Bất động sản khu công nghiệp: Cung tăng, cầu chưa giảm
Dù nguồn cung tiếp tục tăng, nhưng công suất cho thuê tại các khu công nghiệp vẫn tăng khá mạnh nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không ngừng chảy vào Việt Nam.
Báo cáo kinh tế vĩ mô mới nhất của Ngân hàng HSBC cho biết, một điểm đáng chú ý của kinh tế Việt Nam là nguồn vốn FDI tăng trưởng đều với tổng giá trị đăng ký tính đến tháng 8/2016 đạt 9,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, lĩnh vực sản xuất và chế biến vẫn đứng đầu danh sách thu hút vốn FDI, tiếp theo là bất động sản và khoa học và công nghệ.
Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chỉ ra rằng, Hàn Quốc và Nhật Bản là những quốc gia có nhiều dự án đầu tư nhất tại Việt Nam, theo sau là Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)… Năm 2016, một số dự án FDI nổi bật có thể kể đến là Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đầu tư 1,5 tỷ USD vào nhà máy màn hình OLED ở Hải Phòng, Tập đoàn Daikin (Nhật Bản) đầu tư 93,6 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất điều hòa lớn nhất tại Hưng Yên…
Tính theo địa phương, Hải Phòng và Hà Nội là nơi thu hút tốt nhất, chiếm 30% tổng vốn, theo sau là Bình Dương (9%) và Đồng Nai (8%).
Nắm bắt xu thế dòng vốn FDI chảy mạnh, các nhà phát triển hạ tầng khu công nghiêp trong nước và nước ngoài đều gia tăng đầu tư vào các khu công nghiệp mới. Điển hình là Becamex IDC với khu công nghiệp quy mô 4.600 ha tại Bình Dương, VSIP đầu tư Dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore với khu công nghiệp 750 ha tại Nghệ An, Atama (Thái Lan) đầu từ khu công nghiệp 410 ha tại tỉnh Đồng Nai, hay mới nhất là Viglacera khởi công Khu công nghiệp Đồng Văn IV tại tỉnh Hà Nam…
Báo cáo bất động sản công nghiệp của Công ty TNHH Savills Việt Nam vừa công bố cho biết, trong nửa đầu năm 2016, cả nước đã có thêm 6 khu công nghiệp mới được thành lập, cung cấp 700 ha diện tích cho thuê. Tổng diện tích của 218 khu công nghiệp tập trung chủ yếu ở hai vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc và miền Nam, đạt 59.700 ha và diện tích cho thuê xấp xỉ 41.000 ha.
Không dừng ở đó, số lượng khu công nghiệp tại Việt Nam sẽ tăng nhanh trong thời gian tới, bởi hàng loạt nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đang rục rịch nhảy vào phân khúc này để đón đầu làn sóng FDI khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết được thực thi, như FTA Việt Nam - EU (EVFTA) và gần nhất là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Mặc dù TPP còn phải chờ đợi thêm một thời gian nữa, nhất là khi nước Mỹ có Tổng thống mới, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, yếu tố này có vẻ như sẽ không tác động nhiều tới nhu cầu đầu tư vào Việt Nam, khi lợi thế là một nền kinh tế ổn định đang trong đà tăng trưởng trở lại vẫn đang được giữ vững.
Số liệu từ một nghiên cứu của Ngân hàng Standard Chartered công bố cách đây cho thấy, có khoảng 44% đơn vị tham gia nghiên cứu chọn Việt Nam là điểm đến để đầu tư do có thị trường nội địa rất lớn, 29% nêu lý do là chi phí hoạt động thấp và 18% là nhân công dồi dào, là một lý minh chứng khá rõ ràng cho điều này.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw dự báo, trong một vài năm tới, Việt Nam vẫn sẽ được coi là điểm đến lý tưởng của dòng vốn nước ngoài.
Tuy vậy, ông Hà cũng lưu ý rằng, có lẽ các doanh nghiệp đầu tư vào dự án khu công nghiệp cần phải lưu tâm hơn tới diễn biến chung của thị trường. Chắc chắn thời điểm này, để cạnh tranh và thành công được sẽ không phải dễ dàng, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thực sự có nguồn lực về tài chính để đầu tư một cách đồng bộ vào hệ thống hạ tầng cơ sở thì mới mong thu hút được các khách hàng.
Đồng quan điểm, ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam nhận định, hiện nay, nhà đầu tư sẽ đánh giá cao các dự án có kết nối nhà xưởng với các trục giao thông chính, lưu thông vận chuyển hàng hóa thuận lợi, vì nó sẽ liên quan đến bài toán chi phí triển khai.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng quan tâm tới các chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư vào các khu công nghiệp của một số địa phương, như miễn giảm tiền thuê đất, ưu đãi phí sử dụng hạ tầng khu công nghiệp…