Ẩn số thị trường bất động sản Hà Nội 2017
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản (BĐS) Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng nhận định: Năm 2017, thị trường BĐS sẽ không có những cú “bứt tốc” như những năm trước, thay vào đó là sự ổn định, phát triển theo chiều sâu và sinh lời bền vững.
Phát triển theo chiều sâu và sinh lời bền vững
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, sự phát triển này thể hiện ở một số cơ hội sau:
Thứ nhất, tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số trẻ và tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2017 tiếp tục được cải thiện, nên thị trường nhà ở sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt.
Dân số Hà Nội ước tính đến 2020 đạt 7-8,2 triệu người, đến 2030 là 9,3 triệu người cũng là nguyên nhân thúc đẩy thị trường nhà ở phát triển. Tốc độ đô thị hóa cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường BĐS nhà ở phát triển, đẩy mạnh nhu cầu sở hữu nhà ở đặc biệt là ở Hà Nội.
Với tốc độ đô thị hóa 35%, Việt Nam đang là một trong các quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất khu vực châu Á. Bên cạnh đó, dự báo tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng, đến 2020 đạt 44 triệu người, 2030 đạt 21 triệu hộ gia đình thu nhập trên 7.500 USD, đang khiến Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình đầy đủ. Tầng lớp trung lưu gia tăng và tâm lý sở hữu nhà và một phần đầu tư nhà ở cũng là tiền đề giúp thị trường BĐS phát triển.
Thứ hai, Luật Nhà ở được sửa đổi đã giúp các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam. Việc nới lỏng điều kiện về sở hữu nhà ở cho người nước ngoài, thị trường BĐS Việt Nam được nhìn nhận có nhiều tiềm năng tăng trưởng dài hạn cũng như cơ hội cho các nhà đầu tư và tạo ra chuyển biến tích cực cho tất cả các phân khúc, đặc biệt là nhà ở.
Thứ ba, nhà ở tầm trung thu hút sự chú ý của thị trường. Năm 2017, loại hình BĐS này sẽ được hưởng lợi từ sự cải thiện của cơ sở hạ tầng nội đô Hà Nội. Hàng loạt thương hiệu lớn như Vingroup, Tập đoàn Mường Thanh… đã nhanh chóng tuyên bố sẽ cung ứng ra thị trường các căn hộ chung cư với giá 500-700 triệu đồng trong năm 2017…
Tuy nhiên, theo ông Hà thì năm 2017 cũng sẽ là năm đem lại nhiều thách thức cho thị trường BĐS Hà Nội, bởi tín dụng BĐS sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn theo đúng lộ trình của Thông tư 06/2016/TT-NHNN (thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN) với mục tiêu nâng hệ số rủi ro trong kinh danh BĐS từ 150% lên 200% và đưa lộ trình hạn chế dần việc sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.
Yếu tố bất định của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng sẽ có tác động nhất định đến sự dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam và gián tiếp làm thay đổi nguồn cầu tại các phân khúc BĐS nhà ở cao cấp, khu công nghiệp, văn phòng tại các đô thị lớn…
Quy định đánh thuế sở hữu nhà từ cái thứ hai, thứ ba trở đi; hay lệch pha cung – cầu, BĐS cao cấp lấn lướt cũng là những nhân tố tiềm ẩn những biến số tác động đến thị trường BĐS trong chu kỳ 2017-2021.
Đề xuất thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở
Khảo sát cho thấy, nguồn vốn tín dụng luôn được xem là có vai trò quyết định để phát triển thị trường BĐS với ước tính cơ cấu vốn chiếm 70%-80% giá trị.
Chính vì vậy, nhằm tạo lập nguồn vốn bền vững hỗ trợ thị trường BĐS nói chung và thị trường BĐS Hà Nội nói riêng phát triển, Hiệp hội BĐS Việt Nam đề xuất, cơ quan chức năng, đặc biệt là NHNN cần sớm nghiên cứu mô hình, thí điểm thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở để người dân chủ động tham gia tạo nguồn vốn để cải thiện nhà ở của bản thân cũng như có trách nhiệm đối với vấn đề này.
Được biết, từ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Xây dựng đã tham quan học tập Quỹ Tiết kiệm nhà ở ở Bausparkassen của Đức (mô hình này hoạt động rất hiệu quả từ sau thế chiến lần thứ 1 và chứng minh được tính ổn định, bền vững trước khủng hoảng tài chính thế giới giai đoạn 2008-2012). Hiện Chính phủ Đức cũng đang khuyến khích Ngân hàng Bausparkassen thành lập ngân hàng/chi nhánh tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Bất động sản cũng sẽ vận động các doanh nghiệp góp vốn thành lập Quỹ Đầu tư BĐS, hoạt động theo quy định của thị trường chứng khoán nhằm tạo dòng tiền đầu tư cho thị trường BĐS, giảm sự phụ thuộc vào hệ thống tín dụng ngân hàng, cũng như tạo điều kiện cho mọi người dân có nhu cầu có thể đầu tư vào thị trường BĐS.
Số lượng căn hộ dự kiến bán ra trong năm 2017 tại Hà Nội khoảng 17.000 căn. Trong đó, số lượng căn hộ có diện tích dưới 70m2 chiếm khoảng 40%.