Đánh giá dự án khởi nghiệp mô hình dịch vụ “cà phê vận động”
Mục tiêu của bài viết này nhằm phân tích môi trường kinh doanh của dự án khởi nghiệp và đánh giá tính khả thi của dự án. Bằng phương pháp nghiên cứu định tính kết hợp phương pháp nghiên cứu định lượng với 318 mẫu khảo sát tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, nghiên cứu xác định nhu cầu thị trường đối với dự án khởi nghiệp cà phê vận động - XOX Coffee và đánh giá tính khả thi của dự án thông qua các chỉ số tài chính như giá trị hiện tại ròng, tỷ lệ hoàn vốn nội bộ và điểm hòa vốn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thị trường có nhu cầu với mô hình cà phê vận động và dự án có tính khả thi đáng giá để đầu tư.
Mô hình cà phê vận động (XOX Coffee) là mô hình quán cà phê truyền thống kết hợp với các dịch vụ trò chơi vận động, trò chơi trí tuệ, trò chơi dân gian, mở cố định các buổi offline theo chủ đề. Khách hàng không đơn thuần chỉ đến quán cà phê để dùng thức uống hay lướt web mà còn có thể vận động trí óc hay cả cơ thể cùng bạn bè, người thân qua các trò chơi quen thuộc như cờ vua vận động, cờ tướng vận động, cờ tỷ phú… đến những trò chơi truyền thống hay trò chơi trí tuệ đến từ các nước khác như trò Koma, bài Karuta, trò Manko (Nhật Bản), Yutnori, Tuho (Hàn Quốc)... Các trò chơi được xây dựng nhằm tạo ra sự vận động về cả đầu óc lẫn cơ thể cho người chơi.
Ngày nay, khi đời sống con người ngày càng được nâng cao thì nhu cầu về giải trí của con người cũng gia tăng hơn. Tuy nhiên, thực tế ở TP. Hồ Chí Minh cho thấy, có rất ít những địa điểm, không gian đáp ứng được nhu cầu thưởng thức cà phê kết hợp giải trí tại chỗ cùng bạn bè, người thân. Chính vì vậy, với mục đích kết nối con người, tạo sự tương tác giữa người với người, chủ yếu là giới trẻ, nghiên cứu này tập trung vào phân tích nhu cầu thị trường đối với dự án café vận động, giải trí XOX coffee. Đồng thời, nghiên cứu còn lập kế hoạch tài chính và đánh giá tính khả thi của dự án ở góc độ tài chính để có căn cứ triển khai thực hiện..
Cơ sở khoa học
Hành vi người tiêu dùng là những phản ứng của khách hàng dưới tác động của những kích thích bên ngoài và quá trình tâm lý bên trong diễn ra thông qua quá trình quyết định lựa chọn hàng hóa, dịch vụ (Philip Kotler, 1994). Đối với tất cả các doanh nghiệp, khi hoạt động, doanh nghiệp luôn bị tác động bởi các yếu tố môi trường, cả bên trong lẫn bên ngoài. Theo đó, các yếu tố thuộc môi trường ngành có tác động mạnh mẽ đến hoạt động của doanh nghiệp. Do vậy, trước hết nghiên cứu này thực hiện việc phân tích môi trường kinh doanh của XOX coffee để nhận diện lợi thế kinh doanh và xác định nhu cầu của thị trường đối với loại hình kinh doanh này.
Mô hình 5 áp lực cạnh tranh (Porter, 1979) được sử dụng nhiều trong phân tích lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp thông qua 5 áp lực cạnh tranh mà bất kỳ ngành công nghiệp nào trên thị trường cũng phải chịu. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng sử dụng ma trận SWOT (Urick và Orr, 1964) nhằm nhận diện điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của tổ chức. Theo ma trận này, phân tích các yếu tố bên trong tổ chức như nguồn nhân lực, nguồn lực vật chất và tài chính, công nghệ, hàng hóa, phân phổi… để xác định các điểm mạnh, điểm yếu của tổ chức; còn phân tích các yếu tố bên ngoài doanh nghiệp để xác định các cơ hội và thách thức của tổ chức.
Phương pháp nghiên cứu
Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính để phân tích môi trường kinh doanh của dự án và xác định nhu cầu sử dụng dịch vụ café vận động tại TP. Hồ Chí Minh, thông qua khảo sát ý kiến về nhu cầu sử dụng dịch vụ café vận động của 319 cư dân tại TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, nghiên cứu đưa ra các giả định tình huống kinh doanh để lập kế hoạch tài chính và sử dụng các chỉ số giá trị hiện tại ròng (NPV), tỷ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) và doanh thu hòa vốn để đánh giá tính khả thi của dự án.
