Đánh giá xếp hạng ngân hàng thương mại Việt Nam dựa vào các chỉ tiêu tài chính

TS. Nguyễn Chí Đức

Bằng phương pháp phân tích thành phần chính và thứ bậc thực hiện xếp hạng 23 ngân hàng thương mại Việt Nam trong năm 2015 trên cơ sở số liệu báo cáo tài chính của các ngân hàng từ năm 2012-2015, bài viết đánh giá quy trình xếp hạng ngân hàng thương mại Việt Nam dựa vào các chỉ số tài chính. Tuy nhiên, vấn đề xếp hạng ngân hàng có nhiều phương pháp khác nhau, cần có thêm các nghiên cứu về vấn đề này để các cơ quan quản lý ngành Ngân hàng có thêm căn cứ để tham khảo so sánh và lựa chọn cho phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Hiện nay, các nghiên cứu về đánh giá, xếp hạng tín nhiệm ngân hàng thương mại Việt Nam còn tương đối ít và chưa được các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng. Nguồn: Internet.
Hiện nay, các nghiên cứu về đánh giá, xếp hạng tín nhiệm ngân hàng thương mại Việt Nam còn tương đối ít và chưa được các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng. Nguồn: Internet.

Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

Cơ sở lý thuyết

Trên thực tế, các tổ chức đánh giá, xếp hạng tín nhiệm có uy tín như: Fitch, Moody’s và Standard&Poor’s đã thực hiện xếp hạng tín nhiệm đối với nhiều ngân hàng. Nhìn chung, các kết quả đánh giá xếp hạng tín nhiệm ngân hàng từ các tổ chức này là một nguồn thông tin tham khảo đáng tin cậy trong việc ra quyết định tài chính liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.

Bên cạnh các báo cáo đánh giá, xếp hạng tín nhiệm ngân hàng của một số tổ chức lớn trên thế giới, các bài nghiên cứu học thuật chuyên sâu về lĩnh vực này cũng tương đối đa dạng. Cụ thể, Peresetsky và Karminsky (2008) đánh giá xếp hạng 380 ngân hàng thuộc 42 nước trên thế giới giai đoạn 2003-2006 (bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển), để có thể kết luận rằng nhóm các ngân hàng thương mại (NHTM) từ các nước đang phát triển xếp hạng tín nhiệm thấp hơn so với nhóm ngân hàng từ các nước phát triển.

Trong lĩnh vực sử dụng các chỉ tiêu tài chính đánh giá ngân hàng, Podviezko và Ginevičius (2010) đã thực hiện nghiên cứu về tác động của các chỉ tiêu tài chính trong đánh giá tình hình tài chính và đo lường độ ổn định của ngân hàng. Nhóm tác giả đã sử dụng 10 chỉ số tài chính theo hệ thống phân tích CAMELS để đánh giá các ngân hàng tại Lithuania.

Đánh giá xếp hạng ngân hàng thương mại Việt Nam dựa vào các chỉ tiêu tài chính - Ảnh 1

 

Mabwe và Robert (2010) tiến hành nghiên cứu thực nghiệm về hoạt động của ngân hàng trước và sau khủng hoảng giai đoạn 2005-2009 tại Nam Phi. Các ngân hàng lớn được đánh giá về lợi nhuận, thanh khoản và chất lượng tín dụng thông qua 7 yếu tố tài chính. Gupta và Aggarwal (2012) đã dùng 12 chỉ tiêu tài chính nhằm đánh giá hoạt động của các ngân hàng tại Ấn Độ trước và sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đặc biệt thời điểm Ấn Độ mở cửa ngành Ngân hàng từ năm 2005. Sử dụng phương pháp phân tích thành phần chính để tính điểm xếp hạng các ngân hàng có Chen Jia Li và Li Xue Jian (2011), các tác giả này đã sử dụng 24 chỉ tiêu tài chính, phân thành 5 nhóm nhân tố để xếp hạng các NHTM Trung Quốc.

