Đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2016 trên 6,5%
(Taichinh) - Ngày 29/5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 11/CT-TTg về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Theo đó, Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, doanh nghiệp nhà nước cùng các địa phương tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu mục tiêu tổng quát của kế hoạch là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tốc độ tăng trưởng hợp lý, kinh tế phát triển bền vững; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng…
Phấn đấu tăng trưởng GDP trên 6,5%
Về định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, Chỉ thị nêu rõ, tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) trên 6,5%.
Các địa phương căn cứ vào số liệu tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2015 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán công bố, ước thực hiện cả năm và dự báo triển vọng phát triển để xác định chỉ tiêu tăng trưởng 2016 cho phù hợp.
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu đối với những mặt hàng không thiết yếu. Mở rộng thị trường, khai thác tốt những thị trường hiện có và những thị trường tiềm năng đẻ xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng và giá trị kim ngạch cao.
Thực hiện đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, không để quá phụ thuộc vào một số ít thị trường. Chủ động, tích cực tham gia đàm phán sớm ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các thỏa thuận thương mại khác; đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu lớn. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020.
Đồng thời, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các giải pháp, mục tiêu được nêu tại Nghị quyết số 19/2015 của Chính phủ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực: thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, bảo hiểm xã hội theo hướng tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho người dân và doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt.
Cùng với đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ; phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ; tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.
Huy động vào NSNN từ thuế, phí khoảng 18-19%
Về nhiệm vụ xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, chỉ thị nêu rõ, đối với dự toán thu ngân sách nhà nước, đặt mục tiêu huy động vào ngân sách nhà nước năm 2016 từ thuế, phí khoảng 18 - 19% GDP. Dự toán thu nội địa (không kể thu từ sử dụng đất) phấn đấu tăng bình quân tối thiểu từ 15% trở lên so với đánh giá ước thực hiện năm 2015 (loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách).
Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu phấn đấu tăng bình quân tối thiểu 6 - 8% so với đánh giá ước thực hiện năm 2015. Mức tăng thu cụ thể tuỳ theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương.
Đối với dự toán chi NSNN năm 2016, chỉ thị nêu rõ, chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2016 phải phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và giai đoạn 5 năm 2016 – 2020.
Chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giữ tỷ trọng trên tổng chi ngân sách nhà nước ở mức hợp lý, phấn đấu bố trí tổng mức theo nguyên tắc: vay bù đắp bội chi từ nguồn vốn trong nước và vốn vay ODA cho đầu tư phát triển theo cam kết với các nhà tài trợ; tiền thu sử dụng đất, một phần tiền thu từ sử dụng tài nguyên theo tinh thần Kết luận số 63/2013 của hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.
Các bộ, ngành và địa phương cần xây dựng dự toán chi thường xuyên các lĩnh vực theo đúng định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước và các chính sách, chế độ, định mức hiện hành; ưu tiên tăng chi cho quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; ưu tiên bố trí chi ngân sách cho một số lĩnh vực quan trọng theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội...
Ngoài ra, Chỉ thị của Thủ tướng cũng yêu cầu, các bộ, ban, ngành cơ quan Trung ương và địa phương, các đơn vị sử dụng NSNN chủ động đánh giá kết quả đạt được, tôn tại hạn chế trong quản lý điều hành thu, chi NSNN năm 2015, giai đoạn 5 năm 2011-2015; phân tích nguyên nhân và đề ra các giải pháp khắc phục… Tiến hành kiểm tra, giám sát vốn đầu tư phát triển; xử lý, giải quyết ngay từ khâu xây dựng dự toán những tồn tại, sai phạm trong bố trí dự toán chi ngân sách chưa phù hợp với tình hình thực tế triển khai thực hiện…/.