“Đánh thức” tiềm năng thương mại điện tử

trang trần

(Tài chính) Cùng với sự phát triển như vũ bão của internet, thương mại điện tử cũng ngày càng phổ biến và hứa hẹn nhiều tiềm năng bùng nổ và đã từng được các chuyên gia nhận định: “Thương mại điện tử Việt Nam như một con sư tử đang ngủ yên chưa được đánh thức”.

Thương mại điện tử cũng ngày càng phổ biến và hứa hẹn nhiều tiềm năng bùng nổ. Nguồn: internet
Thương mại điện tử cũng ngày càng phổ biến và hứa hẹn nhiều tiềm năng bùng nổ. Nguồn: internet

Thị trường tiềm năng

Hiện nay, trong thời đại công nghệ ngày càng phát triển, khoảng 1/3 dân số Việt Nam truy cập Internet, cùng với đó là hệ thống viễn thông với tốc độ phát triển vượt bậc là điều kiện để thương mại điện tử phát triển với mô hình mạng lưới trong đó doanh thu được thu về từ nhiều nguồn mạng xã hội, cửa hàng, máy tính bảng, điện thoại di động… Theo đó, sẽ xuất hiện tầng lớp người tiêu dùng không đi đến các cửa hàng mà thực hiện mua bán online – trực tuyến.

Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch Sàn thương mại điện tử Sendo.vn cũng nhận định thương mại điện tử trong nước vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển. Dẫn chứng cho vấn để này, ông chia sẻ: "Hai tháng đầu năm 2014, chúng tôi đều có mức tăng trưởng hơn 50% mỗi tháng và thời gian lưu lại trên site của người dùng hơn 9 phút, thậm chí vượt Taobao những 20%.  Hiện nay chúng tôi vận chuyển hàng hóa tới khách hàng trong 63 tỉnh thành, cho thấy người tiêu dùng đã và đang dần hình thành thói quen mua sắm online, phù hợp với xu thế chung của thế giới”.

Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử, với sự bùng nổ của dịch vụ Internet, kết nối 3G và các thiết bị di động như hiện nay, giao dịch thương mại điện tử Việt Nam đã đạt giá trị 2,2 tỷ USD năm 2013 và có thể chạm ngưỡng 4 tỷ USD vào năm 2015.

Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng dồi dào, thương mại điện tử cũng đối mặt với không ít rào cản từ thói quen mua sắm của người Việt, thói quen sử dụng tiền mặt, an toàn thanh toán chưa cao… Người mua hàng có thể bị mất tiền vì các lý do như khi mua hàng phải trả tiền trước (qua thẻ) nhưng không gửi hàng hoặc gửi hàng chất lượng kém không như mô tả trên website, không đổi được hàng. Còn người bán cũng đối mặt với rủi ro gửi hàng đi mà không nhận lại được tiền nếu chấp nhận cho khách thanh toán sau khi nhận hàng.

Tháo gỡ các rào cản

Để thu hút khách hàng đến với mô hình mua sắm online, trước hết cần giải quyết vấn đề lòng tin người tiêu dùng. Theo đó, cần có khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn nữa trong việc quản lý các website bán hàng trực tuyến, xây dựng các trang web uy tín và có sự bảo hộ, cam kết về chất lượng, chủng loại hàng hóa, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng được bảo vệ, tạo được tâm lý yên tâm cho toàn xã hội với thương mại điện tử.

Đồng thời, thương mại điện tử là lĩnh vực thương mại dựa trên nền tảng công nghệ do vậy cần phát triển một cách đồng bộ kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, công nghệ viễn thông và mạng internet phục vụ cho lĩnh vực này. Cụ thể, cần nhanh chóng xây dựng hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia để sử dụng rộng rãi cho các mô hình thương mại điện tử, đặc biệt loại hình thương mại điện tử doanh nghiệp - người tiêu dùng; sử dụng rộng rãi thẻ thanh toán để giảm tỷ lệ sử dụng tiền mặt; áp dụng phổ biến chứng thực chữ ký số để đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, để thương mại điện tử phát triển một cách nhanh chóng, cần tuyên truyền rộng rãi hơn nữa về tiện ích của thương mại điện tử đến cộng đồng để từng bước thay đổi tập quán, tâm lý của người tiêu dùng từ chỗ chỉ quen mua sắm trực tiếp tại các siêu thị, các chợ sang mua sắm trực tuyến. Cùng với đó, cần tập trung đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực chuyên nghiệp, thường xuyên cập nhật các công nghệ thông tin mới, có khả năng sử dụng máy tính và trao đổi thông tin một cách thành thạo qua mạng, đặc biệt là có hiểu biết về thương mại, luật pháp thương mại điện tử.