Đất khu công nghiệp sẽ sôi động
Công ty TNHH Jones Lang LaSale Việt Nam (JLL) vừa công bố báo cáo thị trường khu công nghiệp các tỉnh phía Nam cuối năm 2016. Theo đó, giá thuê khu công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tăng và dẫn đầu khu vực, đồng thời duy trì khoảng cách cao hơn gấp đôi so với các tỉnh lân cận.
Giá thuê khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh gần 140 USD/m2
Theo kết quả nghiên cứu của JLL, những khu công nghiệp tại các tỉnh lân cận TP HCM có giá trung bình khoảng 45-75 USD/m2 cho cả chu kỳ. Giá thuê nhà xưởng trung bình ở vào khoảng 3 USD/m2 một tháng, và có thể đạt đến 5-6 USD ở một số khu công nghiệp điển hình tại TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Giá thuê đất trung bình ở các khu công nghiệp khu vực miền Nam đạt 69,8 USD/m2 trong suốt chu kỳ thuê.
TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu thị trường về giá thuê thuần trung bình ở mức 138,1 USD/m2. Lý giải nguyên nhân này, JLL cho rằng do chi phí đất tại đô thị này đắt đỏ, cơ sở hạ tầng phát triển hơn nên giá thuê khu công nghiệp mắc hơn.
Trong quý IV/2016, tổng diện tích đất khu công nghiệp khu vực miền Nam đạt hơn 36.925 ha, phần lớn là ở Đồng Nai và Bình Dương. Tổng diện tích cho thuê đạt 24.861 ha, chiếm khoảng 67% tổng diện tích đất, thời gian cho thuê còn lại trung bình từ 24 đến 49 năm. Nguồn cung khu công nghiệp các tỉnh tại khu vực Đông Nam bộ được dự báo sẽ đón nhận thêm khoảng 15.000 ha đất công nghiệp từ 3 đến 5 năm tới.
Với nguồn cầu ổn định trong 3 tháng qua, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt xấp xỉ 73%, khách thuê chủ yếu là các cơ sở sản xuất và chế biến nhiều mặt hàng khác nhau như sản phẩm điện tử và các thiết bị viễn thông.
Theo đánh giá của JLL, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp được dự kiến sẽ gia tăng đáng kể nhờ vào nhu cầu tăng mạnh về các loại hình bất động sản công nghiệp của các nhà đầu tư nội địa và nước ngoài do làn sóng dịch chuyển của các khu công nghiệp, đặc biệt là Trung Quốc. Ngoài ra, tín hiệu tích cực khác đã xuất hiện ở thị trường này là một số lượng đáng kể các khu công nghiệp xanh với công nghệ kỹ thuật hiện đại dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong thời gian tới.
Nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm, đầu tư đất khu công nghiệp
Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (Mã CK: HBC) vừa thông qua chủ trương chuyển nhượng dự án Khu công nghiệp Nhị Thành - Long An (nay là Long Hậu - Hòa Bình). Dự án có quy mô 117,67 ha với tổng vốn đầu tư 592 tỷ đồng, được HBC góp vốn đầu tư từ tháng 9/2008.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2016, dự án khu công nghiệp có vị trí nằm gần tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương này ước tính có thể mang về khoản lợi nhuận hấp dẫn, 47 tỷ đồng cho công ty mẹ HBC.
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2016, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết thị trường khu công nghiệp đang ấm dần lên, giá thuê tăng trưởng ổn định và nhu cầu thuê cũng tăng cao, đặc biệt có khá nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm nên doanh nghiệp sẽ chỉ cân nhắc bán nếu được giá.
Cũng vậy, kết quả 6 tháng của Công ty HBI đang quản lý khu công nghiệp này ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế đạt 77,2 tỷ đồng. Như vậy, năm 2016 khoản lợi nhuận mà khu công nghiệp này mang về cho công ty mẹ có thể cao hơn kế hoạch.
Một số doanh nghiệp khác có mảng kinh doanh khu công nghiệp cũng đang có kế hoạch tương tự như Hòa Bình. Trong buổi tiếp xúc nhà đầu tư trong năm 2016, lãnh đạo Công ty Hoàng Quân cũng tiết lộ các dự án khu công nghiệp của doanh nghiệp, đặc biệt khu công nghiệp kết hợp chức năng cảng đã và đang tiếp nhận nhiều nhà đầu tư ngấp nghé muốn mua lại.
Theo dự báo của lãnh đạo HQC, mảng kinh doanh khu công nghiệp chắc chắn tốt trong năm 2016 và sẽ còn tiếp tục khởi sắc trong 5 năm nữa. Theo đó, hai khu công nghiệp Hàm Kiệm và Bình Minh do doanh nghiệp phát triển và quản lý trước đây cả tháng mới có khách nhưng hiện nay ngày nào cũng có khách hàng tiếp cận thuê đất, sẵn sàng trả mức giá thuê cao hơn hiện tại. “Với tình hình thị trường đang tốt như hiện nay, chúng tôi chỉ cân nhắc bán nếu được giá cao” vị lãnh đạo công ty này cho biết.
Ông Stephen Wyatt Giám đốc điều hành JLL cho biết, sở dĩ đất khu công nghiệp vẫn có nhu cầu cao vì Việt Nam và các nước khu vực Đông Nam Á như Indonesia và Malaysia có chi phí xây dựng thấp với chỉ tiêu dân số, chính sách chủ động của chính phủ… khiến ngành sản xuất ở khu vực vẫn có tiềm năng đạt được tăng trưởng trong tương lai.