Hiện nay, các nghiên cứu về đánh giá, xếp hạng tín nhiệm NHTM Việt Nam còn tương đối ít và chưa được các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng. Gần đây nhất là đợt phân loại NHTM để cấp tăng trưởng tín dụng do Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) trực thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai thực hiện vào năm 2011, tiếp đến là bảng xếp hạng 32 NHTM Việt Nam năm 2012 do Công ty xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp Việt Nam công bố.

Nếu xét về lĩnh vực nghiên cứu học thuật liên quan đến đề tài, Võ Hồng Đức và Nguyễn Đình Thiên (2013) là một trong số ít những tác giả đã có những phân tích, đánh giá chuyên sâu về việc xếp hạng tín nhiệm NHTM tại Việt Nam. Nhóm tác giả đã tiến hành thu thập, phân tích dữ liệu từ 34 NHTM Việt Nam trong các năm 2010, 2011, kết quả xếp hạng NHTM dựa trên nền tảng lý thuyết mở và so sánh các kết quả xếp hạng này với những kết quả phân loại được NHNN công bố. Nhóm tác giả cũng sử dụng các bộ chỉ tiêu đánh giá của Moody’s như hiệu suất sinh lời, hiệu quả quản lý, thanh khoản, cơ cấu và an toàn tài chính, chất lượng tín dụng/tài sản.

Sau 30 năm đổi mới, hệ thống NHTM Việt Nam đã có những thay đổi, phát triển và biến động gắn liền với những diễn biến của nền kinh tế. Đặc biệt, sau khi thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015, kết quả là tình trạng tài chính của các ngân hàng đã được cải thiện, trật tự, kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng đã được thiết lập lại.

Tuy nhiên, để hệ thống ngân hàng hoạt động bền vững, hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng khi tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, hệ thống ngân hàng không chỉ nâng cao năng lực từ tăng vốn, quản trị mà chính việc xếp hạng tín nhiệm các ngân hàng cũng cần phải được quan tâm. Vì vậy, cần có thêm các công trình nghiên cứu đánh giá xếp hạn NHTM Việt Nam dựa vào các chỉ tiêu tài chính trong giai đoạn cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015.

Phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng các phương pháp phân tích thành phần chính và phân tích thứ bậc theo mô hình của Chen Jia Li và Li Xue Jian (2011). Theo đó, các phương pháp này thực hiện xếp hạng ngân hàng trên cơ sở số liệu kinh doanh của 23 NHTM Việt Nam giai đoạn 2012-2015 làm căn cứ xếp hạng NHTM. Đây là phương pháp nghiên cứu xếp hạng các NHTM dựa vào các chỉ tiêu tài chính trong từng thời kỳ (tùy từng thời kỳ khác nhau thì các biến được sử dụng khác nhau cho phù hợp).

Các bước nghiên cứu chủ yếu:

Bước 1: Phân tích thành phần chính để lựa chọn biến và nhân tố phù hợp trong giai đoạn 2012-2015.

Bước 2: Phân tích thành phần chính của phần mềm SPSS, lần lượt tính toán điểm của các chỉ tiêu cấp 1 của 23 NHTM qua từng năm.

Bước 3: Sử dụng các điểm của các nhân tố chỉ tiêu cấp 1 của các NHTM, xác định thứ tự đơn lẻ các NHTM.

Bước 4: Thông qua mức độ quan trọng đóng góp của các chỉ tiêu tài chính cấp 1 để xác định thứ tự tổng thể.

