Kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống ngành Tài chính (28/8/1945 - 28/8/2019)
Đảng ủy Bộ Tài chính: Viết tiếp những trang sử vẻ vang
74 năm, song hành cùng đất nước, trên mỗi chặng đường lịch sử cách mạng của dân tộc, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Đảng bộ Bộ Tài chính đã không ngừng phát triển, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách, phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Phát triển vững chắc, giữ vững vai trò hạt nhân chính trị
Ngày 28/8/1945, Bộ Tài chính nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được chính thức thành lập. Bộ trưởng Phạm Văn Đồng là đảng viên đầu tiên của Đảng bộ Bộ Tài chính. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng ta rút vào hoạt động bí mật với số lượng đảng viên ít, đảng viên ở cơ quan Bộ Tài chính sinh hoạt ghép với chi bộ của Đảng Đoàn Chính phủ. Đến cuối năm 1947, Chi bộ Tài chính được thành lập với tên gọi “Hội cán bộ tiết kiệm” với 05 đảng viên. Năm 1952, Đảng bộ Bộ Tài chính được thành lập với 4 chi bộ trực thuộc với 131 đảng viên, gồm Chi bộ Văn phòng Bộ, chi bộ Sở Kho thóc, Chi bộ Sở Thuế - Vụ Ngân sách - Vụ Kế toán và Chi bộ Ban cung cấp 19…
Trong bối cảnh chính quyền cách mạng còn non trẻ, đất nước gặp muôn vàn khó khăn, ngân khố quốc gia gần như trống rỗng, nhiệm vụ cấp bách đặt ra là phải huy động mọi nguồn lực tài chính để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của Chính phủ, góp phần bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng. Để thực hiện nhiệm vụ được giao, tổ chức Đảng, đảng viên trong Bộ Tài chính đã lãnh đạo tiến hành cải cách hệ thống thuế cũ, xây dựng một chế độ thuế mới, đồng thời tổ chức thành công nhiều phong trào thi đua, đóng góp cho kháng chiến như: “Quỹ Độc lập”, “Tuần Lễ vàng”, “Công trái kháng chiến”, “Ăn cơm nhà, làm việc nước; hũ gạo nuôi quân, quỹ mùa đông binh sỹ”, “Thuế không thiếu 1 cân, quân không thiếu 1 người”... Toàn ngành Tài chính đã tích cực hưởng ứng và phát động toàn dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hiện khẩu hiệu “tấc đất, tấc vàng”, “không bỏ ruộng hoang” gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và coi đây là quốc sách hàng đầu trên các chặng đường phát triển, giúp cải thiện đời sống của nhân dân.
Nhằm chủ động về mặt tài chính, khẳng định chủ quyền và sự độc lập về chính trị, kinh tế - xã hội của Nhà nước cách mạng, ngành Tài chính đã phát hành thành công đồng tiền tài chính Việt Nam hay còn gọi là “giấy bạc Cụ Hồ” trên cả ba miền Bắc - Trung – Nam. Đây vừa làm vũ khí sắc bén đấu tranh có hiệu quả trên mặt trận kinh tế, tài chính, tín dụng, tiền tệ, vừa đáp ứng nhu cầu chi tiêu của đất nước.
Thực tiễn hoạt động của Đảng bộ cơ quan Bộ Tài chính trong thời kỳ 1945-1954 cho thấy, dù số lượng đảng viên chưa nhiều, tổ chức Đảng còn ở giai đoạn đầu hình thành và xây dựng nhưng đã từng bước phát triển vững chắc. Vai trò hạt nhân trong việc lãnh đạo chính trị tư tưởng, thực hiện nhiệm vụ chính trị chuyên môn, đoàn thể quần chúng trong cơ quan Bộ đã được giữ vững và ngày càng nâng cao; Sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng được duy trì. Đây là những tiền đề, góp phần quan trọng quyết định vào việc ngành Tài chính hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng và Chính phủ giao, phục vụ đắc lực về phương diện tài chính ngân sách, góp phần đưa công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Trong những năm tháng xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất đất nước ở miền Nam (1955-1975), Đảng bộ Bộ Tài chính đã tổ chức thành công 12 kỳ Đại hội. Đảng bộ Bộ Tài chính xác định nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của cả thời kỳ này là xây dựng các chính sách tài chính để khôi phục, phát triển kinh tế, xây dựng CNXH ở miền Bắc và tăng cường tài lực, vật lực cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc.
Năm 1975, toàn Đảng bộ Bộ Tài chính có 1 liên chi và 31 chi bộ trực thuộc, với 365 đảng viên. Đảng bộ không ngừng củng cố về mặt tổ chức; năng lực lãnh đạo của chi bộ, vai trò tiên phong gương mẫu của Đảng viên được nâng cao, sự đoàn kết nhất trí trong Đảng bộ được tăng cường. Đảng bộ đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện có kết quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên và quần chúng, làm cho mọi người nắm vững đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ là bảo vệ và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa (XHCN), đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.
