Dành nhiều ưu đãi, kỳ vọng thúc đẩy giao thương Việt- Lào
TP. Hồ Chí Minh dành các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và thuế sử dụng đất, cũng như ưu đãi khấu hao nhanh cho doanh nghiệp Lào.
Lào là thị trường đầu tư lớn nhất của Việt Nam
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (22/3/1955 - 22/3/2025), kỷ niệm 50 năm Quốc khánh Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (2/12/1975 - 2/12/2025), kỷ niệm 105 năm ngày sinh Chủ tịch Kaysone Phomvihane (13/12/1920 - 13/12/2025), UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) cùng với Sở Du lịch, Sở Ngoại vụ, Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Chính quyền tỉnh, Sở Công Thương và các ban ngành tỉnh Savannakhet, Lào tổ chức “Triển lãm TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành hữu nghị tại Savannakhet lần thứ 5” với quy mô hơn 250 gian hàng vào ngày 2/4.
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Việt Nam và Lào là hai quốc gia láng giềng có mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, được xây dựng và vun đắp qua nhiều thế hệ lãnh đạo, tiêu biểu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane.
“Triển lãm TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành hữu nghị tại Savannakhet lần thứ 5” năm nay có sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp đến từ 7 địa phương của Lào, cùng kiều bào ta tại Úc, Thái Lan, Lào, Campuchia và hơn 130 doanh nghiệp từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Long An, Gia Lai,… và TP. Hồ Chí Minh.
Trong khuôn khổ sự kiện, đã diễn ra Hội nghị Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Lào - Việt Nam. Trong những năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào nói chung, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Lào nói riêng, đặc biệt là Savannakhet, đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều mặt, nổi bật nhất là lĩnh vực thương mại và đầu tư.
Tính đến năm 2024, Lào là thị trường đầu tư lớn nhất của Việt Nam ở nước ngoài, đứng đầu trong số 82 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Việt Nam hiện là đối tác đầu tư lớn thứ ba vào Lào, với 269 dự án có tổng vốn đăng ký lên tới 5,66 tỷ USD. Các dự án đầu tư của Việt Nam đã có mặt tại hầu hết các vùng miền của Lào, bao gồm các lĩnh vực như tài chính ngân hàng, viễn thông, dịch vụ, nông lâm nghiệp. Nhiều dự án đã đi vào hoạt động hiệu quả, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Lào.
Về đầu tư của Lào tại Việt Nam, tính đến năm 2024, Lào có 13 dự án đầu tư vào Việt Nam, trong đó tại TP. Hồ Chí Minh có 1 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 72 triệu USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như năng lượng, nông nghiệp, hạ tầng giao thông, công nghiệp chế biến và du lịch.
Nhiều ưu đãi đặc thù
Về thương mại, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Lào đã đạt 2,2 tỷ USD trong năm 2024, tăng gần 34% so với năm 2023 và lần đầu tiên vượt qua mốc 2 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào chủ yếu bao gồm hàng tiêu dùng, máy móc, thiết bị và phụ tùng, hóa chất, dược phẩm, vật tư y tế, vật liệu xây dựng, nông sản chế biến, giày dép, may mặc và nội thất. Ngược lại, Lào xuất khẩu chủ yếu khoáng sản, nông sản, gỗ, hóa chất, thủy sản từ sông Mê Kông sang Việt Nam.
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, TP. Hồ Chí Minh cam kết tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối quan trọng giữa Việt Nam và Lào, đặc biệt trong việc thực hiện các hiệp định thương mại, trong đó có Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào mới ký kết vào ngày 8/4/2024. Hiệp định này sẽ là cơ sở vững chắc để tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư và mở rộng các lĩnh vực hợp tác trong tương lai.
Giới thiệu về tiềm năng, lợi thế và định hướng thu hút đầu tư, kết nối giao thương giữa TP. Hồ Chí Minh và thị trường Lào, ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc ITPC cho biết, TP. Hồ Chí Minh đóng góp hơn 15% tổng sản phẩm quốc nội (GRDP), hơn 25% tổng thu ngân sách quốc gia, chiếm 11,5% tổng kim ngạch xuất khẩu và 15,33% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước; chiếm tỷ trọng 15% giá trị công nghiệp và 33% giá trị dịch vụ của cả nước. Hiện Thành phố có hơn 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có gần 20.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thành phố có hạ tầng giao thông đa dạng, bao gồm đường bộ, đường hàng không, đường sắt và đường thủy, cùng hệ thống 17 khu chế xuất và khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích hơn 3.900 ha. Nguồn nhân lực của Thành phố dồi dào và chất lượng cao, với nhiều tổ chức khoa học công nghệ, trường đại học, cao đẳng và đội ngũ chuyên gia nghiên cứu năng động. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ của Thành phố rất tiềm năng với hơn 10 triệu dân và mức thu nhập, chi tiêu cao, đồng thời là cửa ngõ lan tỏa đến thị trường 100 triệu dân của Việt Nam. Việt Nam đã tham gia 19 FTA song phương và đa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư.
Giới thiệu các chính sách và cơ chế đặc thù thu hút đầu tư của Thành phố, ông Đào Minh Chánh cho biết, các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và thuế sử dụng đất, cũng như ưu đãi khấu hao nhanh. Đặc biệt, Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, năng lượng sạch, trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển.
Đặc biệt, khi Thuế Tối thiểu Toàn cầu có hiệu lực, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 182/2024/NĐ-CP về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư cho các nhà đầu tư có doanh thu hàng năm trên 750 triệu Euro, với nhiều hạng mục hỗ trợ chi phí đào tạo, nghiên cứu và phát triển, đầu tư tài sản cố định, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, đầu tư công trình hạ tầng xã hội và các trường hợp khác theo quyết định của Chính phủ… nhằm thúc đấy giao thương, đầu tư giữa hai nước.