DATC và hành trình tạo dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững
Qua 15 năm xây dựng và phát triển, đến nay Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã mua bán, xử lý nợ và tài sản đạt trên 90.000 tỷ đồng, đã hỗ trợ khoảng 3.000 doanh nghiệp xử lý được công nợ và tài sản tồn đọng cũng như để tái cấu trúc phục hồi kinh doanh... DATC đã tạo dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Kể từ khi chính thức đi vào hoạt động (ngày 5/6/2003 theo Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và được công nhận là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hạng đặc biệt, nhiệm vụ chính DATC được giao là tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản loại trừ không tính vào giá trị DN khi thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DNNN.
Cùng với đó là thực hiện các phương án mua bán, xử lý nợ theo thỏa thuận và chỉ định của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, thực hiện xử lý nợ gắn với chuyển đổi sở hữu DNNN không đủ điều kiện cổ phần hóa hoặc tái cơ cấu phục hồi hoạt động các DN khách nợ.
Những ngày đầu thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, tuy vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và xây dựng, hoàn thiện quy trình, nhưng về cơ bản DATC đã hoàn thành tốt ngay từ những nhiệm vụ đầu tiên về xử lý nhiều khoản nợ của đơn vị như: Ngân hàng Việt Hoa, Ngân hàng Eximbank, Công ty Xuất nhập khẩu Ngũ Cốc… để từ đó từng bước mở ra những chương mới trong quá trình hoạt động của mình.
Đến năm 2007, sau 5 năm thành lập, DATC lần đầu vượt mốc hơn 1.000 tỷ đồng tổng doanh số mua nợ. Cũng trong năm này, DATC thực hiện phương án đầu tiên gắn xử lý nợ với tái cơ cấu tại Sadico Cần Thơ.
Từ một DN kinh doanh thua lỗ, đứng trên bờ vực phá sản, Sadico được DATC vào cuộc xử lý nợ, chuyển đổi thành công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng.
Chỉ sau một thời gan ngắn, DATC đã đưa Sadico trở lại hoạt động đạt hiệu quả cao và việc cố phiếu Sadico niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội là minh chứng sắc nét nhất.
Sau thành công này, với kinh nghiệm đã thu được, DATC tiếp tục mua và xử lý nợ gắn với tái cơ cấu thành công cho gần 200 DN thuộc các bộ, ngành, địa phương trải dài từ Sơn La đến Cà Mau, tiêu biểu như: Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, Công ty cổ phần mía đường Kin Tum... Qua đó, hỗ trợ giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần giải quyết nợ đọng bảo hiểm xã hội và thuế, thu lớn cho ngân sách địa phương.
Điển hình nhất, DATC với nghiệp vụ của mình đã xử lý nợ đọng để hỗ trợ cổ phần hóa thành công Tổng công ty Dâu Tằm tơ và Tổng công ty Xây dựng Đường thủy, là 2 trường hợp có nhiều vướng mắc về công nợ tồn đọng mà Chính phủ mất nhiều năm chỉ đạo xử lý nhưng chưa thực hiện thành công.
Với bề dày kinh nghiệm trong tái cơ cấu DN thông qua phương thức xử lý và mua bán nợ, DATC đã nhận được sự tin tưởng từ Chính phủ khi được giao nhiệm vụ hỗ trợ xử lý nợ để thực hiện tái cơ cấu nhiều tập đoàn, tổng công ty và DNNN.
Trong đó, có thể kể đến Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC), Tổng công ty Cà Phê Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng Miền Trung, các Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1,4,5,6,8 (Cienco 1,4,5,6,8), Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Công ty Haprocimex, Công ty thực phẩm Miền bắc thuộc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam...
Riêng với trường hợp Vinalines, DATC đã hỗ trợ xử lý được hơn 5.000 tỷ đồng công nợ tồn đọng, qua đó góp phần duy trì kinh doanh vận tải biển và phát triển kinh tế biển gắn với an ninh quốc phòng.
Trong giai đoạn “trũng” về cổ phần hóa DNNN từ năm 2011 đến năm 2013, riêng DATC đã hỗ trợ cổ phần hóa thành công 33 DN gặp khó khăn, chiếm 30% trên tổng số 113 DN thực hiện cổ phần hóa trong cả nước.
Cũng vào giai đoạn này, DATC đã thực hiện thành công việc phát hành trái phiếu trị giá hàng trăm triệu đô để cơ cấu lại nợ vay tại tập đoàn kinh tế của nhà nước.
Đặc biệt, giai đoạn 2014 - 2017, DATC đã nâng tầm việc mua và xử lý nợ với những hợp đồng có giá trị giao dịch lớn cả ngàn tỷ đồng tại các DN quy mô lớn.
Trong xu thế hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, để hướng đến sự phát triển vươn tầm quốc tế, trong những năm qua DATC đã có những bước đột phá khi mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều cơ quan, tổ chức tài chính quốc tế. Điển hình như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA, Công ty Quản lý tài sản Hàn Quốc (KAMCO), Công ty IGPI Nhật Bản… và còn là đại diện của Việt Nam tham gia sáng lập Diễn đàn các AMC công quốc tế (IPAF).
Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, cho tới nay DATC đã mua bán, xử lý nợ và tài sản đạt trên 90.000 tỷ đồng. Qua đó, DATC đã hỗ trợ khoảng 3.000 DN xử lý được công nợ và tài sản tồn đọng cũng như để tái cấu trúc phục hồi kinh doanh.
Trong hành trình của một định chế tài chính Nhà nước, với những thành quả không nhỏ của mình, DATC đã được Đảng, Nhà nước và cộng đồng DN ghi nhận những đóng góp trong xử lý nợ xấu và tái cơ cấu DN.
Đồng thời, DATC vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Nhì và Huân chương lao động hạng Ba vào năm 2009 và 2015. Những thành tựu trên của DATC có được từ những nỗ lực không ngừng của Ban lãnh đạo cũng như đội ngũ cán bô viên chức DATC.