Kết quả nghiên cứu
Phân tích môi trường kinh doanh
Thị trường kinh doanh quán cà phê hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung rất mạnh mẽ, xuất hiện thêm nhiều mô hình các quán cà phê từ đổi mới hình thức kinh doanh từ các quán cà phê nội địa và sự gia nhập thị trường của các chuỗi cà phê từ nước ngoài khiến việc cạnh tranh của thị trường này càng trở nên khốc liệt. Các áp lực cạnh tranh đối với dự án này bao gồm:
Đối thủ cạnh tranh trực tiếp: Cashflow Café, Board Game Station… kinh doanh các trò boardgame thuần túy, đã có mặt từ lâu và khá nổi tiếng tại TP. Hồ Chí Minh.
Đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn: Hiện nay, nhiều đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn như Highlands Coffee, The Coffee House... sẵn sàng thay đổi mô hình kinh doanh sang mô hình cafe vận động để tăng sức cạnh tranh.
Khách hàng: Rất khó để thay đổi thói quen giải trí trên điện thoại thông minh khi ở quán cà phê.
Nhà cung cấp: Các nhà phân phối boardgames như Board Games Việt Nam có nguy cơ trở thành đối thủ cạnh tranh nếu họ thay đổi hình thức kinh doanh hiện tại thay vì chỉ phân phối trò chơi thuần túy.
Sản phẩm thay thế: Các khu vui chơi, cung văn hóa thiếu nhi hiện tổ chức các trò chơi vận động miễn phí nếu họ chuyển đổi thành hình thức kinh doanh thì sẽ trở thành đối thủ của XOX Coffee.
Xác định nhu cầu thị trường
Khách hàng mục tiêu XOX Coffee hướng đến là sinh viên và kết quả khảo sát cũng cho thấy, nhu cầu sẵn sàng tới quán của sinh viên là rất lớn. Kết quả thống kê cho thấy ở Bảng 1, tỷ lệ khách hàng sẵn sàng đến quán là 77%, trong đó riêng đối tượng là học sinh, sinh viên chiếm tỷ lệ là 54%.
Kế hoạch tài chính và đánh giá tính khả thi của dự án
Các giả định cơ bản làm cơ sở cho kế hoạch tài chính dự án cụ thể như: Vay ngắn hạn 100% vốn lưu động của dự án vào tháng 12/2020. Với lãi suất vay ưu đãi tối đa 1 năm tại ngân hàng HD Bank với lãi suất 8%/năm trả nợ gốc và lãi theo từng tháng (Trích lãi suất HD Bank theo thebank.vn, 2019). Tỷ suất sinh lời yêu cầu đối với dự án phải là 16% trở lên, vì dự án khởi nghiệp cà phê với một mô hình mới có rủi ro cao, chủ đầu tư mong muốn mức sinh lời phải lớn gấp đôi so với lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Khấu hao tài sản theo phương pháp đường thẳng. Thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm không đổi là 20%. Giá bán các loại đồ uống dao động từ 25.000 đồng/ly đến là 55.000 đồng/ly.
Xác định doanh thu: Doanh thu của quán đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh đồ uống, dịch vụ game. Ngoài ra, quán có thêm thu nhập khác từ cho thuê phòng dạy học kỹ năng theo giờ và cho thuê mặt bằng sân trước vào buổi sáng lúc chưa tới giờ mở cửa để kinh doanh bữa sáng.
Về xác định chi phí, chi phí của dự án bao gồm:
Vốn đầu tư ban đầu để xây dựng quán đưa vào hoạt động là 529.600.000đ và vốn lưu động để hoạt động trong năm đầu tiên là 160.000.000đ
Biến phí nguyên vật liệu và các chi phí sử dụng làm ra thành phẩm một ly đồ uống. Định phí bao gồm các chi phí cố định để duy trì phát triển dự án như lương nhân viên, tiền thuê mặt bằng, khấu hao...
Dựa trên giá bán của các loại thức uống và trò chơi, cũng như dựa trên các chi phí, ước tính kết quả hoạt động kinh doanh trong 5 năm được thể hiện tại Bảng 3:
Đánh giá hiệu quả tài chính của dự án
Tỷ suất sinh lợi IRR = 33,12%/năm > Chi phí cơ hội với lãi suất 16%/năm.
NPV = 410,731,897 đ > 0đ: Dự án được đánh giá khá tốt.
Thời gian hòa vốn là: Tính từ lúc bắt đầu khai trương là 33 tháng < 60 tháng.