Dữ liệu nghiên cứu

- Chuyển trị số của các chỉ tiêu tài chính thành giá trị chuẩn từ 0 đến 1: Do các trị số của các chỉ tiêu tài chính có chiều hướng khác nhau, có chỉ tiêu càng lớn càng tốt và có chỉ tiêu càng nhỏ càng tốt nên cần phải được chuyển đổi về dạng chuẩn từ 0 đến 1 và cùng chiều thuận, trong đó giá trị xấu nhất sẽ là 0 và giá trị tốt nhất sẽ là 1. Công thức như sau:

Đối với chỉ tiêu thuận càng lớn càng tốt thì công thức chuyển đổi là:

Đánh giá xếp hạng ngân hàng thương mại Việt Nam dựa vào các chỉ tiêu tài chính - Ảnh 2

 Đối với chỉ tiêu nghịch càng nhỏ càng tốt thì công thức chuyển đổi:

Đánh giá xếp hạng ngân hàng thương mại Việt Nam dựa vào các chỉ tiêu tài chính - Ảnh 3

Trong đó:

yij: các giá trị chuẩn theo thang đo từ 0 đến 1 của ngân hàng i ở chỉ tiêu tài chính j

xij: các trị số nhân tố theo đơn vị đo lường độ lệch chuẩn của ngân hàng i ở chỉ tiêu tài chính j

m: số lượng ngân hàng được xếp hạng

n: số lượng các chỉ tiêu tài chính

Đánh giá xếp hạng ngân hàng thương mại Việt Nam dựa vào các chỉ tiêu tài chính - Ảnh 4


Bài viết lựa chọn dựa trên tình hình thực tế về số liệu để gom thành 5 nhân tố có mức độ hội tụ và độ phân biệt tốt, cụ thể gồm 13 chỉ tiêu tài chính được nhóm lại thành 5 nhân tố sau:

Nhóm 1 (F1): Năng lực sinh lời được đo lường bằng 4 chỉ tiêu gồm: Tỷ suất sinh lời trên tài sản bình quân (ROA) = Lợi nhuận ròng/Tài sản bình quân (X1); Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) =  Lợi nhuận ròng/Vốn chủ sở hữu bình quân (X2);  Tỷ lệ ngoài lãi cận biên = thu nhập ngoài lãi thuần/Tài sản sinh lời bình quân (X3); Thu nhập trên cổ phiếu (EPS) = Lợi nhuận ròng/số cổ phiếu (X4).

Nhóm 2 (F2): Năng lực tăng trưởng được đo lường bằng 3 chỉ tiêu gồm: Tỷ lệ tăng trưởng tài sản (X5); Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng (X6); Tỷ lệ tăng trưởng huy động vốn (X7).

Nhóm 3 (F3): Năng lực quản lý rủi ro được đo lường bằng 2 chỉ tiêu gồm: Vốn điều lệ/Tổng tài sản sinh lời (X8); Nợ phải trả/Tổng tài sản (X9).

Nhóm 4 (F4): Năng lực quản lý thanh khoản được đo lường bằng 2 chỉ tiêu gồm: Tính thanh khoản tiền VND = Tài sản có tính thanh khoản/Nợ phải trả (X10); Tỷ lệ dư nợ cho vay/ dư nợ tiền gửi (X11).

Nhóm 5 (F5): Năng lực quản lý chất lượng tín dụng được đo lường bằng 2 chỉ tiêu gồm: Tỷ lệ nợ xấu (X12); Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng = Dự trữ  rủi ro tín dụng/dư nợ cho vay (X13).

5 nhân tố trên rút trích được 78,9% tổng biến thiên của 13 biến đo lường, vai trò của từng nhân tố thể hiện qua phần trăm phương sai trích được, phần trăm này được sử dụng làm trọng số để tính chỉ tiêu xếp hạng cuối cùng.

Nghiên cứu thực chứng

Sau khi tiến hành xử lý số liệu và phân tích thành phần chính, nhìn vào Bảng 2, bao gồm các trị số nhân tố đã chuẩn hóa và thứ bậc các NHTM năm 2015 theo các trị số nhân tố này (xếp hạng các NHTM theo từng khía cạnh).

