Đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Cùng với việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách, với nỗ lực tái cơ cấu của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong năm 2014 – 2015 đã có những bước chuyển rõ rệt. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng, đòi hỏi trong thời gian tới cần phải có giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn.
Gỡ vướng chính sách, đẩy nhanh tiến độ
Theo kế hoạch giai đoạn 2011 – 2015, cả nước dự kiến cổ phần hóa 538 doanh nghiệp, riêng giai đoạn 2014 – 2015 cổ phần hóa 432 doanh nghiệp. Trong đó, năm 2011- 2013, cả nước đã cổ phần hóa 106 doanh nghiệp. Năm 2014, cổ phần hóa 143 doanh nghiệp. Năm 2015, ước tính đã cổ phần hóa được trên 240 doanh nghiệp, dự kiến cả năm đạt 90% kế hoạch.
Giai đoạn 2014 – 2015 các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thực hiện thoái vốn vào 5 lĩnh vực nhạy cảm là 25.218.995 triệu đồng. Trong năm 2014, các đơn vị đã thoái 4.184.023 triệu đồng, thu được 4.292.129 triệu đồng.
Theo Báo cáo của Vụ Đổi mới Doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ), lũy kế từ đầu năm đến 25/12/2015, đã thoái được 9.924 tỷ đồng, thu về 15.004 tỷ đồng bằng 1,5 lần giá trị sổ sách. Như vậy, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước so với những năm trước đã nhanh hơn, quyết liệt hơn. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp nhà nước) đã tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu theo tinh thần Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở các đề án đã được phê duyệt, các tập đoàn, tổng công ty đã tiến hành rà soát, phân loại, xác định danh mục ngành nghề, phạm vi kinh doanh chính, ngành nghề có liên quan và xây dựng kế hoạch cổ phần hóa; một số tập đoàn và tổng công ty đã xây dựng, ban hành mới hoặc hoàn thiện hệ thống quy chế quản trị nội bộ, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành nhằm tinh giảm biên chế, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tổng số vốn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thực hiện thoái trong 5 lĩnh vực nhạy cảm giai đoạn 2014 – 2015 là 25.218.995 triệu đồng. Năm 2014, số vốn đã thoái là 4.184.023 triệu đồng, thu được 4.292.129 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm đến 25/12/2015, số vốn đã thoái 9.924 tỷ đồng, thu về 15.004 tỷ đồng, bằng 1,5 lần giá trị sổ sách.
Đồng thời, các cơ chế chính sách về tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng tiếp tục được kiện toàn và ban hành đầy đủ thông qua các Nghị định, Quyết định của Chính phủ và các Nghị quyết của Quốc hội và đã được luật hóa tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, tại các Hội nghị giao ban hàng quý trong năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ lộ trình, biện pháp xử lý đối với từng nhóm doanh nghiệp cổ phần hóa và yêu cầu các bộ chủ quản chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về tiến độ của từng doanh nghiệp, đề án tái cơ cấu, cổ phần hóa.
Thực tế trong năm qua cho thấy, với các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn như Quyết định 51/2014/QĐ-TTg, Quyết định 41/2015/QĐ-TTg, Nghị định 116/2015/NĐ-CP, nếu bộ, ngành, doanh nghiệp nào quyết liệt triển khai sẽ đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra như Bộ Giao thông Vận tải, khi đã quyết tâm làm, từ người lãnh đạo cao nhất đến các tập đoàn, tổng công ty, mọi vướng mắc đều tháo gỡ nên đã hoàn thành việc cổ phần hóa hơn 100 doanh nghiệp trong cả giai đoạn 2011 - 2015.
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không phải theo phong trào mà phải có lộ trình, kế hoạch, chú trọng vấn đề cốt yếu là “chất lượng” sau cổ phần hóa doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn, sức cạnh tranh tăng. Đồng thời, vốn nhà nước bán ra phải thu hồi được giá trị cao nhất. Một trong những mặt được của cổ phần hóa trong giai đoạn 2014 – 2015 là chúng ta đã giải phóng nguồn lực, thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của thành phần kinh tế tư nhân.
