74 năm Ngày truyền thống ngành Tài chính: Một chặng đường vẻ vang
Cách đây 74 năm (28/8/1945 - 28/8/2019), đúng vào ngày ra đời của Chính phủ cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngành Tài chính được thành lập. Ngày này hàng năm đã trở thành ngày Truyền thống của ngành Tài chính Việt Nam. Đồng hành cùng đất nước trong từng giai đoạn lịch sử, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính qua các thời kỳ đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ra đời trong bối cảnh đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, ngân khố gần như trống rỗng, ngành Tài chính đã tiến hành nhiều biện pháp về tài chính nhằm huy động tối đa nguồn lực cho chính quyền cách mạng.
Với những chính sách động viên phù hợp, sức mạnh tổng hợp của toàn dân được phát huy, các tầng lớp nhân dân đã chung tay, đóng góp công sức, của cải cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Đồng tiền tài chính Việt Nam được phát hành kịp thời, làm cơ sở cho việc xây dựng một nền tài chính độc lập, tự chủ, của dân, do dân và vì dân, được nhân dân yêu mến gọi là “giấy bạc Cụ Hồ”.
Trong thời kỳ kháng chiến gian khổ, tiềm lực tài chính quốc gia còn hạn chế, các chính sách tài chính, thuế khóa đã được ngành Tài chính điều chỉnh phù hợp, kịp thời, đảm bảo vừa điều tiết thu nhập, khuyến khích sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, đồng thời vừa đáp ứng kịp thời yêu cầu huy động nguồn lực phục vụ kháng chiến thắng lợi. Đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, hàng nghìn người con ưu tú của ngành Tài chính đã cống hiến, tham gia chiến đấu và anh dũng hy sinh vì sự thông suốt và an toàn của nền tài chính cách mạng, vì độc lập, tự do của đất nước.
Bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, ngành Tài chính đã thi hành nhiều biện pháp nhằm khai thác và giải phóng tiềm năng kinh tế trong nước, đồng thời tranh thủ khai thác các nguồn viện trợ và vay nợ nước ngoài. Để khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh và thiên tai, bão lụt, ngành Tài chính đã thực hiện phân phối và quản lý mọi nguồn vốn có hiệu quả hơn, từng bước tiến hành chế độ quản lý tài chính thống nhất trong cả nước. Giai đoạn này, kinh tế đất nước lâm vào khủng hoảng, lạm phát tăng cao, cán cân thanh toán bị thiếu hụt trầm trọng, các nguồn lực tài chính suy giảm, đời sống nhân dân khó khăn.
Trước tình hình đó, ngành Tài chính thực hiện nhiều chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, tập trung chống lạm phát và tăng cường vai trò của tài chính phục vụ nông nghiệp, củng cố quan hệ sản xuất mới ở nông thôn. Đồng thời, có chính sách phát huy tính chủ động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, tạo quyền tự chủ về tài chính cho các xí nghiệp quốc doanh đi đôi với việc tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính nhằm khuyến khích sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân.
Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, ngành Tài chính đã nhanh chóng đổi mới toàn diện, có những bước phát triển nhanh, vững chắc, khẳng định vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngành Tài chính đã tham mưu, đề xuất và xây dựng được hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa về quản lý tài chính ngân sách, thuế, phí, lệ phí, thị trường tài chính, giá cả, dự trữ, công sản, tài chính doanh nghiệp… Các chính sách đã đáp ứng yêu cầu điều tiết vĩ mô nền kinh tế, động viên hợp lý mọi nguồn lực, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, góp phần nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và mở rộng hội nhập quốc tế.
Tiềm lực tài chính quốc gia ngày càng lớn mạnh, đáp ứng kịp thời yêu cầu chi cho phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia lãnh thổ và các nhiệm vụ phát sinh. An ninh tài chính quốc gia được giữ vững với mức bội chi, nợ công, nợ chính phủ trong ngưỡng an toàn và trong tầm kiểm soát. Thị trường tài chính, dịch vụ tài chính được hình thành và từng bước hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Ngành Tài chính đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất tốt, năng lực, trình độ chuyên môn sâu, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Ngành Tài chính cũng có sự bứt phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, nâng cao chất lượng phục vụ, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc.
Trong những năm qua, với vai trò là một ngành quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, ngành Tài chính đã đi đầu trong đổi mới cơ chế, chính sách, trực tiếp tham gia và phối hợp điều hành quản lý vĩ mô của nền kinh tế. Qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy công cuộc đổi mới, phân phối có hiệu quả nguồn lực xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; tập trung đầu tư phát triển con người, xóa đói giảm nghèo; củng cố quốc phòng, an ninh; kiểm soát lạm phát, kiểm soát bội chi NSNN, ổn định và lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia, tạo điều kiện vững chắc cho đất nước phát triển trong giai đoạn mới.
Với những thành quả đã đạt được và đóng góp to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, ngành Tài chính đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh. Nhiều tập thể, cá nhân cán bộ, công chức ngành Tài chính tự hào được được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương độc lập, Huân chương Chiến công, Huân chương Lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác…
Nhìn lại chặng đường 74 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, thử thách gian nan đến mấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Tài chính không ngừng phấn đấu, đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Toàn ngành Tài chính đã đạt được kết quả tích cực và toàn diện trên tất cả lĩnh vực, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế: Chính sách tài khóa được điều hành chủ động, chặt chẽ; Nợ công được cơ cấu theo hướng bền vững; Thị trường tài chính tăng trưởng và trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế; Bộ máy tổ chức của ngành được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả…
Nhiệm vụ năm 2019 và những năm tiếp theo của ngành Tài chính diễn ra trong bối cảnh đất nước tiếp tục có những chuyển biến tích cực, song sẽ còn nhiều khó khăn thách thức, toàn ngành đang nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch chính 5 năm quốc gia 2016-2020; Nghị quyết 19-2018/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị…
Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, toàn thể cán bộ, công chức ngành Tài chính quyết tâm sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần cùng cả nước hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.