Đất nền các tỉnh ven đô: "Trông giỏ mà bỏ thóc"
Theo các chuyên gia nhận định, thị trường đất nền các tỉnh đang chững lại, chỉ một số ít có cơ hội tăng giá, còn lại chỉ là nhu cầu đầu tư không có nhu cầu ở thực. Do đó, khách hàng cần đánh giá đúng giá trị thực của dự án và tiềm năng tăng giá của khu vực, tránh rơi vào bẫy giá ảo.
Sau khi đất nền Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong hạ nhiệt tiếp đến là làn sóng tăng giá đất nền các tỉnh ven đô. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, giá đất nền tỉnh lẻ thời gian tới sẽ khó tăng thêm, thậm chí nhiều dự án sẽ giảm giá mạnh.
“Đại gia” ôm tiền về tỉnh
Khi quỹ đất tại các đô thị lớn như TP. HCM và Hà Nội không còn nhiều và ít có dư địa tăng giá, thì lúc này nhiều doanh nghiệp bất động sản đổ tiền vào đất nền các tỉnh.
Tại khu vực phía Bắc, những tỉnh gần Hà Nội như Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nam… đang trở thành điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp bất động sản khi liên tục có các dự án lớn đã và đang khởi công.
Một trong những địa phương đang ghi nhận sự xuất hiện của nhiều dự án nhất kể đến Hưng Yên. Không chỉ gần đây mới sôi động, mà ngay khi có sự xuất hiện khu đô thị kiểu mẫu Ecopark, vùng đất này đánh dấu tiềm năng sự sôi động của thị trường bất động sản, nhất là loại hình nhà liền kề và biệt thự, đó là khu đô thị Phố Nối House Hưng Yên (CTCP Thương mại và Du lịch Tân Sáng làm chủ đầu tư), khu đô thị New City Phố Nối (CTCP đầu tư bất động sản và thương mại Thăng Long), khu đô thị T&T Phố Nối (Công ty TNHH Phát triển công nghệ và đô thị T&T)…
Tiếp theo là Thái Nguyên, từ đầu năm 2019 đất nền ở đây khá sôi động với hàng loạt dự án như khu đô thị Kosy của Tập đoàn Kosy, dự án du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị FLC Thái Nguyên, khu đô thị Danko City Thái Nguyên, khu đô thị Crown Villas của CTCP thương mại Thái Hưng.
Bên cạnh đó, một địa phương sát Hà Nội không hề kém cạnh với hàng loạt dự án bất động sản “nóng” hút giới đầu tư như Yên Phụ New Life tại huyện Yên Phong của CTCP Đầu tư phát triển Nhân Bình, Landora Aroma Từ Sơn của CTCP Đầu tư Đông Sơn vừa ra mắt khách hàng.
Trước đó, dự án khu đô thị Vườn Sen, phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn và khu đô thị Đại An của Công ty Đại An tại Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh cũng đã được mở bán từ giữa năm 2019.
Ngoài ra, một loạt các dự án bất động sản như Dabaco Thuận Thành, khu đô thị Him Lam Thụ Ninh, khu đô thị Nam Hồng Garden Từ Sơn, khu đô thị Hanaka Từ Sơn, khu đô thị Viglacera Yên Phong…cũng sẽ được tung ra thị trường thời gian tới.
Đất nền các tỉnh ở những khu vực làng nghề luôn hút khách và có thanh khoản tốt |
Cẩn trọng với đất ven đô
Lý giải nguyên nhân của xu hướng ngày càng nhiều các doanh nghiệp địa ốc về tỉnh, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản Hà Nội và TP. HCM đang gặp những vướng mắc lớn do điểm nghẽn pháp lý khiến nhiều dự án không thể ra hàng.
Bên cạnh đó, do thị trường bất động sản tại các thành phố lớn đã phát triển ổn định nên giá đất, suất đầu tư đang ở mức rất cao, lợi nhuận mang lại không thực sự hấp dẫn các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Trong khi đó, giá đất tại các tỉnh vùng ven lại đang ở mức khá thấp, tiềm năng tăng giá lớn trong thời gian tới nhờ sự phát triển của kinh tế xã hội và hệ thống cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, theo ông Đoàn Đức Duy, Giám đốc CTCP Nhà đất Thái Nguyên, từ đầu năm 2020, giao dịch đất nền tại Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh vùng ven Hà Nội khá trầm lắng.
Biểu hiện cho thấy, lượng giao dịch thành công của thị trường đang giảm mạnh so với năm 2019, nguyên nhân là do thị trường bất động sản chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động mở bán dự án bị đình trệ.
Bên cạnh đó, nền kinh tế chung suy giảm vì dịch bệnh, tình hình tài chính của các nhà đầu tư bị thắt chặt cũng khiến họ ưu tiên giữ tiền mặt, hạn chế đầu tư vào bất động sản.
Ngoài ra, do định giá ban đầu ở mức cao nên theo ông Duy, trong thời gian tới giá sẽ khó có thể tăng thêm được nữa. Thậm chí, nhiều dự án sẽ bị giảm giá do mức giá hiện đang quá cao, vượt quá giá trị thực và sự phát triển kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng của địa phương.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng các nhà đầu tư khi đổ tiền vào đất nền tỉnh lẻ đều không có nhu cầu ở thực mà là đầu tư. Nếu kinh tế của địa phương phát triển tốt, tốc độ đô thị hoá nhanh, nhu cầu về nhà ở tăng, sản phẩm đất nền đó sẽ nhanh chóng tăng giá và có thanh khoản.
Song, trên thực tế, với mức giá đất nền bị đẩy lên rất cao như hiện nay, người dân ở địa phương không lựa chọn mua các sản phẩm này do vượt quá khả năng chi trả của họ.
Nhận định về thị trường đất nền tỉnh lẻ, ông Đính cũng cho rằng, hơn 1 tỷ đồng/lô đất nền là mức giá mức giá cao đối với thị trường tỉnh lẻ. Nhà đầu tư bỏ tiền mua đất nền vốn không có nhu cầu ở thực, mục tiêu của họ là mua sản phẩm và chờ giá đất tăng để bán chốt lời. Tuy nhiên, khác với giai đoạn phát triển đi lên như năm 2015 - 2018, thị trường bất động sản đang đi ngang, thị trường đang bước vào giai đoạn bình ổn, giá cả không có sự biến động mạnh.
Ông Đính cho rằng, nhà đầu tư đất nền cần cẩn trọng, tỉnh táo và có tầm nhìn dài hạn khi lựa chọn dự án, xem xét kỹ vị trí, năng lực chủ đầu tư và yếu tố pháp lý trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Đồng thời, nhà đầu tư cũng cần đánh giá đúng giá trị thực của dự án và tiềm năng tăng giá của khu vực, tránh rơi vào bẫy giá ảo.