Đặt xe trực tuyến sao cho tiện lợi

Theo Chí Thịnh/sgtiepthi.vn

Với khá nhiều dịch vụ đặt xe trực tuyến tại TP. Hồ Chí Minh, người tiêu dùng nên biết một số cách để chọn ứng dụng phù hợp, có được những chuyến đi tốt, làm thế nào để không bị tài xế yêu cầu huỷ chuyến…

Ứng dụng gọi xe trực tuyến Go-Viet ra mắt tại Việt Nam vào đầu tháng 8/2018. Nguồn: internet
Ứng dụng gọi xe trực tuyến Go-Viet ra mắt tại Việt Nam vào đầu tháng 8/2018. Nguồn: internet

Chú ý các mã khuyến mãi

Go-Viet là ứng dụng đặt xe ra mắt ngày 1/8/2018 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh, là đối tác của dịch vụ đặt xe trực tuyến Go-Jek (Indonesia). Dự kiến trong tháng 9 ứng dụng này sẽ có mặt ở Hà Nội. Khi ra mắt ở TP. Hồ Chí Minh, Go-Viet tung khuyến mãi đồng giá 5.000 đồng/chuyến cho quãng đường dưới 8 km. Hiện nay, mức khuyến mãi đồng giá của Go-Viet là 9.000 đồng cho chuyến đi dưới 8 km. Trước tình hình đó, Grab cũng tung khuyến mãi 5.000 đồng cho mỗi chuyến đi dưới 8 km. Các chương trình khuyến mãi này hiện được người dùng chọn đặt xe khá nhiều.

Tương tự, dịch vụ đặt xe công nghệ mang tên FastGo cũng hoạt động từ đầu tháng 8 ở TP. Hồ Chí Minh. Trước đó, ngày 12-6, dịch vụ này đã hoạt động ở Hà Nội. FastGo có các dịch vụ như FastTaxi, FastBike, dịch vụ đặt xe hạng sang FastLuxury…

Theo ghi nhận, hiện nay Grab đang có khu vực hoạt động phủ rộng ở Hà Nội, Quảng Ninh, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh… Các ứng dụng đặt xe khác đa số phục vụ tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Một số người dùng cho biết, việc đặt xe của các ứng dụng mới ra đời còn hạn chế số lượng xe, chưa có nhiều xe phục vụ ngoài khu vực trung tâm thành phố.

Để có thông tin về những chuyến xe giảm giá, người dùng cần lưu ý tới các thông báo gửi qua email hoặc qua ứng dụng đặt xe. Các mã khuyến mãi này thường xuyên được gửi tới khách hàng vào đầu tuần hoặc vào cuối chu kỳ các chương trình khuyến mãi. Còn những ai có thói quen trả tiền qua ví GrabPay (thường là cho dịch vụ đặt xe ô tô GrabCar) sẽ nhận nhiều mã khuyến mãi giảm cước 10.000-20.000 đồng/chuyến. Mã khuyến mãi này thường xuyên được gửi cho khách hàng vào đầu tuần.

Những mã khuyến mãi kiểu giảm giá 50% nhưng giới hạn số tiền ở mức 10.000-20.000 đồng chỉ có ích khi người dùng chọn những chuyến đi ngắn và tận dụng số tiền khuyến mãi. Ví dụ, đi cuốc xe 20.000 đồng và được giảm giá 10.000 đồng, còn những những chuyến đi dài với số tiền lớn cũng chẳng giảm được bao nhiêu.

Grab đang dẫn đầu về số lượng và mức độ đa dạng của mã giảm giá, Go-Viet vào thời gian đầu có thế mạnh về cuốc xe đồng giá, còn FastGo tập trung khuyến mãi cho khách hàng trả tiền qua thẻ ngân hàng…

Về tính năng thanh toán, hiện tại Grab có sự đa dạng về cách thức thanh toán qua thẻ tín dụng, ví GrabPay…; FastGo chấp nhận thanh toán qua thẻ ATM, thẻ tín dụng, MPOS (dùng thẻ thanh toán)…; Go-Viet hiện chỉ nhận thanh toán bằng tiền mặt, Vato cũng thế.

Chiến thuật đặt xe

Khi đặt xe trực tuyến, người dùng ngán nhất là bị huỷ chuyến liên tục, do đó cần phải có chiến thuật đặt xe “thông minh”. Người dùng nên quan sát xem ứng dụng có số lượng xe hiển thị trên màn hình gần vị trí của mình có nhiều hay không. Điều này giúp họ có xe đón nhanh hơn, ít bị huỷ chuyến.

Một số ứng dụng có tình trạng tài xế không thích nhận những chuyến đi ngắn, thường dưới 25.000 đồng. Do đó, nếu người dùng gọi chuyến xe ngắn cần chú ý khu vực của mình có nhiều xe hay không, nếu không có thì nên chọn ứng dụng khác. Với ứng dụng Grab, khách hàng khi gọi vào giờ cao điểm hoặc trời mưa phải chấp nhận việc nhân giá do cầu vượt cung hoặc chuyển qua chọn ứng dụng khác. Một số tài xế thường không mặn mà với những chuyến xe dùng mã khuyến mãi hoặc trả bằng thẻ. Do đó, nếu cần xe đón nhanh, người dùng nên chọn cách trả bằng tiền mặt.

Một điều cần chú ý khi đặt xe của Grab là tài xế GrabCar do sợ tỷ lệ huỷ chuyến tăng lên – sẽ bị phạt hoặc cắt thưởng – nên thường nhờ khách hàng huỷ chuyến giùm với lý do bể bánh xe, đau bụng, lạc đường… Có những tài xế bấm nhận chuyến đi để đảm bảo tỷ lệ chấp nhận chuyến theo quy định của Grab nhưng sau đó lại nhờ khách huỷ chuyến giùm. Người dùng cần lưu ý khi hủy chuyến có thể nhập vào ứng dụng lý do huỷ chuyến là do tài xế yêu cầu.

Tiêu chuẩn về dịch vụ của Grab yêu cầu tài xế ưu tiên hoàn thành các chuyến xe đã nhận. Nếu tài xế hủy chuyến xe phải thông báo với khách hàng trước khi thao tác trên ứng dụng. Grab có hệ thống kiểm soát hành vi của tài xế và biện pháp xử lý nghiêm khắc nhất là ngừng hợp tác đối với tài xế liên tục không tuân thủ tiêu chuẩn này.

Từ ngày 30/7/2018, Grab nâng tỷ lệ chấp nhận chuyến áp dụng cho tính năng “che/giấu điểm đến” từ 40% thành 50% đối với những tài xế tại TP. Hồ Chí Minh có tỷ lệ chấp nhận chuyến trong tuần dưới 50% thì trong tuần kế tiếp, màn hình nhận cuốc xe chỉ hiển thị thông tin về điểm đón khách. Các thông tin như điểm đến, giá cước, phương thức thanh toán… chỉ được hiển thị sau khi nhấn nút đón khách. Đây là cách hạn chế việc tài xế GrabCar huỷ chuyến đối với những chuyến ngắn.

Tài xế GrabCar sẽ biết được điểm đến của khách đặt xe trước khi họ bấm nhận. Người dùng nên lưu ý nếu gọi GrabCar mà thấy màn hình cứ quay đều là do tài xế đang “thả trôi” hoặc không nhận chuyến đi của khách, sau đó nếu có tài xế nhận mà chê xe nhỏ hay xe ở xa và bấm huỷ chuyến thì khách hàng phải đợi lâu hơn nữa.