Các doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam đã cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia mua lại 100% (cảng Quảng Ninh), 85% (cảng Sài Gòn, Hải Phòng)… Điều này cho thấy, người dân đã nhận thức được cơ hội đầu tư trong việc tham gia mua cổ phần đối với những đơn vị và được nhà nước đầu tư, từ đó khai thông các nguồn lực như đất đai, tài nguyên hay hạ tầng… của quốc gia kết hợp nguồn lực trong dân để thúc đẩy sản xuất kinh doanh so với các giai đoạn trước, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã thực sự tạo ra “làn sóng” đầu tư mạnh mẽ.
Tiến độ thoái vốn trong giai đoạn 2011 - 2013 của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn hạn chế, không ít đơn vị chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa hiệu quả do vướng mắc trong cơ chế thực hiện. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/9/2014 quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước, nút thắt về cơ chế đã được tháo gỡ.
Qua đó đã phần nào giúp các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thoái vốn theo phương án đã được phê duyệt. Nhiều đơn vị đã chủ động tìm kiếm đối tác để đàm phán thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính cũng như thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường năng lực tài chính của doanh nghiệp như: Phối hợp với Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để sớm giải quyết các khoản nợ và tài sản tồn đọng. Nhờ đó, kết quả thoái vốn trong năm 2014 – 2015 đã có những bước chuyển rõ rệt.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng, bởi do một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước, ảnh hưởng đến thị trường tài chính, thị trường chứng khoán làm cho nhu cầu sụt giảm. Do đó, kế hoạch bán cổ phần ra công chúng của các doanh nghiệp cổ phần hóa không đạt được kế hoạch đề ra, tỷ lệ bán thành công thấp, nhiều doanh nghiệp sau IPO vẫn còn số lượng vốn nhà nước lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp phải thoái một lượng vốn lớn trong khoảng thời gian nhất định vì vậy ảnh hưởng đến tiến độ thoái vốn của doanh nghiệp.
Mặt khác, việc định giá doanh nghiệp cao hơn giá thị trường khiến giá cổ phần trong các đợt IPO ở mức cao, dẫn đến doanh nghiệp không chỉ giảm giá 1 lần mới mới bán được, gây ảnh hưởng tiến độ cổ phần hóa. Khi xác định giá trị doanh nghiệp, song song với việc doanh nghiệp tính đúng, tính đủ chi phí, đơn vị tư vấn, thẩm định giá phải tính đúng theo giá thị trường.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khoản đầu tư của doanh nghiệp đã mất nhưng không xác định được đầy đủ hồ sơ, thủ tục nên đơn vị tư vấn không xác định được giá thị trường, tính ngang với giá trị sổ sách để bảo toàn vốn Nhà nước giao. Rõ ràng, giá trị doanh nghiệp không phản ánh đúng sự thực khiến nhà đầu tư không tin tưởng. Điều này cho thấy, tiến độ cổ phần hóa là vấn đề thuộc về doanh nghiệp và đơn vị tư vấn, không phải do cơ chế, chính sách.
Vì vậy, bản thân doanh nghiệp phải chuẩn bị kỹ hồ sơ, chứng từ theo đúng quy định, đảm bảo các khoản nợ xấu được xử lý trước khi loại trừ ra khỏi giá trị, tài sản doanh nghiệp. Đơn vị thẩm định giá phải trung thực, các khoản nợ, khoản đầu tư nào chưa được làm rõ phải đưa cáo bạch để nhà đầu tư biết.
Thực tế, các nhà đầu tư khi mua cổ phần sẽ tìm hiểu rất kỹ về doanh nghiệp, thậm chí thuê tư vấn kiểm tra các thông tin về những khoản nợ và khoản doanh thu chưa thu được. Ngoài ra, Sở Giao dịch chứng khoán cũng cần thực hiện tốt hơn nữa vài trò là đơn vị kiểm soát lại cáo bạch của doanh nghiệp và công bố trước khi IPO.
Thứ hai, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn.
Thứ ba, nhận thức của một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và các doanh nghiệp về chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp tuy đã có chuyển biến nhưng chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; còn tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau cổ phần hóa.
Thứ tư, đối tượng sắp xếp, cổ phần hóa hiện nay hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Mặt khác, việc thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu và thoái vốn nhà nước đối với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị.
Giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Một là, đối với Bộ Tài chính: Tiếp tục theo dõi, giám sát quá trình thực hiện các Đề án tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cùng với việc kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai Đề án tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (nếu có), Bộ Tài chính tiếp tục bám sát để kịp thời xử lý các vướng mắc khó khăn phát sinh về cơ chế chính sách cổ phần hóa, thoái vốn để thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa theo thị trường gắn với hội nhập.
Hai là, đối với các bộ, ngành, địa phương:
(i) Tiếp tục quyết liệt để hoàn thành công tác cổ phần hóa, thoái vốn đối với các đơn vị chưa hoàn thành theo kế hoạch năm 2015, trong những tháng đầu năm 2016;
(ii) Nghiên cứu hoàn thiện, chỉnh sửa các Đề án, chính sách về sắp xếp, đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước (gồm cả công ty nông lâm nghiệp), phù hợp với tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước cho phù hợp với giai đoạn 2016 - 2020, hướng dẫn các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước ban hành Điều lệ và Quy chế tài chính phù hợp với Luật doanh nghiệp và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh; hướng dẫn các hình thức sắp xếp khác phù hợp với hệ thống pháp luật mới ban hành như cơ chế bán toàn bộ doanh nghiệp, bán một phần vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp để chuyển thành Công ty TNHH hai thành viên trở lên, sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp nhà nước, cơ chế phá sản các công ty lâm nghiệp, nông nghiệp theo Nghị quyết Quốc hội;
(iii) Trên cơ sở tiêu chí phân loại mới ban hành (thay thế Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/7/2014), tập trung hoàn thành trình Thủ tướng phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước để triển khai ngay từ đầu năm 2016;
(iv) Không ngừng quán triệt, thực hiện kế hoạch, lộ trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo hoàn thành theo đúng Đề án đã được phê duyệt. Xử lý nghiêm đối với lãnh đạo doanh nghiệp không thực hiện đúng hoặc thực hiện không có hiệu quả tái cơ cấu và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp;
(v) Đẩy mạnh rà soát bán phần vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, để tập trung nguồn thu từ quá trình cổ phần hóa và thoái vốn để đầu tư các công trình trọng điểm của Nhà nước;
(vi) Tăng cường công tác tái cơ cấu và nâng cao chất lượng quản trị và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; Tiếp tục hoàn thiện các quy chế, quy định nội bộ theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
(vii) Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý của chủ sở hữu nhà nước, tiếp tục kiện toàn bộ máy, tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cấp, ngành và đơn vị có liên quan;
viii) Nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước. Đẩy nhanh việc minh bạch, công khai hóa thông tin về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả tổ chức tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Hình thành cơ quan quản lý, giám sát tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính để tăng cường công tác giám sát các doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Định hướng cho giai đoạn 2016 - 2020
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện sắp xếp, đổi mới và chuyển đổi sở hữu các doanh nghiệp nhà nước còn lại, mục tiêu số lượng doanh nghiệp nhà nước đến năm 2020 còn gần 200 (giảm 50% số lượng tại thời điểm năm 2015). Đồng thời, cơ bản hoàn thành việc xử lý các tồn tại về tài chính, lao động dôi dư của khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Thứ hai, giải phóng nguồn lực xã hội, thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời, nâng cao năng lực quản trị, công khai, minh bạch và gia tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước còn lại thích ứng với cơ chế thị trường, yêu cầu hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN. Cụ thể, doanh nghiệp nhà nước hoạt động kinh doanh phải có lợi nhuận, cạnh tranh được với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; doanh nghiệp nhà nước phục vụ xã hội dân sinh phải tạo ra sản phẩm, hàng hóa đảm bảo chất lượng.
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả và tiến độ thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp; Thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn tại một số tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn đã cổ phần hóa đang có vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo quy định.
Thứ ba, triển khai các giải pháp tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo tinh thần Quyết định số 1826/QĐ-TTg ngày 6/12/2012 của Thủ tường Chính phủ, qua đó hỗ trợ thu hút và khuyến khích nhà đầu tư tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông và công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát trong tái cơ cấu doanh nghiệp cùng với thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh được giao. Coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần khẩn trương và kiên quyết hoàn thành.