Đánh giá kỹ tác động của chính sách tài khóa để duy trì và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia
Theo ông Trương Bá Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), để có được các chính sách đúng, cần đánh giá kỹ tác động của chính sách và lựa chọn nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo vai trò chính sách tài khóa được duy trì và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi kinh tế
Sáng 30/11, tiếp nối chương trình Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2023, Phiên 1 diễn ra với chủ đề “Chính sách tài chính vượt qua thách thức thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội”.
Đánh giá về tác động cũng như vai trò của chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian qua, ông Trương Bá Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, từ năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát đã tác động sâu rộng tới kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều các giải pháp về thuế phí và các giải pháp đó đã góp phần quan trọng khôi phục thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Năm 2023, diễn biến trong và ngoài nước vẫn tiếp tục phức tạp, khó lường ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, kinh doanh. Do vậy, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền, trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục có giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ông Trương Bá Tuấn cho biết, quy mô các giải pháp thực hiện trong năm 2023 khoảng 196 nghìn tỷ đồng, gia hạn thuế 121 nghìn tỷ đồng, các giải pháp miễn giảm 1 số khoản thuế phí, lệ phí khoảng 13 nghìn tỷ đồng. Các giải pháp được Bộ Tài chính ban hành đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao từ phía người dân, doanh nghiệp và dư luận xã hội.
Bên cạnh đó, ông Trương Bá Tuấn cũng cho rằng để có được các chính sách đúng thì phải nhận diện và đánh giá kịp thời diễn biến để chủ động tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và các chính sách có liên quan.
“Cùng với đó, cần đánh giá kỹ tác động của chính sách, để lựa chọn nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo vai trò chính sách tài khóa được duy trì và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia”, ông Trương Bá Tuấn nêu rõ.
Chính sách tài khóa nên đóng vai trò dẫn đầu để thúc đẩy tổng cầu
Phát biểu tại Phiên 1 của Diễn đàn năm nay, đề xuất các giải pháp thực hiện những định hướng lớn về tài chính – ngân sách trong thời gian tới, ông Jochen Schmittmann - Trưởng Đại diện thường trú, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết, vị thế của các chính sách tài khóa ở Việt Nam đã cải thiện trong những năm gần đây. Do vậy, thời gian tới, chính sách tài khóa nên đóng vai trò dẫn đầu để thúc đẩy tổng cầu, cũng như góp phần làm giảm nợ công và nợ được chính phủ bảo lãnh, tạo thêm dư địa tài khóa.
Đáng chú ý, theo ông Jochen Schmittmann, hiện nay, nhiều quốc gia đang chuẩn bị triển khai thuế tối thiểu toàn cầu nhằm tạo sân chơi công bằng. Đối với Việt Nam, yếu tố thu hút các nhà đầu tư chính là từ môi trường chính trị, sự chăm chỉ của người lao động tận tâm với công việc và trình độ lao động ngày càng cao…
Tuy nhiên, ông Jochen Schmittmann lo ngại, hạn chế trong thu hút đầu tư của Việt Nam hiện nay là cơ sở hạ tầng; quy trình phê duyệt, xử lý tín dụng, cấp tín dụng, môi trường kinh doanh có vai trò hơn so với các ưu đãi thuế...
“Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể làm tăng nhẹ thu ngân sách, song để giúp DN FDI đối phó với những tác động, Việt Nam có thể bù đắp bằng việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cấp cơ sở hạ tầng và tăng cường nguồn nhân lực. Việt Nam nên dành một phần tiền thu từ thuế tối thiểu toàn cầu để đầu tư cơ sở hạ tầng, cung cấp hệ thống điện", đại diện IMF chia sẻ.
Dành nguồn vốn cho những dự án đầu tư trọng điểm
Dự Diễn đàn thông qua đầu cầu trực tuyến, TS. Huỳnh Thế Du - Đai học Fullbright Việt Nam đã chia sẻ về cơ hội và thách thức cho năm 2024. Theo TS. Huỳnh Thế Du, năm 2024 kinh tế thế giới tăng trưởng chậm hơn so với năm 2023, cùng với những khó khăn từ nội tại nền kinh tế, nên sẽ tạo ra những thách thức cho ngân sách của Việt Nam. Mục tiêu đặt ra cho thu ngân sách trong năm tới là tăng 5%, trong khi Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2024.
Do đó, TS. Huỳnh Thế Du cho rằng, Chính phủ cần xem xét một số chính sách, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ động. Cụ thể, chính sách tài khóa mở rộng hơn và dành nguồn vốn cho những dự án đầu tư trọng điểm ở những vùng trọng điểm. Cùng với đó, cần có một chính sách để hệ thống tài chính phát triển lành mạnh, giảm thiểu việc sở hữu chéo và lũng đoạn hệ thống tài chính...