DATC sẽ đứng trước cơ hội lớn?

PV.

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Dự thảo hu hút sự quan tâm của công chúng khi đưa ra nhiều quy định được đánh giá là có tính đột phá cho thị trường mua bán nợ Việt Nam phát triển. Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam cũng sẽ đứng trước nhiều cơ hội lớn hơn để phát huy thế mạnh của mình.

Theo đó, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) nằm trong số những doanh nghiệp (DN) được kinh doanh mua, bán nợ. Sau khi hành lang pháp lý cho hoạt động mua, bán nợ được kiện toàn, DATC có thể trở thành DN hàng đầu trong lĩnh vực này.

Ra đời năm 2003 với ý tưởng tập trung xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), DATC có ngành nghề kinh doanh chính là mua, bán, xử lý các khoản nợ và tài sản tồn đọng của các DNNN làm ăn yếu kém. Đến nay, DATC đã mạnh dạn dấn thân sang lĩnh vực khá mới là mua, bán nợ xấu của các ngân hàng.

Kết quả năm 2015 Công ty đã mua 4.392.862 triệu đồng nợ của các tổ chức tín dụng trong nước và ngoài nước, đây cũng là năm đầu tiên Công ty thực hiện thí điểm mua nợ của tổ chức tín dụng ngoài nước.

Bên cạnh việc đẩy mạnh mua nợ, Công ty tăng cường hoạt động thu nợ, xử lý nợ đối với các doanh nghiệp đã mua nợ, thực hiện các giải pháp hiệu quả trong xử lý tài sản đảm bảo để thu nợ, kể cả việc phối hợp với tòa án để theo sát và đẩy nhanh tiến độ xét xử đối với các doanh nghiệp đã khởi kiện.

Doanh thu từ hoạt động mua bán nợ là 1.852.865 triệu đồng, đạt 168% kế hoạch, tăng gấp 2,52 lần so với thực hiện năm 2014.

Thông qua công tác mua nợ, chuyển đổi quyền chủ nợ từ các tổ chức tín dụng, Công ty đã xử lý để lành mạnh tài chính của các nghiệp đang lâm vào tình trạng thua lỗ, khôi phục sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực hoạt động và chuyển đổi thành công ty cổ phần có vốn góp của Công ty.

Kết quả năm 2015 Công ty đã xử lý tài chính, tái cơ cấu toàn diện, hỗ trợ công tác quản trị để phục hồi thành công 6 doanh nghiệp, từ đó đầu tư thông qua hình thức chuyển nợ thành vốn góp 79.300 triệu đồng.

Bên cạnh đó, DATC thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Công ty đã phối hợp với Ban đổi mới doanh nghiệp thuộc các Bộ, ngành, địa phương và các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước nhằm chủ động tổ chức tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp.

Kết quả Công ty đã thực hiện tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ tại 48 doanh nghiệp tăng gấp 2 lần so với thực hiện năm 2014 với giá trị tiếp nhận là 279.862 triệu đồng, trong đó: tài sản 129.135 triệu đồng và nợ 33.362 triệu đồng, tiền doanh nghiệp tự xử lý nợ và tài sản trước bàn giao 1.350 triệu đồng.

Cùng với việc mua, bán, tiếp nhận và xử lý nợ, DATC đã thực hiện thoái vốn đầu tư tại các DN, các tổ chức tài chính mà DN này đã góp vốn. Không chỉ các khoản đầu tư lâu năm, tại các DN mới góp vốn từ 2013, 2014, DATC cũng thoái khi thấy hiệu quả. Trong năm 2015, DATC đã hoàn thành thoái vốn tại 24 DN, thu về hơn 323 tỷ đồng, đạt 115% kế hoạch, tăng gấp 2,37 lần so với năm trước.

Hiện nay, tham gia xử lý nợ xấu hiện nay ngoài các ngân hàng tự xử lý, có hai định chế tài chính là Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và DATC. Mỗi đơn vị vận hành một cách khác nhau nên tầm ảnh hưởng lên thị trường cũng khác nhau.

VAMC mua nợ xấu theo từng ngân hàng, hoặc nhiều ngân hàng, tùy khoản, mục tiêu lấy thu bù chi, không vì lợi nhuận. VAMC tập trung xử lý nợ xấu của ngân hàng, mua nợ theo giá trị ghi sổ, thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt, ngân hàng phải tiếp tục trích lập dự phòng. VAMC mua nợ mang tính bắt buộc với quy định TCTD có nợ xấu trên 3% là phải bán…

Thực tế, VAMC mua nợ xấu để vào kho chờ thời gian xử lý, nếu sau 5 năm chưa xử lý có thể trả về TCTD xử lý bằng khoản đã trích lập 100%.

Trong khi đó, DATC mua nợ xấu chủ yếu theo đối tượng vay là các DNNN. Nghĩa là DATC nhận trách nhiệm trả nợ thay cho DN thông qua việc sở hữu tài sản bảo đảm hoặc chuyển khoản nợ thành vốn góp.

DATC mua theo giá thị trường, thanh toán bằng tiền mặt, ngân hàng tất toán ngay khoản nợ và mua nợ theo nguyên tắc tự nguyện đàm phán trên cơ sở đánh giá hoạt động của cả người vay.

DATC phải kinh doanh hiệu quả, bảo toàn vốn nhà nước, do đó, cách thức hoạt động cũng khác. DATC như một tổ chức tái thiết DN, mua nợ xấu sau đó thực hiện tái cơ cấu, phục hồi DN vay nợ.

Có thể nói, với bề dày trên 10 năm hoạt động mua bán nợ, DATC đáp ứng đầy đủ các điều kiện về vốn điều lệ, kinh nghiệm, nhân sự... để tham gia kinh doanh nợ.