Từ kết quả tính toán dòng tiền, nghiên cứu tiếp tục phân tích độ nhạy của 2 chỉ số NPV và IRR dựa trên sự thay đổi của 2 yếu tố đó là tỷ lệ tăng trưởng tháng sau so với tháng trước và tỷ lệ tăng trưởng sản lượng năm sau so với cùng kỳ năm trước.
Qua kết quả phân tích độ nhạy ở bảng 4 và 5, chỉ số tài chính của dự án bị ảnh hưởng chủ yếu bởi yếu tố tốc độ tăng trưởng của sản lượng bán ra hàng tháng. Tốc độ tăng trưởng bắt buộc phải bằng hoặc lớn hơn dự toán ban đầu thì dự án mới có thể đầu tư. Yếu tố này có thể cải thiện bằng các chiến lược chiêu thị khác nhau. Như vậy, kết quả phân tích tài chính cho thấy dự án có tính khả thi và đáng đầu tư.
Kết luận và kiến nghị
Kết quả nghiên cứu cho thấy, thị trường có nhu cầu đối với mô hình dịch vụ cà phê vận động Bản kế hoạch tài chính 5 năm của dự án cho ra kết quả tốt cho thấy, dự án đáng giá để đầu tư nhưng dự báo tài chính không đảm bảo chính xác 100% vì thực tế còn phát sinh nhiều vấn đề.
Do vẫn còn những yếu tố khác ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng của khách hàng mà nghiên cứu này chưa đề cập hết nên thực tế có thể có những yếu tố rủi ro gây ảnh hưởng tới kết quả cũng như làm sai lệch những giả định đã được đưa ra trong dự án. Do vậy, khi triển khai thực hiện dự án, nhóm khởi nghiệp cần kiểm soát và quản lý chặt chẽ để ngăn ngừa rủi ro.
Từ kết quả khảo sát và nghiên cứu, nhóm tác đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, mô hình XOX Coffee sẽ thực hiện kết hợp chiến lược về giá, bằng cách tối ưu hóa chi phí sản xuất ở mức thấp nhất với chiến lược ưu đãi dành cho tất cả khách hàng để có được lượng khách hàng như mong muốn. Thức uống chú trọng nguyên liệu đầu vào đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tốt cho sức khỏe. Giá cả các sản phẩm dịch vụ sẽ được bán ở mức được đề xuất từ 25.000 đồng/ly đến 55.000 đồng/ly tùy loại.
Hai là, nâng cao độ hiện diện và tạo điểm nhấn trong lòng khách hàng. Xây dựng cơ sở tài liệu, dữ liệu đầy đủ, chi tiết về các sản phẩm của quán, đặc biệt về các trò chơi vận động, trí tuệ và board game; Định vị thương hiệu của XOX Coffee thông qua chất lượng các dịch vụ được phục vụ trong quán; Đem đến những trải nghiệm tốt nhất về cho khách hàng; Thường xuyên cập nhật bài viết, các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, tương tác với khách hàng trên fanpage để khách hàng nắm rõ về quán; Tìm kiếm, nghiên cứu các trò chơi vận động hấp dẫn mới lạ phù hợp với giới trẻ ngày nay.
Ba là, phát triển nguồn nhân lực là một điều tất yêu đối với đơn vị kinh doanh nếu muốn phát triển và bền vững. XOX Coffee cần chú trọng rất nhiều vào khâu đào tạo nhân viên, trước khi trở thành nhân viên chính thức sẽ phải trải qua khâu đánh giá thái độ, đạo đức song song với thời gian thử việc.
Tài liệu tham khảo:
- Đinh Thế Hiển (2008), Quản trị tài chính đầu tư, NXB Lao động Xã hội;
- Hoàng Thanh Hiếu (2009), Khởi sự doanh nghiệp kinh doanh nhạc cụ nhập khẩu tại thị trường Việt Nam, Khóa luận tốt nghiệp;
- Trần Thị Kim Trang (2009), Thiết lập dự án quán café Đông Hạ tại khu mới trường đại học An Giang, Khóa luận tốt nghiệp;
- Trần Thị Bích Duyên (2015), Khám phá các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn quán cà phê của KH tại TP. Hồ Chí Minh, Luận văn thạc sỹ kinh tế;
- Trần Thị Trúc Linh (2016), Khám phá các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn cà phê ngoại của người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh. Luận văn thạc sỹ quản trị kinh doanh;
- Eric Ries (2018), Khởi nghiệp tinh gọn, NXB Thời đại;
- Philip Kotler (2007), Marketing căn bản, NXB Lao động – Xã hội,
TP. Hồ Chí Minh; - Steve Blank, Bob Dorf (2017), Bách khoa toàn thư về khởi nghiệp, NXB Thế giới.