Theo đó, sự nghiệp tài chính ở hai miền Nam - Bắc trong thời kỳ 1955 - 1975 tiếp tục phát huy tư tưởng tài chính dựa vào sức dân, lấy dân làm gốc. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng bộ Bộ Tài chính, nhiều chính sách, chế độ tài chính được bổ sung, sửa đổi như: Chế độ động viên thu thuế quốc doanh; ổn định mức đóng thuế nông nghiệp; sửa đổi, bổ sung thuế công thương nghiệp; chế độ kế toán mới... đảm bảo cho thu ngân sách tăng đều qua từng năm, đảm bảo chi ngân sách cho các nhu cầu thiết yếu về hành chính, phát triển sản xuất và quốc phòng của đất nước. Bên cạnh đó, vai trò đặc biệt quan trọng khác của ngành Tài chính trong giai đoạn này là nhận và chuyển tiền từ Trung ương và bạn bè quốc tế để chi viện cho đồng bào miền Nam ruột thịt, góp phần tạo nên Đại thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975.
Phát huy trang sử vàng truyền thống trong thời kỳ mới
Non sông Việt Nam thu về một mối, cả nước bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế sau thời gian dài bị chiến tranh tàn phá, cùng tiến lên xây dựng CNXH (thời kỳ 1976-1985). Trong giai đoạn này, bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chủ trương chính sách của Nhà nước, Đảng bộ Bộ Tài chính đã tập trung lãnh đạo thực hiện có kết quả các hoạt động của ngành Tài chính hướng đến mục tiêu làm chủ các nguồn lực để bảo đảm thực hiện đường lối phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng mối quan hệ hợp lý giữa tiêu dùng và tích lũy, bảo đảm giữ gìn an ninh và củng cố quốc phòng, tái sản xuất mở rộng không ngừng.
Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển của đất nước, tạo đột phá căn bản trong tư duy lý luận bằng quyết định thực hiện đường lối đổi mới toàn bộ nền kinh tế. Dưới ánh sáng Đại hội VI của Đảng, Đảng bộ Bộ Tài chính đã lãnh đạo cùng toàn ngành Tài chính xóa bỏ tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển hẳn sang hạch toán kinh tế, kinh doanh XHCN nhằm thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển với năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao hơn; Thực hiện quyền tự chủ tài chính của xí nghiệp; Cải tiến, hoàn thiện chế độ định mức và phân phối lợi nhuận theo giá và lương mới; Thúc đẩy xí nghiệp đi vào hạch toán kinh tế thực sự; Đồng thời, đổi mới chế độ thu quốc doanh cho phù hợp với tình hình mới, điều chỉnh quan hệ giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, thống nhất quản lý xổ số kiến thiết và phát hành công trái xây dựng Tổ quốc, tạo điều kiện cho địa phương phát huy mọi tiềm năng, phát triển kinh tế địa phương, mở rộng thêm nguồn thu để đáp ứng yêu cầu chi của địa phương…
Nhờ thực hiện kiên định đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng, dưới sự điều hành sâu sắc, sát thực tiễn của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ, ngành Tài chính đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong giai đoạn xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo thế và lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, đẩy lùi siêu lạm phát.
Phát huy vai trò của tài chính trong việc “mở đường” phá thế cấm vận kinh tế của Mỹ và bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam với các tổ chức và các nhà tài trợ quốc tế, ngành Tài chính đã đi đầu trong cải cách, đổi mới và hội nhập, khơi thông dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn viện trợ phát triển chính thức để đầu tư cho cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bước vào thời kỳ hiện đại hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, Đảng ủy Bộ Tài chính luôn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi toàn diện mọi nhiệm vụ chính trị được giao của Bộ Tài chính, ngành Tài chính. Với sự sáng tạo, đổi mới, trách nhiệm, cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động ngành Tài chính đã góp phần quan trọng đẩy lùi suy thoái, ổn định kinh tế, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, cải thiện an sinh xã hội, tăng cường quốc phòng, hội nhập kinh tế quốc tế; Tiềm lực tài chính ngân sách không ngừng được củng cố, ổn định, phát triển tương xứng với nền kinh tế của đất nước.
Trong hơn 30 năm đổi mới cùng đất nước, Đảng bộ Bộ Tài chính không ngừng đổi mới cả về tổ chức, phát triển đảng viên. Thời kỳ này, Đảng bộ đã tổ chức thành công 12 kỳ Đại hội, thường xuyên kiện toàn tổ chức, tăng cường công tác phát triển đảng, đảm bảo thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và sinh hoạt đảng. Hiện nay, Đảng bộ Bộ Tài chính có 51 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, với 4.748 đảng viên.
Bằng sự cố gắng phấn đấu, nỗ lực liên tục trong suốt 74 năm qua, Đảng bộ Bộ Tài chính luôn hoàn thành thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao. Tập thể Đảng bộ luôn luôn được công nhận là “Đảng bộ trong sạch vững mạnh”, nhiều năm liền được Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương tặng cờ thi đua, bằng khen; nhiều tổ chức đảng và hàng nghìn đảng viên của Đảng bộ được các cấp ủy Đảng khen thưởng về các mặt công tác, nhất là công tác xây dựng Đảng.
Tự hào về truyền thống vẻ vang trong 74 năm, nhận thức rõ vai trò và nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Đảng ủy Bộ Tài chính xác định sẽ tiếp tục lãnh đạo toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động ngành Tài chính đoàn kết, phấn đấu rèn luyện, giữ vững phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng, thi đua lao động và sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm được Ðảng, Nhà nước và nhân dân giao.