‘Đắng lòng’ bỏ tiền triệu mua ngọc trai giả

Theo vietq.vn

Nhiều du khách tiếc tiền hùi hụi khi mua phải ngọc trai giả được 'phù phép' sáng bóng nhưng chỉ sau một thời gian lớp vỏ sáng bóng đã biến mất.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại các điểm du lịch nổi tiếng trong nước như Phú Quốc, Vịnh Hạ Long, Đồ Sơn, Cát Bà, Sầm Sơn, Cửa Lò, Nha Trang... tràn ngập ngọc trai với mức giá từ vài trăm nghìn tới hàng triệu đồng. Du khách tới thăm quan, nghỉ mát đều được các chủ hàng, quán mời chào đon đả. Các bộ trang sức ngọc trai sang trọng, lấp lánh được các chủ hàng quảng cáo là “hàng xịn”.

Chị Hiền ở Ba Đình (Hà Nội) phải “ngậm đắng nuốt cay” khi phát hiện chuỗi ngọc trai mua tại Phú Quốc với giá 5 triệu đồng là hàng giả.

“Lúc mua, tôi không hiểu biết về ngọc trai chỉ nghe chủ hàng giới thiệu, vả lại trong cũng bóng đẹp nên mua ngay. Ai ngờ chỉ sau vài ngày, lớp mạ bóng bị bong ra. Sau đó, tôi hỏi một người bạn của chồng chuyên bán mặt hàng này mới biết đó là ngọc trai Trung Quốc”, chị Hiền than thở.

Không riêng chị Hiền, nhiều khách du lịch cũng mắc lừa mua phải hàng rởm, bán tại các điểm du lịch. Do thiếu kinh nghiệm nên các chủ hàng chỉ cần vài thủ thuật có thể qua mặt được du khách.

Theo một người từng bán ngọc trai nhiều năm, buôn bán ngọc trai cực siêu lời. Phần lớn ngọc trai bán tại các điểm du lịch như Phú Quốc, Nha Trang đều có xuất xứ từ Trung Quốc: “Chỉ có những điểm nuôi cấy ngọc trai mới có hàng để bán, còn lại là hàng được lấy từ nới khác mà phần lớn là lấy từ Trung Quốc vì giá rẻ, hàng lại đẹp không tì vết”.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Chủ tịch một công ty ngọc trai lớn tại Việt Nam cho biết, những loại ngọc trai kém chất lượng trôi nổi hiện nay trên thị trường Việt Nam được làm từ nhân cấy ngọc thứ phẩm bị loại hoặc làm từ nhựa, nhưng được phủ lên bề mặt nhân chất inriodin (bột ngọc trai nhân tạo thuộc dòng mica, có kết hợp với kim loại).

Không chỉ vậy, nhà sản xuất hiện nay vì lợi nhuận còn dùng nhân kém chất lượng rồi phủ lên bề mặt một lớp nhựa tổng hợp tương tự như PU, PET… có đặc tính trong suốt, ít biến tính.

Theo Giáo sư Phan Trường Thị (Viện trưởng Viện đá quý- trang sức Việt Nam) khuyến cáo, ngọc trai và đá quý cần phải qua kiểm định mới biết được chất lượng thật giả. Nhà nước đã có quy định, hàng hóa phải ghi rõ xuất xứ, tuy nhiên nhiều cơ sở, đặc biệt những nơi bán rong vẫn chưa chấp hành. Người tiêu dùng không nên mua các sản phẩm trang sức khi chưa biết nguồn gốc và giá trị thực của chúng.

Hiện nay, ngọc trai có uy tín đều được mang đi kiểm định và gắn chứng nhận vào sản phẩm trước khi bán ra thị trường, còn ngọc trai kém chất lượng thì mới không có tem kiểm định.

Cách phân biệt ngọc trai thật - giả


Theo chuyên gia, ngọc trai tự nhiên và ngọc trai nuôi không tan trong môi trường axít, kiềm, dung dịch axeton (nước rửa móng tay) vì thành phần chủ yếu trong viên ngọc có tới 82 – 84% là CaCO3. Các tế bào ngọc xắp sếp theo hình trụ nên có độ phản xạ ánh sáng rất cao (độ chiết suất ngọc trai là 1,56).


Nhìn ở góc độ, nguồn ánh sáng và cường độ khác nhau thì màu sắc khác nhau. Vì vậy, phải để ngọc ở ngoài trời theo hướng Bắc từ 9 giờ -15 giờ mới nhìn được màu chuẩn.


Ngoài ra, ngọc thật sẽ bị trầy bởi vết chà xát nhưng sau đó chỉ cần dùng tay phủi nhẹ bề mặt, ngọc sẽ lại bóng sáng. Nếu dùng lửa đốt thử, ngọc trai thật không bị chảy ra.


Ngọc trai giả có 2 loại: Loại thứ nhất được phủ chất inriodin, tan trong dung dịch axeton. Loại giả thứ hai không tan trong axít, nhưng ngâm trong nước sôi chỉ vài phút thì lớp nhựa sẽ bở ra. Ngoài ra, ngọc giả không có độ phản xạ ánh sáng, nhìn ở bất kỳ không gian nào thì màu sắc cũng sáng, bóng như nhau.