 
Đánh giá xếp hạng ngân hàng thương mại Việt Nam dựa vào các chỉ tiêu tài chính - Ảnh 5

Chuyển dữ liệu về thang đo chuẩn:

Do các trị số nhân tố dưới dạng chuẩn hóa (đơn vị đo lường độ lệch chuẩn) bao gồm các trị số âm (dưới trung bình) và trị số dương (trên trung bình). Để thuận tiện cho việc tính toán và xếp hạng, tiến hành chuyển các trị số này về thang đo chuẩn 0 và 1, trong đó giá trị thấp nhất sẽ là 0 và giá trị lớn nhất sẽ là 1. Công thức như sau: 

Đánh giá xếp hạng ngân hàng thương mại Việt Nam dựa vào các chỉ tiêu tài chính - Ảnh 6

yij: các giá trị chuẩn theo thang đo từ 0 đến 1 của ngân hàng i ở điểm thành phần nhân tố j.

xij: các trị số nhân tố theo đơn vị đo lường độ lệch chuẩn của ngân hàng i ở điểm thành phần nhân tố j

m: số lượng ngân hàng được xếp hạng

n: số lượng nhân tố thành phần

Phân tầng các ngân hàng theo điểm của từng nhân tố

Từ các trị số nhân tố đã chuyển đổi về các giá trị chuẩn trong khoảng từ 0 đến 1, tiếp theo là phân tầng các trị số này thành dữ liệu thành thang đo thứ bậc theo quy ước sau:

•        0 -> 0,099: Thứ bậc 1

•        0,1-> 0,199: Thứ bậc 2

•        0,2 -> 0,299: Thứ bậc 3

•        ….

•        0,9 ->1,0: Thứ bậc 10

Với dữ liệu thứ bậc này thì bậc càng lớn càng tốt, bậc càng nhỏ càng xấu, do đó, để xếp hạng từ tốt nhất đến xấu nhất cần tiến hành nghịch đảo các dữ liệu thứ bậc thành dữ liệu xếp hạng theo từng nhân tố. Sau đó dùng dữ liệu xếp hạng theo từng nhân tố gia trọng với các trọng số (tầm quan trọng của từng nhân tố thành phần thể hiện bằng % phương sai trích được) để tính ra dữ liệu xếp hạng chung của từng ngân hàng.

Đánh giá xếp hạng ngân hàng thương mại Việt Nam dựa vào các chỉ tiêu tài chính - Ảnh 7

Kết luận

Trên cơ sở nghiên cứu xếp hạng của các NHTM, Ngâ hàng Nhà nước cần thiết lập một hệ thống chỉ số đánh giá khoa học theo phương pháp nghiên cứu định lượng, sử dụng phương pháp nghiên cứu phù hợp để có kết quả xếp hạng ngân hàng chính xác, khách quan.         

Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ phát triển khoa học và công nghệ NTTU trong đề tài mã số 2016.01.02.

Tài liệu tham khảo:

1. Chen Jia Li và Li Xue Jian (2011) “A Study on Assessment for Bank Performance via PCA and AHP” Journal of Systems Science, vol.19 No.1 Feb, 2011;

2. Gupta, V., K. and Aggarwal, M. (2012), “Performance Analysis of Banks in India - Pre and  Post  World  Trade  Organization  (General  Agreement  on  Trade  in  Services)”. European Journal of Business and Management, Vol 4, No.3, 2012;

3. Mabwe,  K.  and  Robert,  W.  (2010),  “A  financial  Ratio  Analysis  of  Commercial  Bank Performance in  South  Africa”. African Review of Economics and  Finance, Vol.2, No.1, 2010;

4. Võ Hồng Đức và Nguyễn Đình Thiên (2013) “Cách tiếp cận mới về xếp hạng tín nhiệm các NHTM Việt Nam”. Trung tâm nghiên cứu phát triển, Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh. http://www.ou.edu.vn/ncktxh/Documents/Seminars/Duc_Thien_%20Xep%20Hang%20Tin%20Nhiem%20NHTM.pdf.