Đánh giá kỹ lưỡng dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để đảm bảo tính khả thi
Sáng 23/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH sửa đổi). Cho ý kiến tại hội trường về dự án Luật, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng hệ thống pháp luật liên quan để bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật.
Mở rộng đối tượng tham gia BHXH là cần thiết
So với luật hiện hành, dự thảo Luật BHXH sửa đổi mở rộng các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như: Chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, người quản lý doanh nghiệp, người đại diện cổ phần vốn nhà nước…
Theo đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, việc mở rộng đối tượng hoạt động không chuyên trách ở thôn tổ dân phố cho thấy, dự thảo Luật đã quán triệt và thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 28-NQ/TW đó là mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác, trong đó có đối tượng là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, hiện nay phụ cấp hàng tháng cấp cho các đối tượng này rất thấp mà phải trích nộp BHXH thì phần thực nhận của họ còn thấp hơn, trong khi số lượng đối tượng này trên cả nước rất lớn nên phần ngân sách nhà nước đóng cũng không nhỏ.
Từ thực tế này, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá, phân tích kỹ lưỡng về khả năng đảm bảo ngân sách cho các đối tượng này.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là cần thiết, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của cử tri trong nhiều năm gần đây.
Việc tham gia BHXH của chủ hộ kinh doanh trong thời gian qua cũng gặp nhiều vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật BHXH năm 2014, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ hộ kinh doanh cá thể. Việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH sẽ mở rộng mạng lưới bao phủ BHXH, tạo mạng lưới an sinh xã hội vững chắc và hiệu quả.
Thống nhất với nội dung này, đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho rằng, vấn đề cần quan tâm là nhiều người trong số nhóm đối tượng dự kiến được mở rộng như nhóm người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, nhóm người làm việc không trọn thời gian, nhóm người quản lý, điều hành hợp tác xã đều là những người có thu nhập thấp.
Đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát và đánh giá kỹ hơn các tác động của các chính sách liên quan về bảo hiểm y tế, BHXH một lần, xác định rõ chủ thể sử dụng lao động và việc bảo đảm kinh phí để đóng BHXH… để qua đó các chính sách thực sự khả thi và thuận tiện cho quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
Theo đại biểu Trần Thị Hiền - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, trên thực tế, cần có những điều chỉnh và có thể cân nhắc để bảo đảm tính tương thích, khả thi khi quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Đó là đối với nhiều dự án, công trình cụ thể ở các vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, nơi có ít nhà máy, công ty…, ít có điều kiện để người lao động có thể làm việc dài hạn, khi triển khai, người sử dụng lao động phải huy động lao động nông nhàn theo mùa vụ và theo quy định phải đóng BHXH cho họ...
Đảm bảo tính khả thi của chính sách
Bên cạnh thảo luận, cho ý kiến về mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, các đại biểu cũng nêu ý kiến về việc đàm bảo tính khả thi của chính sách khi áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nêu ý kiến, dự án Luật được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội đã đặt ra nhiều vấn đề sâu sắc và tương đối toàn diện.
Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ hơn về chủ trương của Đảng, Nhà nước về BHXH và tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hơn, trở thành trụ cột an sinh xã hội chính, đáp ứng yêu cầu kinh tế - xã hội trước áp lực già hóa dân số, tác động của cách mạng, khoa học công nghệ đến thị trường lao động.
Theo Đại biểu, cần tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật liên quan và đánh giá tác động kỹ hơn các chính sách mới như là bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, bổ sung nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc, giảm thời gian đóng bảo hiểm… để bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật, đặc biệt là các nguồn lực tài chính, chi phí quản lý BHXH, đầu tư Quỹ BHXH, khả năng cân đối Quỹ BHXH.
Còn theo đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, dự thảo Luật mở rộng với nhóm người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên, kể cả không giao kết hợp đồng lao động… là rất rộng và khá bao trùm.
Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn về những chế tài để đảm bảo tính khả thi của quy định này, bởi thực tế đối tượng lao động này rất rộng, thường xuyên di chuyển trong khi hiện nay chúng ta chưa có cơ sở dữ liệu về lao động, cho nên không thể nắm hết được đối tượng lao động này.
Quan tâm đến việc lồng ghép giới trong dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Đoàn Đại biểu Quốc hội Nghệ An cho biết, trong thụ hưởng chính sách BHXH, vẫn còn khoảng cách lớn giữa hai giới.
Những năm gần đây, chênh lệch đang dần tăng lên, khoảng cách này không tự điều chỉnh được. Dù giai đoạn mới tham gia thị trường lao động, phụ nữ tham gia BHXH khá tốt, đạt 58% ở độ tuổi 26, điều này chứng tỏ phụ nữ sớm quan tâm đến hệ thống BHXH. Cũng theo đại biểu, khoảng cách giới trong thụ hưởng chế độ BHXH càng lớn xuất phát từ việc nhiều phụ nữ rút BHXH trong giai đoạn mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ.
Chính vì vậy, cần có những chính sách khác biệt, để tạo điều kiện hỗ trợ cho phụ nữ khỏa lấp những khoảng trống khắc biệt giới, nhằm rút ngắn khoảng cách trong thụ hưởng BHXH giữa phụ nữ và nam giới. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các giải pháp lồng ghép giới một cách thực chất, hiệu quả trong dự thảo Luật.
Về mức hưởng trợ cấp thai sản, dự thảo Luật quy định, lao động nữ khi sinh con, lao động nam có vợ sinh con được hưởng 2 triệu đồng cho một con mới sinh, Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nâng mức trợ cấp này, đồng thời cần cân nhắc để bổ sung chế độ chăm sóc sức khỏe, khám thai định kỳ...