Dấu hiệu "tích cực" của nợ xấu
Theo khảo sát điều tra của Ngân hàng Nhà nước, đa số các tổ chức tín dụng (TCTD) đánh giá, nợ xấu tăng nhẹ trong quý IV nhưng sẽ giảm nhẹ từ quý I/2022. Điều này phù hợp với triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế trong năm nay.
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý I/2022.
Kết quả điều tra cho thấy trong quý I/2022, 49,5% TCTD kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng so với quý IV/2021.
Dự kiến cho năm 2022, 95% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 2% TCTD lo ngại lợi nhuận giảm.
Các TCTD đánh giá tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng có sự phục hồi và "cải thiện" rõ rệt trong quý IV/2021 so với quý trước, do đó đã nâng kỳ vọng về xu hướng cải thiện tích cực tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2021 so với năm 2020.
Đánh giá tổng thể cả năm 2021, các TCTD nhận định "Chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của NHNN" vẫn là nhân tố quan trọng nhất giúp "cải thiện" tình hình kinh doanh của TCTD. Trong khi đó "Điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng" cùng với "Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị" là 2 nhân tố dẫn đầu về tỷ lệ TCTD đánh giá có tác động tiêu cực tới tình hình kinh doanh của đơn vị.
Tuy nhiên, các TCTD cũng kỳ vọng "Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị" cùng với "Điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng" là những nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp "cải thiện" tình hình kinh doanh của TCTD kể từ quý IV/2021 cho tới các quý của năm 2022.
Điều này phù hợp với kết quả khảo sát, các TCTD nhận định tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu "tăng nhẹ" trong quý IV/2021 nhưng sẽ "giảm nhẹ" trở lại trong Quý I/2022.
Tính chung cả năm 2021, mặt bằng rủi ro của khách hàng được các TCTD đánh giá tiếp tục "tăng nhẹ" so với năm 2020 cho đến hết quý I/2022 nhưng sẽ điều chỉnh giảm nhẹ trong các quý cuối của năm 2022. Dự báo tổng thể cả năm 2022, các TCTD kỳ vọng xu hướng giảm mặt bằng rủi ro.
Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 2,6% trong quý I/2022 và tăng 12,1% trong năm 2022.
Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 5,3% trong quý I/2022 và tăng 14,1% trong năm 2022, điều chỉnh giảm nhẹ so với mức dự báo 14,3% tại kỳ điều tra trước.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, dịch bệnh kéo dài trong suốt 2 năm và vẫn còn đang diễn biến phức tạp đã, đang và sẽ mang lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Những khó khăn như vòng quay vốn chậm, dòng tiền đứt gãy, doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, gia tăng rủi ro về thu hồi nợ... đến năm 2022 sẽ tác động mạnh hơn đến hoạt động ngân hàng do có độ trễ.
Theo đó, nếu tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01, Thông tư 14, nợ có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống hiện vào khoảng 7,31%.
Đáng chú ý, mới đây Chính phủ đã trình Quốc hội Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 với đề xuất gói hỗ trợ lãi suất có quy mô 40.000 tỷ đồng.
Theo đó, NSNN sẽ hỗ trợ 2%/năm lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại. Điều này từng mang tới lo ngại nguy cơ nợ xấu tiếp tục tăng cao khi dư nợ tín dụng được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Chính phủ cơ bản là hỗ trợ lãi suất mà không thay đổi các điều kiện tín dụng, vì vậy gói này chủ yếu nhằm giảm chi phí tài chính cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. Và nếu thực hiện đúng quy cách thì nguy cơ nợ xấu tăng cao do gói hỗ trợ này cũng không đáng lo ngại.
Cùng với đó, gói hỗ trợ lãi suất cũng sẽ không tác động quá lớn tới lạm phát năm 2022 (dự kiến chỉ dưới 3%), lãi suất nhờ vậy cũng không có áp lực tăng mạnh nhờ lạm phát thấp và gói hỗ trợ lãi suất.