Quỹ đầu tư khởi nghiệp sẽ bỏ tiền vào lĩnh vực gì?
Trong khuôn khổ diễn đàn Việt Nam Ventures Summit 2019, đại diện một số quỹ đầu tư trong và ngoài nước đã chia sẻ một số lĩnh vực mà họ đang quan tâm rót vốn trong thời gian tới.
Giám đốc điều hành quốc gia IFC tại Việt Nam - Lào - Campuchia, ông Kyle F. Kelhofer cho biết: "Với tiêu chí là hỗ trợ các quốc gia đang phát triển và mục tiêu giảm nghèo, chúng tôi rất quan tâm đến các start-up trong lĩnh vực logistics để phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu dùng, nông nghiệp... Thành thật mà nói, chúng tôi cũng cần phải có tiền để duy trì hoạt động, nên chúng tôi rất quan tâm đến tính bền vững của doanh nghiệp. Chúng tôi tìm giải pháp dài hạn, chúng tôi nhảy vào đầu tư ở giai đoạn phía sau".
Ông Hanno Stegmann, Giám đốc BCG Digital Ventures nói: Có nhiều điểm chung về mục tiêu giữa tôi với giám đốc IFC, khi có doanh nghiệp lớn tham gia vào thỏa thuận thì chúng tôi trở thành bên thứ ba hỗ trợ, và chúng tôi cũng quan tâm đến ngành logistic.
Chủ tịch 24h Phan Minh Tâm nhận định, trong ngắn hạn, thương mại điện tử vẫn là nơi nhận được nhiều đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài nhất. Thương mại điện tử là một cuộc chơi cực kỳ tốn tiền và đòi hỏi sự trợ giúp về vốn từ phía các nhà đầu tư nước ngoài rất nhiều.
CEO Sendo.vn Trần Hải Linh đồng tình rằng thương mại điện tử là một cuộc chơi vô cùng tốn kém, và việc tốn kém này không chỉ xảy ra ở Việt Nam hay Đông Nam Á, mà diễn ra ở tất cả các thị trường lớn trên thế giới. Tại sao lại tốn kém như vậy? Thứ nhất là tốn kém để chuyển đổi hành vi của người tiêu dùng, của thị trường. Thứ hai là với làn sóng đầu tư như vậy, thì không chỉ có lợi cho ngành thương mại điện tử, mà còn hỗ trợ lớn cho việc đẩy nhanh cách ngành hỗ trợ khác như thanh toán điện tử, logistic,..
Vậy tại sao người ta vẫn đầu tư? Vì các nhà đầu tư đều nhìn thấy cơ hội rất lớn để tạo ra những sàn thương mại điện tử làm bá chủ thị trường, ví dụ như tấm gương Amazon ở Mỹ, Alibaba ở Trung Quốc, hay Rakuten ở Nhật Bản, đó là những thành quả rất lớn.
Ông Nguyễn Lân Trung Anh, CEO Phoenix Holdings đánh giá về làn sóng đầu tư vào thương mại điện tử: "Rõ ràng là có rất nhiều cơ hội cho các nhà sáng lập mới hay các nhà bán lẻ truyền thống giành lại thị phần từ sendo.vn hay Lazada, thị trường không chỉ dành cho các công ty thuần túy là online mà có thể là các công ty truyền thống chuyển sang phát triển công nghệ".
Ông Phạm Anh Cường Founder & CEO Hệ sinh thái Doanh nghiệp BestB, Giám đốc Quỹ đầu tư BestB Capital cho biết: "Có một số lĩnh vực mà các nhà đầu tư luôn ưu tiên, dựa trên phân tích nội tại của Việt Nam, như hiện đang là một đất nước có tỷ lệ dân số vàng. Gần 100 triệu dân với tỷ lệ giới trẻ, người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao. Vì vậy, nhà đầu tư muốn rót vốn vào các công ty công nghệ bởi dân số trẻ thường tích công nghệ mới và có khả năng thích ứng cao. Các công nghệ mới như AI, Blockchain, fintech… Hay các nền tảng ứng dụng công nghệ như nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ y tế, giáo dục công nghệ".
