Đánh giá tính công bằng trong thu chi ngân sách tại Việt Nam
Ngày 25/5/2018, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố kết quả nghiên cứu Báo cáo Công bằng thuế Việt Nam 2017. Báo cáo được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực cho hoạt động tham vấn và vận động chính sách về công bằng thuế tại Việt Nam.
Tại Hội thảo Công bố kết quả nghiên cứu Báo cáo Công bằng thuế Việt Nam 2017, PGS., TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết, ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào đánh giá về tính công bằng trong thu chi ngân sách, kể từ sau nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2011.
Trong bối cảnh đó, Báo cáo Công bằng thuế Việt Nam 2017 (đánh giá hệ thống thuế Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây) do VEPR thực hiện dựa trên cơ sở áp dụng khung nghiên cứu và bộ Chỉ số Công bằng Thuế (FTM) do Tổ chức Oxfam toàn cầu xây dựng và chuẩn hoá.
Đại diện nhóm nghiên cứu, PGS., TS. Vũ Sỹ Cường cho biết, dựa trên các câu hỏi của Chỉ số Công bằng Thuế, kết quả nghiên cứu cho thấy, quản lý thuế ở Việt Nam được đánh giá rất cao với điểm số 9/10. Chỉ tiêu đứng thứ hai là Nguồn thu đầy đủ với điểm số là 8/10. Chỉ tiêu Hệ thống thuế lũy tiến đứng thứ ba với điểm số là 7/10. Quản trị các ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp và Tránh nhiệm giải trình trong tài chính công của Việt Nam xếp ở vị trí thấp nhất với điểm số là hơn 4/10 điểm. Chỉ tiêu ở mức khoản 5/10 điểm là Tránh nhiệm giải trình trong tài chính công.
Chi tiêu thuế vì người nghèo trong bộ câu hỏi này chỉ đánh giá trên ba lĩnh vực là chi cho giáo dục, chi cho y tế và chi cho nông nghiệp. Theo các câu hỏi của bộ dữ liệu, chi tiêu thuế cho người nghèo của Việt Nam đạt 6/10 điểm.
Phân tích rõ hơn về các chỉ tiêu, nhóm nghiên cứu cho biết, xét về cơ cấu thu thuế, tỷ trọng thuế gián thu trong tổng thu thuế đã tăng mạnh lên mức hơn 60%, còn thuế trực thu đã giảm xuống mức dưới 40%. Điều này, tác động không tốt đến tính luỹ tiến của hệ thống thuế của Việt Nam.
Việt Nam được đánh giá khá cao về tính đầy đủ của nguồn thu ngân sách. Vấn đề trốn tránh thuế và quản lý thuế của Việt Nam cũng được xem xét trong Báo cáo. Trong một thập kỷ qua, Việt Nam dành rất nhiều nguồn lực cho ngành Thuế, đặc biệt là đầu tư về hệ thống thông tin.
Báo cáo cũng xem xét tính công bằng trong chi tiêu công. Chi ngân sách ở Việt Nam cho những dịch vụ công cơ bản như giáo dục và y tế ở Việt Nam cũng được đánh giá khá tốt. Chi cho giáo dục chiếm khoảng 18% - 20 % tổng chi ngân sách nhà nước (2014-2016). Phần lớn chi cho giáo dục là dành cho giáo dục phổ thông.
Từ những phân tích và đánh giá theo khung khổ của Chỉ số Công bằng Thuế của Oxfam, nhóm nghiên cứu rút ra một số khuyến nghị chính sách liên quan đến vấn đề công bằng thuế như sau:
Thứ nhất, thuế trực thu đang chiếm tỷ trọng ngày càng thấp cho thấy nguồn thu của Việt Nam đang dựa nhiều vào thuế tiêu dùng. Vì vậy, bất kỳ đề xuất tăng các khoản thuế tiêu dùng nào cũng cần được xem xét thận trọng.
Thứ hai, bởi những hạn chế của thuế liên quan đến tài sản như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và nông nghiệp nên trong thời gian tới Việt Nam cần nỗ lực để có thể ban hành các loại thuế liên quan đến thuế tài sản phù hợp.
Thứ ba, rà soát lại chính sách miễn giảm thuế với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI và công bố công khai cho người dân biết phần thuế bị mất đi do miễn giảm thuế.
Thứ tư, giữ vững cải cách theo hướng tách các chính sách xã hội ra khỏi chính sách thuế.
Thứ năm, tiếp tục thực hiện các cải cách mà ngành Thuế đang nỗ lực làm trong thời gian qua để tăng cường hiệu quả trong quản lý hành chính thuế.
Thứ sáu, Việt Nam cần công khai các khoản thu của các quỹ ngoài ngân sách cho người dân.
Thứ bảy, xây dựng cơ chế cụ thể cho sự tham gia của các tổ chức xã hội và người dân vào chu trình ngân sách nhà nước để hệ thống thuế và các khoản chi tiêu từ thuế đạt được mục tiêu công bằng và hướng đến nhóm người yếu thế.
Tuy bộ Chỉ số Công bằng Thuế của Oxfam còn nhiều điều chưa phù hợp với Việt Nam nhưng PGS., TS. Nguyễn Đức Thành cho biết, Báo cáo Công bằng thuế Việt Nam 2017 vẫn hy vọng mang lại cho các nhà hoạt động chính sách, các nhà hoạt động phát triển, các chuyên gia một cái nhìn bao quát, hệ thống và chân thực về hệ thống thuế ở Việt Nam để hướng đến cải thiện tính công bằng và hiệu quả của hệ thống thu chi ngân sách.