về cục diện cách mạng nước ta và cách mạng thế giới, thấy hết khó khăn phức tạp, nhận rõ thuận lợi và triển vọng, chống lại các luận điệu và thủ đoạn chiến tranh tâm lý của kẻ địch, khắc phục lối xem xét tình hình một cách chủ quan, phiến diện, khắc phục tâm lý hoài nghi, bi quan.
Thứ hai, xây dựng tinh thần trách nhiệm, tinh thần làm chủ tập thể XHCN, tinh thần chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm để góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, cải tiến quản lý kinh tế tài chính, ổn định đời sống nhân dân, kiên quyết chống mọi biểu hiện ỷ lại, đùn đẩy công việc khó cho đồng nghiệp, người khác.
Thứ ba, xây dựng ý thức tổ chức kỷ luật, nghiêm chỉnh chấp hành các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các chính sách pháp luật của Nhà nước. Giữ vững phẩm chất cách mạng trong sạch, nếp sống lành mạnh, chống mọi biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, thu vén cho cá nhân, tự tư tự lợi, tham ô móc ngoặc, cửa quyền; chủ động và kịp thời uốn nắn, giải quyết những lệch lạc; thường xuyên gắn công tác tư tưởng với nhiệm vụ chính trị, thông qua thực hiện nhiệm vụ chính trị để biểu dương người tốt việc tốt và uốn nắn những nhận thức, quan điểm không đúng.
Thứ tư, đấu tranh khắc phục tư tưởng thụ động, bảo thủ, ngại khó, ngại khổ, xây dựng tinh thần cách mạng tiến công, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Kiên quyết chống các biểu hiện cá nhân chủ nghĩa như suy tính cá nhân, chờ đợi đãi ngộ, chăm lo vun vén cá nhân, giáo dục và ngăn chặn các hiện tượng tham ô, móc ngoặc.
Thứ năm, động viên mọi cán bộ, đảng viên ra sức phấn đấu góp phần cùng Đảng bộ tạo ra năng lực hành động, năng lực tổ chức thực hiện mới, vươn lên làm tốt chức năng vị trí của một ngành tổng hợp về tài chính; khắc phục tệ bảo thủ quan liêu, không đi sâu sát vào đối tượng quản lý để phát hiện, đề xuất giải quyết các vấn đề thực tiễn quản lý kinh tế tài chính đang đặt ra; khắc phục biểu hiện phân tán, cục bộ, thiếu tinh thần hợp tác XHCN với các bộ tổng hợp khác; đồng thời, nâng cao tinh thần đấu tranh với những biểu hiện tự do, cục bộ, thiếu tôn trọng kỷ luật tài chính đang diễn biến nghiêm trọng trong quá trình xóa bỏ cơ chế quản lý kinh tế - tài chính cũ.
Trong công tác tư tưởng, chú trọng lấy đấu tranh phê bình và tự phê bình trong Đảng và trong đoàn thể quần chúng làm động lực để xây dựng Đảng, tổ chức cơ quan vững mạnh và coi đó là một nhiệm vụ của công tác tư tưởng./.