Đang kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp Khaisilk
Phát biểu tại buổi họp báo chuyên đề của Tổng cục Thuế chiều 27/10, ông Nguyễn Đại Trí - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, đang yêu cầu Cục Thuế TP.Hà Nội báo cáo về việc thực hiện nghĩa vụ thuế của Tập đoàn lụa Khaisilk mà báo chí thông tin mấy ngày nay.
Sẽ có thông tin chính thức trong tuần tới
Trả lời báo chí về vụ việc Tập đoàn Khaisilk có nhiều gian dối trong việc bán hàng lụa tơ tằm nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng lại đội lốt thương hiệu “Made in Vietnam” và đặt câu hỏi việc thực hiện nghĩa vụ thuế của tập đoàn này như thế nào? Ông Nguyễn Đại Trí cho biết, sau khi nhận được thông tin về vụ việc trên, Cục Thuế TP.Hà Nội đang tiến hành kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế của Tập đoàn Khaisilk.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, do cơ quan Thuế đang tiến hành kiểm tra, nên chưa thể có thông tin chính thức về việc Tập đoàn Khaisilk có thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế hay không. Tuy nhiên, có thể trong tuần tới sẽ có kết quả kiểm tra về việc thực hiện nghĩa thuế đối với tập đoàn này và sẽ thông tin tới báo chí.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện Tổng cục Thuế đã trả lời nhiều câu hỏi của báo chí liên quan đến hóa đơn điện tử, như sự khả thi của việc áp dụng hóa đơn điện tử đến đâu, với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa có thể áp dụng hóa đơn điện tử hay không; hoặc vấn đề khi doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa trên đường, khi các cơ quan chức năng kiểm tra nguồn gốc hàng hóa thì sẽ thực hiện như thế nào…
Ông Nguyễn Đại Trí cho biết, hiện nay đã có gần 100% doanh nghiệp khai thuế qua mạng, 95 - 97% doanh nghiệp khai và nộp thuế điện tử, do đó, về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin là hoàn toàn có thể đáp ứng được việc áp dụng hóa đơn điện tử.
Ngoài ra, qua tìm hiểu về tình hình hạ tầng công nghệ thông tin cũng như mạng lưới cung cấp dịch vụ viễn thông của VNPT và Viettel thì thấy rằng, hạ tầng công nghệ thông tin của các nhà mạng này gần như phủ khắp toàn quốc, đáp ứng được các dịch vụ điện tử của cơ quan thuế.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng cho biết, việc áp dụng hóa đơn điện tử sẽ có nhiều lợi ích đối với cả người nộp thuế và cơ quan thuế, như: Sử dụng hóa đơn điện tử giúp ngành Thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn; cơ quan thuế và các cơ quan khác của nhà nước không tốn chi phí thời gian đối chiếu hóa đơn như hiện nay; kịp thời ngăn chặn hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích; ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế…
Đối với doanh nghiệp, sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí so với sử dụng hóa đơn giấy (giảm chi phí giấy in, chi phí mực in, chi phí chuyển hóa đơn, giảm chi phí lưu trữ hóa đơn, không cần không gian lưu trữ hóa đơn…); hóa đơn điện tử cũng giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế; khắc phục tình trạng làm mất, hỏng, cháy hóa đơn...
Đề xuất lùi thời hạn áp dụng mở rộng hóa đơn điện tử đến 7/2019
Thông tin tại buổi họp báo, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, bắt đầu từ 1/1/2018, doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh đã sử dụng hóa đơn điện tử do doanh nghiệp khởi tạo và phát hành rồi, thì sẽ áp dụng hóa đơn điện tử ngay.
Còn đối với doanh nghiệp mới thành lập từ 1/1/2018 có thể lựa chọn áp dụng hóa đơn điện tử ngay nếu thấy phù hợp, hoặc cũng có thể mua hóa đơn của cơ quan thuế. Căn cứ tình hình thực tế, Bộ Tài chính cũng quy định một số trường hợp đặc thù được sử dụng tem, vé, thẻ in sẵn có giá trị như hóa đơn giấy.
Những hóa đơn do tổ chức đã đặt in trước ngày 1/1/2018 thì được tiếp tục sử dụng trong năm 2018. Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế sẽ có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế.
Về lộ trình mở rộng đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, qua tổng kết ý kiến của một số thành viên Chính phủ, ý kiến tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, có ý kiến cho rằng nên lùi thời hạn áp dụng mở rộng hóa đơn điện tử.
“Do đó, Tổng cục Thuế đang cân nhắc phương án có thể trình Bộ Tài chính để báo cáo Chính phủ đưa ra lộ trình áp dụng mở rộng từ 1/7/2019 đối với các doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in, hóa đơn mua của cơ quan thuế để cả cơ quan thuế và các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị hoàn chỉnh. Đối với các doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn điện tử rồi thì tiếp tục thực hiện như bình thường”, ông Trí cho hay.
Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết thêm, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 51 cũng cho phép xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN. Theo đó, tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN được cung cấp thêm dịch vụ giá trị gia tăng về hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.