DATC sẽ là chủ nợ 11.000 tỷ đồng của Vinalines?
(Tài chính) Đây là thông tin thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian gần đây, khi Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đề nghị Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) mua lại các khoản nợ, rồi sau đó Vinalines sẽ làm mọi cách trả nợ cho DATC.
Sau khi được Chính phủ chấp thuận một số giải pháp để tái cơ cấu doanh nghiệp này và tiến hành cổ phần hóa theo lộ trình, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vẫn chưa thể phục hồi, ít nhất trong vòng 2 năm tới. Do vậy, Vinalines tiếp tục đề xuất hàng loạt biện pháp xử lý nợ triệt để hơn nhắm giảm tối đa nợ gốc và tiến tới hạn chế việc thua lỗ kéo dài, tiến dần tới làm ăn có lãi.
Theo quyết định trước đó của Chính phủ hồi đầu tháng 5 vừa qua, Vinalines hiện đang nợ tại 22 tổ chức tín dụng 11.424 tỉ đồng sẽ được chấp thuận tái cơ cấu tài chính theo hướng sau: Khoanh nợ gốc 2.201 tỉ đồng tại Ngân hàng Phát triển (VDB) trong 2 năm (đến hết năm 2015), xóa hơn 281 tỉ đồng nợ lãi trong khoảng thời gian này; các tổ chức tín dụng còn lại khoanh nợ gốc cho Vinalines 3 năm (từ 2013 đến hết 2016) và xem xét miễn giảm lãi vay đến hết năm 2013.
Vinalines cho rằng, nếu khoanh nợ tại các ngân hàng như quyết định nói trên thì dòng tiền năm 2014 và 2015 của doanh nghiệp sẽ được cải thiện phần nào do giảm được chi phí lãi vay dự kiến hơn 1.500 tỉ đồng.
Do vậy, Vinalines đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính cho phép Công ty TNHH một thành viên mua bán nợ (DATC- Bộ Tài chính) DATC mua lại nợ của Vinalines tại 22 tổ chức tín dụng, với tỷ lệ chiết khấu hợp lý theo tính chất từng khoản nợ. Sau khi DATC đàm phán mua lại nợ, Vinalines sẽ nhận lại nợ từ DATC tính bằng giá trị DATC đã mua, cộng thêm phí quản lý của DATC.
Nếu quá trình này được thông qua, DATC sẽ là chủ nợ mới của Vinalines thay cho các ngân hàng. Và nguồn mà Vinalines tính đến để trả nợ là từ nguồn thoái vốn tại 37 doanh nghiệp mà Vinalines có vốn góp.
Trước đó, Chính phủ đã phê duyệt việc Vinalines thoái vốn, bán các tài sản hoạt động không hiệu quả, dùng nguồn tiền thu từ bán cổ phần lần đầu của các cảng biển và tiếp tục bán tiếp vốn của Vinalines tại các cảng, làm giảm tỷ lệ sở hữu tại đây để có tiền trả nợ vay.
Nếu bán nợ cho DATC, mà Vinalines dùng các cách chưa trả hết nợ thì DATC có quyền chuyển nợ thành vốn góp tại các doanh nghiệp của Vinalines theo tỷ lệ sở hữu phù hợp.
Vinalines cho rằng, làm được điều này thì Chính phủ không phải xem xét đến việc phát hành trái phiếu có bảo lãnh để xử lý nợ như đã từng làm với Vinashin, mặc dù quyết định mới đây của Chính phủ cũng đã cân nhắc cho Vinalines được phép làm tương tự.
Hơn nữa, các ngân hàng cũng có lối thoát do chính các ngân hàng cũng đang ráo riết xử lý các khoản nợ xấu theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, mà Vinalines hiện là con nợ có mức nợ xấu rất lớn. Việc bán lại nợ của Vinalines cho DATC sẽ giúp các ngân hàng thu về một tỷ lệ nợ gốc theo giá thị trường hơn là bán nợ theo chỉ định với tỷ lệ chiết khẩu cao đến 70% như đã từng bị yêu cầu bán khi tái cơ cấu Vinashin.
Tuy nhiên, các đề nghị của Vinalines cũng không dễ thực hiện nếu không được sự chấp thuận của Chính phủ và DATC. Bởi lẽ, DATC chỉ mua lại nợ rồi tái cơ cấu, bán đi kiếm lời chứ chưa bao giờ mua nợ rồi bán lại bằng giá mua gốc có tính phí, ngoại trừ các trường hợp phải mua lại nợ theo chỉ định của Chính phủ. Việc mua chỉ định này thì Chính phủ chưa cho phép đối với trường hợp Vinalines.
Ngoài ra, Chính phủ cũng chưa có cơ chế cho Vinalines được giữ lại số tiền thu được từ việc bán cổ phần lần đầu tại các cảng biển sau cổ phần hóa và nhiều quy định khác nữa liên quan đến bán tài sản, giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhanh tại các công ty con…. Do đó, Vinalines vẫn tiếp tục phải chờ.