Tuy nhiên còn có một số ngành, lĩnh vực khác được quan tâm như mô hình phát triển chuỗi. Mô hình này không sử dụng quá nhiều công nghệ mà dựa trên sự phát triển của hiệu ứng số đông. Do vậy dân số cũng là lợi thế, mặt khác các tỉnh thành ở việt Nam hiện nay cũng đang có sự phát triển đồng đều như vậy sẽ giúp việc phát triển mô hình chuỗi.
Ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc Quỹ đầu tư công nghệ VinaCapital Ventures chia sẻ: "Chúng tôi quan tâm đến những mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh của các ngành truyền thống".
Theo nghiên cứu của HSBC, 300 tỷ USD sẽ được tạo ra ở Việt Nam từ đây đến năm 2030. Thế nhưng hiện nay các ngành truyền thống đang đối mặt với việc chi phí vận hành và đặc biệt là chi phí tiếp cận khách hàng và bán hàng rất cao. Lấy ví dụ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và bảo hiểm, 60% dân số vẫn chưa có tài khoản ngân hàng, tỉ lệ người Việt có bảo hiểm còn thấp hơn nhiều. Các giải pháp công nghệ đóng vai trò chủ chốt nếu không muốn nói là duy nhất để đưa những sản phẩm này tới nhiều người Việt hơn.
"Chúng tôi đã và đang đầu tư vào những giải pháp công nghệ cho lĩnh vực vận tải hàng hóa và hành khách, giải pháp sinh trắc học cho tài chính và bán lẻ, cũng như có khoản đầu tư vào mô hình kinh tế chia sẻ và công nghệ bất động sản. Hiện tại VinaCapital Ventures đang liên tục tìm kiếm để hợp tác và đầu tư vào các khởi nghiệp hỗ trợ khối SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ) chưa được quan tâm đủ. Đây là những mảnh ghép quan trọng để cấu thành một nền kinh tế số đúng nghĩa cho Việt Nam".
Ông Phạm Thanh Hưng, Chủ tịch CEN INVEST chia sẻ: "Chúng tôi quan tâm đến proptech (property technology - công nghệ trong lĩnh vực bất động sản) như các phần mềm thiết kế nhà, dịch vụ nhà thông minh, kiểm soát từ xa... Chúng tôi cũng quan tâm đến việc thu thập dữ liệu lớn liên quan đến bất động sản, chúng tôi cần biết ai là người đang muốn mua nhà để giải quyết các vấn đề kinh doanh của chúng tôi".
Ông Hưng cũng nhấn mạnh, ông không phải nhà đầu tư thiên thần, ông quan tâm đến các startup mà sản phẩm của họ đã sẵn sàng.
Bà Thạch Lê Anh, người sáng lập, Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley (VSV) chia sẻ: Tôi luôn muốn đầu tư vào những sản phẩm, dịch vụ có thể tạo ra tác động tích cực cho Việt Nam. Các công ty cải thiện tình hình giao thông vận tải (đỗ xe, hiệu quả nhiên liệu,...), Môi trường (quản lý chất thải, tái chế, làm sạch không khí...), Thực phẩm (an toàn thực phẩm, gia tăng sản xuất, giúp đỡ người nông dân).
“Tôi cũng quan tâm đến công nghệ giáo dục vì hiện nay mặc dù thu nhập của người Việt Nam tăng lên nhưng chất lượng đoà tạo của các trường đại học tại Việt Nam còn kém. Chăm sóc sức khoẻ cũng là một lĩnh vực quan trọng, Không chỉ về vẫn đề điều trị mà còn công nghệ chuẩn đoán và phòng ngừa”, bà Lê Anh nói.